Thoải mái tàn phá nghĩa địa mộ cổ khổng lồ chứa cả tấn báu vật ở Hải Dương (kỳ 4)
Kỳ 4: Nghĩa địa mộ cổ khổng lồ bị tàn phá
Trong những ngày lang thang ở huyện Kim Thành để tìm hiểu về ngôi mộ Hán khổng lồ, lớn nhất Việt Nam, đã bị tàn phá ở xã Liên Hòa (Kim Thành, Hải Dương), tôi đã được nghe người dân ở đây kể về một nghĩa địa mộ Hán rất lớn, với hàng loạt ngôi mộ như những quả đồi giữa cánh đồng. Người dân nơi đây còn đồn rằng, trong những ngôi mộ cổ đó có cả tấn báu vật. Không biết lời đồn có xác thực không, nhưng tôi đã tìm đến cánh đồng làng An Thái (thị trấn Phú Thái, Kim Thành, Hải Dương).
An Thái là ngôi làng nhỏ, một mặt giáp Quốc lộ 5, một mặt giáp cánh đồng. Cánh đồng An Thái được bao bọc bởi sông Kinh Môn và sông Kim Anh.
Đứng bên làng An Thái, nhìn ra cánh đồng, quả thực, thấy cả chục đống đất nhấp nhô, trồi lên khỏi mặt ruộng.
Tôi nhớ mãi lời ông Tăng Bá Hoành: “Khắp vùng Hải Dương, chỗ nào có đống đất trồi lên giữa cánh đồng, thì dứt khoát dưới đống đất đó là mộ gạch hoặc mộ gỗ hình cũi, hai loại mộ phổ biến thời Hán”. Tuy nhiên, tôi không phải nhà khoa học, lại cũng chẳng thể mang cuốc xẻng ra những đống đất đó mà đào bới, nên không thể khẳng định liệu dưới những đống đất đó có mộ cổ hay không.
Dò hỏi hàng chục người lớn tuổi ở quanh làng An Thái, song chẳng ai hiểu mộ Hán là gì, thậm chí họ còn ngạc nhiên khi tôi cung cấp thông tin cho họ rằng, trong lòng những gò đất đó có thể có những ngôi mộ cổ khổng lồ. Hỏi chính quyền thị trấn Phú Thái thì các cán bộ ở đây cũng ngạc nhiên không kém người dân.
Đang lúc không biết bấu víu vào đâu để khai thác thông tin, tôi đành giương máy ảnh hí hoáy chụp các góc độ những đống đất. Giữa trưa nắng chang chang, xuất hiện một người trung niên vác cuốc đi dọc bờ mương, cạnh đống đất tôi đang chụp ảnh. Tôi ngỏ ý hỏi: “Bác có biết dưới gò đất này là cái gì không?”. Thật bất ngờ, bác nông dân kia bảo: “Tôi lạ gì cái đống đất ấy. Bên trong có mộ Tàu đấy. Cánh đồng làng An Thái vốn là một nghĩa địa mộ Tàu lớn lắm. Ngôi mộ nào cũng to như cái lò gạch ở dưới lòng đất”.
Bác nông dân đó là ông Đặng Văn Dũng, nhà ở rìa làng An Thái, trông ra cánh đồng, nơi có khu nghĩa địa cổ khổng lồ. Ông Dũng dẫn tôi về nhà tránh cái nắng gay gắt buổi trưa, rồi kể khá chi tiết về khu mộ này, như thể, ông là một nhà khảo cổ, từng khai quật rất nhiều “mộ Tàu”.
Ông Dũng sinh ra ở làng An Thái. Xưa kia, vùng đất này cực kỳ hoang vu. Người Pháp xây dựng đường sắt Hà Nội - Hải Phòng qua làng An Thái, rồi đặt một ga tàu ở đây, nên mới trở nên sầm uất và thành thị trấn như ngày nay. Thuở nhỏ, những người lớn tuổi trong làng thường kể rất nhiều chuyện huyền bí, ma mãnh về những ngôi “mộ Tàu” kỳ lạ.
Những câu chuyện truyền miệng kể rằng, từ nhiều thế kỷ trước, chiến tranh loạn lạc liên miên, quan lại, người giàu Trung Quốc muốn mồ yên mả đẹp, đã sang tận vùng đất xa xôi phía Nam để chôn cất, lập mộ, giấu vàng bạc, châu báu và các thứ của cải khác.
Để bọn trộm không phát hiện ra nơi chôn thi hài và giấu của quý, những người giàu có, quan lại đã sai người lập hàng trăm ngôi mộ khổng lồ rải rác khắp vùng. Những ngôi mộ như những địa đạo, ma trận, khiến bọn trộm lạc vào không tìm được đường ra, rồi chết rũ xương. Thế là, những ngôi mộ giả đó biến luôn thành mồ thật chôn bọn trộm…
Còn rất nhiều những truyền thuyết hư thực khác nữa, đặc biệt là những câu chuyện về những người lạ từ phương Bắc tìm sang, mang theo bản đồ cổ, rồi giữa đêm thắp đèn đào bới trên những gò đống để tìm kho báu… Qua những câu chuyện hư cấu đó, có thể nhận ra những chi tiết thể hiện rằng dưới những đống đất là những ngôi mộ gạch thời Hán.
Ông Đặng Văn Dũng dẫn tôi sang phía bên kia Quốc lộ 5, qua trạm soát vé cầu An Thái, rồi đi dọc triền đê bên này con sông Kinh Môn. Ông Dũng kể rằng, trước kia, cả khu vực rộng lớn ngay bên con sông Kinh Môn, vượt qua Quốc lộ 5 đến hết cánh đồng mênh mông của làng An Thái là một nghĩa địa khổng lồ, có hàng trăm gò đống cao vượt ngọn tre.
Thời kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ phá hoại, bộ đội, dân quân du kích vẫn tập trận trên những gò đống, lập các tấm bia tập bắn trên gò, rồi đưa cả pháo lên nóc những ngôi mộ để bắn máy bay của địch, làm điểm cao để quan sát trận địa.
Tuy nhiên, khoảng 30 năm trở lại đây, dân cư khu vực làng An Thái trở nên đông đúc, hàng loạt gò đống bị san phẳng. Có tới cả chục gò đất bị ủi bằng để mở đường sang huyện Kinh Môn, làm đường dẫn lên cầu An Thái.
Đặc biệt, khi nhà máy đóng tàu, nhà máy giấy, nhà máy gạch, nhà máy gỗ và hàng loạt nhà máy dệt, may lớn mọc lên, toàn bộ khu nghĩa địa lọt giữa Quốc lộ 5 và sông Kinh Môn đã biến mất hoàn toàn.
Thời điểm phá mộ khổng lồ mạnh nhất là vào những năm 2003 và 2004, khi xây dựng nhà máy gạch Tuy-nen.
Theo ông Dũng, nhà máy gạch này đã làm đường trèo qua một gò đống mà người dân An Thái vẫn thường gọi là Đống Hang. Đây là gò đất lớn nhất trong số cả trăm gò mộ quanh làng An Thái.
Gò rộng chừng 5 ngàn mét vuông, cao bằng ngôi nhà 3 tầng. Khi xe ủi húc gò để mở đường qua, đã lộ ra những vòm cuốn xây bằng loại gạch lạ, mỏng và to bản. Khi ngôi mộ cổ khổng lồ bị phá, không thấy có cơ quan chức năng, nhà khoa học nào vào cuộc. Toàn bộ ngôi mộ đã bị phá, gạch đất được máy ủi san làm con đường dẫn vào nhà máy gạch này.
Cũng trong thời điểm phá Đống Hang, một doanh nghiệp cũng phá Đống Lậy, cũng là một đống rất lớn, cách Đống Hang chừng vài chục mét. Người ta phá ngôi mộ khổng lồ này để làm đường dẫn lên cầu An Thái.
Cũng trong năm 2004, ở phía Bắc con đường dẫn lên cầu An Thái, người ta phá Đống Bờ Chở. Khi đống đất này bị máy ủi xới lên, lộ ra hàng chục vạn viên gạch lạ mắt.
Người dân An Thái tưởng rằng đây là kho gạch cổ xưa, nên ùn ùn kéo xe ba gác ra chở gạch về lát đường, lát sân, thậm chí xây chuồng lợn, nhà vệ sinh, tường rào.
Để chứng minh thông tin này là thật, ông Dũng dẫn tôi đi dọc làng An Thái, tìm vào những gia đình từng lấy gạch ở ngôi mộ cổ khổng lồ dưới Đống Bờ Chở. Quả thực, loại gạch hình múi bưởi, to bản, mỏng, có hình khắc, vương vãi khắp nơi. Từ bờ cống, tường, lát ngõ… đều thấy xuất hiện loại gạch này. Riêng nhà ông Thẩm (làng An Thái), loại gạch này được lát từ ngõ vào đến sân, rồi tường bao dài dằng dặc quanh nhà ông cũng được xây từ loại gạch lấy từ ngôi mộ Hán cổ, mà ông tưởng là lấy từ một… kho gạch dưới lòng đất.
Một nửa khu nghĩa địa cổ từng tồn tại cả ngàn năm nay giữa cánh đồng ở kẹp giữa Quốc lộ 5 và sông Kim Anh thì vẫn còn rải rác chừng hơn chục ngôi mộ như những ngọn đồi trồi lên giữa cánh đồng.
Xưa kia, cánh đồng An Thái trùng điệp là gò đống, mộ cổ, song thời cải cách ruộng đất, các HTX đã phát động phong trào phá gò đống, mồ mả để mở rộng đồng ruộng. Cả trăm gò đống lô nhô đã bị san phẳng, tạo ra một cách đồng rộng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn cả chục gò đống chưa bị phá.
Theo ông Dũng, lý do những gò đống, những ngôi mộ này chưa bị phá là vì nó lớn quá, nếu phá không những mất quá nhiều công sức, mà không biết chở hàng vạn khối đất đổ đi đâu.
Mặt trời ngả về Tây, cái nắng bớt gay gắt, ông Đặng Văn Dũng vác xẻng dẫn tôi ra cánh đồng, trèo lên những ngôi mộ Hán cổ khổng lồ, như quả đồi, mà các nhà khoa học, các nhà khảo cổ, chính quyền bỏ quên.
Chúng tôi đi bộ trên con đường bê tông từ sườn làng An Thái dẫn thẳng ra cánh đồng. Bên cạnh con đường nhỏ, vừa công nông chạy, có con mương xây bằng gạch, dùng để dẫn nước tưới tiêu cho toàn bộ cánh đồng An Thái. Theo ông Dũng, đây là con đường được mở để dẫn ra bãi rác của thị trấn. Toàn bộ rác thải của thị trấn được công nông chở ra đổ ở bãi rác này. Bãi rác nằm giữa cánh đồng, cách xa khu dân cư để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Con đường bê tông nhỏ này đi xuyên qua một đống đất khá lớn, rộng khoảng 500 mét vuông, cao hơn mặt ruộng chừng 4-5 mét. Con đường rộng chừng 3 mét, cao hơn mặt ruộng độ 1 mét và cắt đôi gò đất. Người dân An Thái gọi đống đất này là Đống Sẫm.
Ông Dũng dùng liềm cắt những bụi cỏ rậm rạp, xanh tốt, làm lộ ra những viên gạch cổ vẫn còn tươi. Nhìn qua những viên gạch, tôi biết rõ đây là loại gạch thời Hán, dùng để xây mộ. Có hai loại gạch, một loại hình chữ nhật, to bản, mỏng, dùng để xếp thành tường và loại gạch thứ 2 mang hình múi bưởi, một cạnh rộng, một cạch hẹp, dùng để xếp thành vòm cuốn.
Ông Dũng dùng xẻng đào một lớp đất mỏng, hất văng bụi cỏ ra ngoài, tôi thấy lộ ra hình vòm cuốn của ngôi mộ. Tính ra, nóc vòm cuốn chỉ cao hơn mặt con đường bê tông xuyên qua chưa đầy 1 mét. Theo các nhà khoa học, thông thường, những vòm cuốn này có độ cao chừng 2,8 mét. Như vậy, con đường này mới đi qua lưng chừng ngôi mộ. Chân đáy vòm cuốn của ngôi mộ còn nằm khá sâu dưới lòng đất.
Sau khi cắt cỏ mở rộng “địa bàn thám sát”, dùng xẻng hớt lớp đất mỏng, tôi thấy lộ ra tổng cộng 3 vòm cuốn. Theo nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, những ngôi mộ Hán thường có từ 2 đến 4 vòm cuốn. Mộ có 2 vòm cuốn là loại trung bình, 3 vòm cuốn là lớn và 4 vòm cuốn là cực lớn.
Ngôi mộ Hán cổ khổng lồ, rộng vài trăm mét vuông, được làm bằng 54 mét khối gạch, hiện trưng bày ở Bảo tàng Hải Dương có 3 vòm cuốn. Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ phát hiện 1 ngôi mộ Hán cổ có 4 vòm cuốn nằm trước UBND xã Liên Hòa (Kim Thành). Ngôi mộ này lớn gấp rưỡi, thậm chí có thể lớn gấp đôi ngôi mộ trưng bày ở Bảo tàng Hải Dương. Tuy nhiên, ngôi mộ đã bị chính quyền và người dân phá hủy hoàn toàn.
Cứ theo lý giải của nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, thì có thể nhận thấy, ngôi mộ dưới Đống Sẫm, mà chính quyền thị trấn Phú Thái mới phá hủy khi làm đường thuộc loại khá lớn, bởi nó có tới 3 vòm cuốn. Điều lạ là, mặc dù khi làm đường, người ta đều biết rõ đây là ngôi “mộ Tàu”, hay còn gọi là mộ cuốn, song lại cứ nghiễm nhiên phá hủy, không báo cáo gì các nhà khoa học.
Đứng trên nóc Đống Sẫm cỏ rả rậm rạp nhìn ra tứ phía, tôi đếm được cả chục gò đất, mỗi gò cách nhau một vài trăm mét. Từ Đống Sẫm, nơi ngôi mộ bị cắt làm đôi khi làm đường, tôi và ông Dũng lội dọc bờ mương tìm đến một gò đống cách Đống Sẫm chừng 300 mét. Người dân An Thái gọi gò đống khá lớn này là Đống Để.
Đống Để rộng chừng 1.000 mét vuông, tương đương với 3 sào ruộng và cao hơn mặt ruộng chừng 5 mét. Trước đây, Đống Để lớn gấp đôi hiện tại, nhưng vì người dân xung quanh vạc bờ hết năm này đến năm khác để mở rộng ruộng đã khiến Đống Để bị thu hẹp.
Trên nóc và sườn Đống Để có một số ngôi mộ kiên cố của người dân. Lần sang phía sườn Bắc của Đống Để, nơi có một ngôi mộ mới được chôn, tôi phát hiện có khá nhiều gạch Hán cổ có hình khắc vương vãi trên mặt đất. Theo lời ông Dũng, khi đào huyệt chôn người chết, những người đào huyệt đã chạm phải nóc các vòm cuốn của mộ Hán cổ, nên họ phải moi những viên gạch này lên mới tiếp tục đào được huyệt.
Căn cứ vào thông tin này, có thể tin chắc chắn rằng, dưới Đống Để rất lớn này, có ngôi mộ Hán thời Bắc thuộc. Ngôi mộ này có mấy vòm cuốn, lớn như thế nào, thì phải chờ các nhà khoa học xác minh, hoặc khai quật mới rõ. Tuy nhiên, căn cứ vào độ lớn của Đống Để, có thể tin rằng, dưới gò đống này, là một ngôi mộ khổng lồ, là một “cung điện nguy nga dưới lòng đất”.
Giữa cánh đồng An Thái, gò đống lớn nhất, rộng mênh mông là Đống Cao. Gò đống này có tên như vậy, vì nó quá lớn, cao vượt ngọn tre. Theo lời ông Dũng, hồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Đống Cao được sử dụng đặt các ụ pháo bắn máy bay. Mặc dù đã bị người dân đào xới 4 phía để mở rộng ruộng, song Đống Cao vẫn còn rất lớn, rộng khoảng 3.000 mét vuông.
Toàn bộ Đống Cao đã biến thành một nghĩa địa có cả trăm ngôi mộ xanh đỏ lòe loẹt của người dân. Trên nóc Đống Cao có cả mộ kiên cố lẫn mộ mới chôn chưa cải táng. Cũng tại Đống Cao, chúng tôi phát hiện rất nhiều gạch cổ thời Bắc thuộc nằm rải rác khắp nơi. Nguyên nhân những viên gạch này, vốn nằm sâu dưới lòng đất cả ngàn năm nay, bỗng dưng “nhảy” lên mặt đất là vì người dân đào huyệt chôn người chết đã chạm phải. Họ đã moi những viên gạch này lên để tiếp tục đào những cái huyệt sâu đến 2 mét.
Từ việc thám sát 3 gò đống giữa cánh đồng An Thái, đều phát hiện có mộ Hán cổ, loại mộ rất lớn, có niên đại rất lâu, tôi có thể tin rằng, trong lòng những gò đống còn lại cũng có loại mộ này. Riêng ông Dũng thì khẳng định trong lòng những gò đống đó đều có mộ cuốn. Lý do là vì từ trước đến nay chưa từng phá gò đống nào ở cánh đồng An Thái mà không có mộ cuốn, mộ xây gạch hay còn gọi là “mộ Tàu” theo cách gọi của người dân nơi đây.
Có thể nói, hàng chục ngôi mộ còn lại giữa cánh đồng An Thái (Phú Thái, Kim Thành, Hải Dương), là một di sản vô cùng quý hiếm với ngành khảo cổ nước nhà. Đây là những ngôi mộ có từ mười mấy thế kỷ nay, từ thời Bắc thuộc, và còn cực kỳ nguyên vẹn. Khai quật, nghiên cứu những ngôi mộ này, sẽ thấy được đời sống văn hóa, xã hội thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ mà những thông tin lịch sử, văn hóa, xã hội còn rất ít. Dù thời điểm hiện tại, chúng ta không đủ phương tiện, tiền bạc để khai quật, bảo tồn, thì cũng nên có những phương án bảo vệ, quản lý, để đời sau còn được chiêm ngưỡng những kỳ quan mộ cổ này.
Còn tiếp...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ tộc người bí ẩn nằm sâu trong rừng, không mặc quần áo, biệt lập hoàn toàn với văn minh loài người
Một ngôi mộ cổ được tìm thấy trong hồ chứa nước, ngay cả những chiếc đinh trong quan tài cũng bằng vàng, chủ nhân của ngôi mộ là ai?
Người đàn ông vỡ òa khi đào được 'tảng đá' giá trị gần 10.000 tỷ, Tần Thủy Hoàng từng săn lùng ráo riết
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Y học Ai Cập cổ đại đã biết điều trị ung thư từ 4000 năm trước? Dấu vết điều trị 'ung thư' gây sốc được tìm thấy
Loài người chưa từng biết ẩn nấp ở châu Á suốt 100.000 năm