Vườn quốc gia Hoàng Liên cách Sa Pa không xa, là một khu vực tập hợp những ngọn núi cao và thung lũng sâu nằm gần biên giới của Việt Nam với Trung Quốc. Phóng viên của National Geographic đã có một chuyến đi cùng người bản xứ vào sâu bên trong nơi này để hái thảo quả đen, một loại thảo dược được dùng làm gia vị trong nhiều món ăn của người Việt.
“Để đến được đây, chúng tôi phải đi xe máy mất gần một ngày, vượt qua những con sông ngập nước đến đầu gối, những con đường đá uốn lượn và thậm chí là những con rắn độc chờ sẵn trên đường. Khi đến nơi trồng thảo quả, việc đến gần cây để hái cũng không phải dễ dàng gì vì có rất nhiều bụi cây gai và hoa dại, chúng tôi phải nhờ sự giúp đỡ của dân bản xứ”, phóng viên Mike Ives và nhiếp ảnh gia Ian Teh cho biết.
Người bản địa hỗ trợ cặp đôi phóng viên này là chị Giang Thị Lang và anh Nguyễn Danh Dương. Anh chị đã trồng quả thảo đen trong rừng của Vườn quốc gia Hoàng Liên từ những năm 1990, công việc chính của hai người ngoài trồng và hái quả hằng năm thì còn làm hướng dẫn viên du lịch tại Sa Pa.
Khoác lên người một chiếc áo truyền thống được dệt thủ công bằng tay, chiếc quần thun và ủng cao su, hai phóng viên cùng anh chị Dương - Lang, người em trai của họ là anh Cho và 7 người đàn ông, 2 người phụ nữ khác, để bắt đầu mùa thu hoạch thảo quả đen sau một năm gieo trồng.
Dược liệu quan trọng của phương Đông
Việt Nam là một đất nước có sự đa dạng lớn về địa hình, thảm thực vật và sinh học, nhưng Sa Pa vẫn rất nổi bật vì sở hữu nhiều đặc tính riêng biệt so với các vùng khác trên cả nước. Thị trấn này nằm ngay cạnh đỉnh cao nhất của Việt Nam - núi Fansipan với độ cao 3.143 mét - và cạnh vườn quốc gia rộng hàng trăm km vuông.
Vườn quốc gia Hoàng Liên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, đặc biệt là tại vùng thung lũng nơi có những con sông suối nhỏ chảy qua. Họ vẫn giữ được nhiều nét riêng của bộ tộc của mình truyền qua từ nhiều thế hệ, nhất là trong lối sinh hoạt và canh tác nông nghiệp.
Nếu có cơ hội, hãy làm một chuyến đi bộ dọc theo thung lũng tại vườn quốc gia này để tìm hiểu về lịch sử và môi trường vùng núi phía bắc của Việt Nam. Thảo quả đen được trồng tại Hoàng Liên vào những năm 1990 nhằm thay thế thuốc phiện - một loại cây trồng bị cấm nhưng đã giúp phát triển kinh tế của khu vực thời Đông Dương.
Đồng thời, vườn quốc gia cũng là biểu tượng cho những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc bảo tồn đa dạng sinh học sau khi chiến tranh kết thúc. Chính quyền đã phải giải bài toán khó: làm thế nào vừa phát triển nông nghiệp của vùng, vừa bảo đảm sự đa dạng sinh học vẫn được duy trì và phát triển?
Tại Hà Nội trước khi lên tàu hỏa đi Sa Pa, Mike Ives đã mua 6 quả thảo đen với giá 9.000 đồng - một mức giá tương đối rẻ. Loại quả này mọc dưới tán lá của những cây xanh mọc ven dòng suối trong thung lũng, ngoài dùng làm thuốc còn được dùng rất nhiều làm gia vị cho món phở.
Trong y học phương Đông, thảo quả đen được dùng làm thuốc trị táo bón và bồi bổ sức khỏe. Ở các nước phương Tây chỉ có thảo quả xanh, loại quả đen này chỉ được trồng và xuất khẩu từ châu Á mà Sa Pa đang dần trở thành trung tâm sản xuất của loại dược liệu này.
Cuộc sống gắn liền với thảo quả
Anh Dương chị Lang là người dân tộc H’mông, họ sống tại Tả Van để vừa thuận tiện cho công việc hướng dẫn viên du lịch, vừa dễ dàng vào rừng để trồng cây hái quả. Thảo quả đen là nguồn thu nhập chính của làng, cha của chị Lang là ông Giang cho biết từ khi trồng loại cây này vào năm 1994, ông đã yêu nó và dặn con cháu mình cũng nên có tình yêu như vậy.
Dân làng Tả Van và các làng xung quanh vào rừng thuộc địa phận Vườn quốc gia Hoàng Liên để trồng cây. Điều này theo lý thuyết là vi phạm luật bảo tồn tự nhiên, nhưng kiểm lâm và chính quyền không xử phạt vì thật ra người dân đang góp phần phủ xanh cho khu rừng cũng như tạo ra nguồn thu chính đáng từ nông nghiệp.
Thời gian gần đây, việc trồng thảo quả đen đang dần gặp khó khăn khi thị trường không ổn định và thời tiết thay đổi. “Người dân đang trồng ít đi và trông chờ vào một tương lai khả quan hơn, hoặc sẽ tìm một loài cây khác để canh tác”, nhà địa lý học Sarah Turner tại Đại học McGill (Canada) cho biết.
Vì đặc tính riêng của loài cây này, nó không thể trồng ở vùng đồng bằng hay bìa rừng, mà phải đi thật sâu vào bên trong rừng nơi có những dòng suối chảy giữa thung lũng và những tán cây dày. Chị Lang cùng người em Cho dẫn đường để các phóng viên đi men theo vào trong rừng rậm.
“Chúng tôi đã bước đi hơn 2 km trên bề mặt đầy đất đá ẩm ướt và gồ ghề, tuy nhiên anh Dương có vẻ rất lạc quan và không lo lắng lắm về những gì đang xảy ra trên đường, anh hút thuốc và vẫn nói chuyện vui vẻ liên tục. Mãi đến buổi chiều muộn, chúng tôi mới đến được khu vực dành riêng cho việc hái trái”, phóng viên Mike Ives kể.
Hàng trăm cây thảo quả đen mọc dọc theo hai bên con suối, lá của chúng dày và xanh mướt. Cao hơn ở bên trên những cây thảo là các thân cây cổ thụ đóng rêu phong vươn cao hàng trăm mét lên không trung. Nhiếp ảnh gia Ian Teh tự hỏi làm thế nào những thân cây chắc khỏe và đẹp đẽ này lại không bị đốn hạ, dẫu nạn lâm tặc đang hoành hành ở những khu vực gần đây.
Buổi tối, nhóm phóng viên cùng gia đình anh Dương dựng lều trại và nghỉ lại. Sáng ngày mai, cả nhóm sẽ bắt đầu hái quả và tối ngày mai họ sẽ ở lại thêm một đêm nữa, sẽ cùng nhau dùng món được làm từ gia vị thảo quả đen. Vì đường đi xa xôi, hiểm trở, mỗi lần thu hoạch họ sẽ đi cùng nhau thành một nhóm đông người và ở lại đến vài ngày.
Hàng ngàn bước chân chinh phục thảo quả
Sáng sớm hôm sau, mọi người thức giấc trong mùi thơm của thịt lớn muối nướng béo ngậy trên ngọn lửa trại và cà phê hòa tan. Ông Giang, cha chị Lang, cho biết có khoảng 2.100 cây quả thảo đen được chia thành hai khu vực lớn bị chia cắt bởi một quả đồi nhỏ giữa thung lũng.
Tất cả mọi người chia thành hai nhóm lớn với con dao rựa trên tay và bắt đầu ngày thu hoạch. Công việc cơ bản là hái quả trên cây rồi tách vỏ thô, dưới mỗi gốc cây phải được dọn dẹp sạch sẽ vì việc làm sạch thảm thực vật bên dưới cây sẽ giúp cây sinh trưởng tốt hơn vào mùa thu hoạch năm sau.
Suốt nhiều giờ liên tục, những người nông dân âm thầm bước đi theo con suối, họ chỉ ngừng lại khi uống nước và lau mồ hôi trên mặt. Không khí lạnh lẽo và Mặt Trời thường bị che đi mất bởi những đám mây đen xám, báo hiệu một cơn mưa có thể ập đến vào bất kỳ lúc nào.
Đến buổi chiều khi Mặt Trời không còn bị che khuất bởi các đám mây nữa mà nằm về phía sau những tán cây, tất cả mọi người ngừng tay và cùng chiêm ngưỡng thành quả là lượng thảo quả thô nhiều như một cái tủ lạnh cỡ lớn. Một vài quả đang chuyển dần từ màu đỏ tươi sang màu nâu của cà phê, tỏa ra mùi quả vừa mới bị tước đứt khỏi nhánh.
Số quả này cần phải rang lên đểgiảm bớt khối lượng và việc vận chuyển xuống núi sẽ dễ dàng hơn. Cả nhóm người tiếp tục nướng thịt heo và uống rượu để ăn mừng ngày thu hoạch thành công. Anh Cho có được 350 kg thảo quả đen, có thể bán được với giá 2.000 USD.
Buổi tối đó, mưa lớn khắp khu rừng khiến củi đối bị ướt và những tấm bạt làm lều bị rách, ai cũng lạnh lẽo và ướt sũng nhưng riêng số thảo quả không hề bị ướt, chúng vẫn khô ráo như thể chưa từng có cơn mưa nào đi qua. Sáng hôm sau, mọi người cùng vận chuyển số thảo quả về lại thị trấn.
Tại thị trấn Sa Pa, nhóm phóng viên thưởng thức món phở bắc truyền thống được điều vị bởi thảo quả đen vừa thu hoạch, sau đó họ về khách sạn và ngâm mình trong nước nóng có hòa thảo quả đen. Một nhóm nông dân khác tiếp tục hành trình lên núi để hái tiếp số quả còn lại.
Hai phóng viên của National Geographic khi được hỏi liệu có sẵn sàng thực hiện một chuyến đi nữa không, họ chỉ trả lời: “Nếu anh tặng cho tôi toàn bộ khu rừng này, tôi cũng sẽ xin phép từ chối vì rõ ràng đó không phải là công việc nhẹ nhàng, thật đáng ngưỡng mộ những người dân tại đây sống nhờ vào loại quả này”.