Thủ đoạn thượng thừa của Từ Hi Thái hậu: 8 đại thần không đấu lại được 1 phi tần 26 tuổi
Vào thời phong kiến, vũ đài chính trị thường được ví như chiến trường đấu trí phức tạp và khốc liệt vô cùng. Bởi yếu tố quyết định chiến thắng trong những cuộc đua tranh trên phương diện này vốn ít phụ thuộc vào tuổi tác hay thể lực.
Cũng vì vậy mà lịch sử Trung Hoa đã từng ghi nhận không ít chính trị gia thành công đánh đổ các nhân vật lão làng trên chốn quan trường ngay cả khi tuổi đời của họ còn rất trẻ. Và trường hợp của Từ Hi Thái hậu cũng là một trong số đó.
Năm xưa khi Hàm Phong đế qua đời, Từ Hi mặc dù mới chỉ 26 tuổi nhưng đã trở thành kẻ chiến thắng sau cùng trong cuộc chiến tranh đoạt quyền lực với 8 vị đại thần cố mệnh của Tiên đế. Và "chìa khóa" giúp bà gạt bỏ mọi rào cản để bước lên đỉnh cao của giai cấp thống trị nằm ở chính những nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan dưới đây.
Nguyên nhân thứ nhất: Kẽ hở trong di ngôn ủy thác của Hàm Phong
Ngày 15 tháng 7 năm Hàm Phong thứ 11 (1861), Hàm Phong đế cảm đột ngột cảm thấy long thể bất an khi đang ở tẩm cung Tị Thử Sơn Trang.
Chỉ một ngày sau đó, ông đã triệu 8 vị đại thần thân tín trong triều tới tẩm cung để dặn dò. Những nhân vật này bao gồm Di Thân vương Tái Viên, Trịnh Thân vương Đoan Hoa, Túc Thuận, Cảnh Thọ, Mục Ấm, Khuông Nguyên, Đỗ Hàn và Tiêu Hữu Doanh.
Khi biết mình khó lòng qua khỏi, Hàm Phong đã ra chiếu chỉ lập con trưởng khi ấy là Tải Thuần lên làm Hoàng Thái tử, đồng thời giao cho 8 vị đại thần vai trò phụ chính sau này.
Thực chất, đây chính là di chiếu truyền ngôi của Hàm Phong cho Đồng Trị đế và cũng là lời ủy thác của ông với các thân tín trước lúc qua đời.
Tám nhân vật được ủy thác nói trên sau này thường được sử cũ gọi chung là Cố mệnh Bát đại thần.
Thế nhưng trên thực tế, di ngôn ủy thác của Hàm Phong không chỉ dừng lại ở đó. Mặc dù đã phó thác Tân đế cho 8 thân tín, nhưng ông lại chỉ còn trao quyền quyết định và phê chuẩn cuối cùng cho Thái hậu của Tân đế.
Theo phân tích của tờ báo Sohu (Trung Quốc), những lời ủy thác trước lúc lâm chung của Hàm Phong nhìn qua thì có vẻ chu toàn, nhưng thực chất lại trở thành ngọn nguồn của nhiều vấn đề nội bộ nảy sinh sau đó, mà nguyên nhân xuất phát từ chính tâm tính bị cho là "nhỏ mọn" của vị Hoàng đế ấy.
Người xưa có câu đã dùng người thì không thể không tin, nếu không tin thì nhất định không dùng. Thế nhưng Hàm Phong lại mắc phải sai lầm cơ bản ấy trong việc ủy thác.
Ông ngoài mặt thì đem quyền lực phân chia cho các thân tín, nhưng quyền quyết định cuối cùng lại chỉ trao cho người ở vị trí Thái hậu.
Dưới sự sắp đặt nói trên, 8 vị đại thần cố mệnh về danh nghĩa thì có được quyền thế, nhưng thực chất vẫn không được tự quyết trên bất kỳ phương diện nào.
Ngược lại, người ở vị trí Thái hậu (sau này là Lưỡng cung Thái hậu Từ An và Từ Hi) lại trở thành người nắm quyền tối cao của triều đình. Đây cũng là những bước dạo đầu để một Hoàng Thái hậu như Từ Hi có thể lũng đoạn triều chính trong tương lai.
Nguyên nhân thứ hai: Sự thua kém về bản lĩnh chính trị của "đồng minh" cầm quyền
Nhìn lại lịch sử phong kiến Trung Hoa, không khó để nhận thấy Đại Thanh vốn là một trong số ít các vương triều không phải do người Hán thành lập.
Mặc dù đã trải qua quá trình Hán hóa dưới 3 thời Khang – Ung – Càn, thế nhưng đến giai đoạn Hàm Phong trị vì, các chế độ của Thanh triều ít nhiều vẫn còn khác biệt so với những triều đại của người Hán trước đó. Việc Thanh cung cùng một lúc có tới 2 vị Thái hậu cũng là minh chứng cho điều này.
Nếu dựa trên pháp lý, Từ An Thái hậu vốn từng là chính cung Hoàng hậu, do đó việc bà có được địa vị và quyền lực cao nhất sau khi Tiên đế qua đời cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên theo thông lệ nhà Thanh, phàm là Hoàng hậu chính cung và mẹ ruột của Hoàng đế còn sống thì sẽ đều được tôn làm Hoàng Thái hậu. Cũng bởi vậy mà sau khi Đồng Trị kế vị, Thanh triều đã có cùng lúc 2 vị Thái hậu nắm quyền là Từ An và Từ Hi, sử cũ gọi đó là "Lưỡng cung Thái hậu".
Tuy nhiên vấn đề lại nằm ở chỗ, Từ An là một người phụ nữ tuân theo khuôn phép của các quan niệm, lễ giáo phong kiến. Cũng bởi vậy mà bà vốn không biết nhiều về việc trị quốc, càng không am tường về chính trị, chính trường.
So với Từ An, Từ Hi ngay khi còn là phi tần đã có nhiều đặc điểm khác xa với những người phụ nữ an phận thủ thường lúc đó. Bà từ sớm đã nổi tiếng với sự thông minh cơ trí, đặc biệt là khả năng đọc viết thông thạo Hán tự.
Hàm Phong đế cũng bởi vậy mà phá lệ cho Từ Hi tham dự chính sự bằng cách để bà đọc các tấu chương và ghi lời phê chuẩn cho mình mỗi khi ông cảm thấy không khỏe.
Xuất phát từ việc thiếu năng lực chính trị nhưng lại có tham vọng với quyền lực, Từ An Thái hậu đã vô tình bị Từ Hi dắt mũi thông qua những thủ đoạn chính trị thượng thừa của người "đồng minh" đầy dã tâm này.
Nguyên nhân thứ ba: Thủ đoạn chính trị thượng thừa giúp Từ Hi "thiên hạ thủ vi cường"
Sinh thời, Từ Hi vốn được miêu tả là người thông minh cơ trí và có sẵn nhiều bản lĩnh chính trị. Vì thế mà sau khi trở thành Thái hậu, bà đã nhanh chóng vạch ra âm mưu nhằm thủ tiêu phe cánh của 8 vị đại thần cố mệnh.
Kết quả của kế hoạch này chính là Tân Dậu chính biến xảy ra ngay sau khi Hàm Phong mới băng thệ chưa lâu.
Khi kim quan của Tiên đế được đưa về kinh thành vào tháng 9 năm 1861, Từ Hi và Từ An cùng một số thân tín dựa theo kế hoạch bày sẵn, để Lưỡng cung Thái hậu và Tân đế về Bắc Kinh trước.
Về tới kinh thành, hai vị Thái hậu đã chính thức phát động chính biến, tuyên bố tội trạng của Cố mệnh Bát đại thần và lập tức bắt giam người cầm đầu phe cánh này là Tái Viên, Đoan Hoa cùng Túc Thuận.
Tương truyền rằng khi Túc Thuận bị bắt, vị đại thần ấy còn uất hận mà mắng lớn:
"Hối hận không sớm trị mấy ả tiện tỳ này!".
Tới đầu tháng 10 năm đó, cả 8 đại thần đều bị khép tội phản nghịch cùng hàng loạt các tội danh lớn nhỏ khác. Để thể hiện thái độ "khoan dung", Lưỡng cung Thái hậu chỉ xử tử 3 kẻ cầm đầu là Túc Thuận, Tái Viên và Đoan Hoa, còn những người kia được khoan hồng cho chết toàn thây bằng cách tự vẫn.
Theo học giả ngoại quốc là Edward Behr, mặc dù Tân Dậu chính biến được chính sử Trung Quốc thừa nhận là do cả hai Thái hậu đương triều phát động, thế nhưng thực chất thì Từ Hi mới là người chủ động gợi ý cho Từ An về kế hoạch thanh trừng 8 vị đại thần phụ chính để từ đó nắm toàn bộ quyền hành trong triều.
Nước cờ chính trị hung hiểm và bất ngờ này đã khiến cho phe cánh của Cố mệnh Bát đại thần lão làng chốn quan trường trở tay không kịp.
Theo nhận định của Sohu, có lẽ bản thân những vị đại thần này đã từng cho rằng, sau khi Tiên đế băng hà thì họ có thể trở thành người định đoạt đại cục, bởi Tân đế vẫn nhỏ tuổi, mà Lưỡng cung Thái hậu lại thân là phụ nữ, không thể am hiểu về chính trị bằng mình.
Tuy nhiên hết thảy những tính toán của họ đều chẳng có cơ hội trở thành hiện thực khi xuất hiện một "sai số" hy hữu là Từ Hi.
Vị Thái hậu với thủ đoạn chính trị thượng thừa đã ra tay vào đúng thời điểm mà nhóm đại thần này lơi lỏng nhất, từ đó "tiên hạ thủ vi cường" để tóm một mẻ lưới gọn ghẽ.
Đợi tới lúc họ phát hiện ra âm mưu chính biến động trời ấy thì mọi chuyện đã an bài, tất cả các cố mệnh đại thần nói trên dù từng là cao thủ kỳ cựu trên quan trường thì cũng chẳng thể nào một tay che trời mà xoay chuyển càn khôn được nữa.
Những tưởng sau khi Tân Dậu chính biến thành công, cả hai Thái hậu đều có thể cùng nhau nắm đại quyền mà không chịu sự chèn ép của phe Cố mệnh Bát đại thần.
Thế nhưng một người Thái hậu không am tường chính trị như Từ An khó có thể ngờ rằng bản thân mình lại trở thành người biến mất tiếp theo trên vũ đài lịch sử.
Sử cũ ghi lại, vào năm 1881, Từ An Thái hậu đột ngột băng thệ. Do bà qua đời quá nhanh nên có nhiều nghi vấn liên quan tới việc Từ Hi đã thủ tiêu người đồng minh này để độc chiếm quyền hành.
Cho tới ngày nay, nguyên nhân cái chết của Từ An Thái hậu vẫn còn rất nhiều góc khuất. Tuy nhiên sự thực là sau khi bà băng thệ, Lưỡng cung Thái hậu giờ đây chỉ còn duy nhất Từ Hi.
Đây cũng là cột mốc đánh dấu cho giai đoạn độc chiếm quyền hành của Tây Thái hậu khét tiếng Thanh triều sau này.
Theo Trần Quỳnh/Trí thức trẻ
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người đàn ông nhặt được hòn đá 'mọc tóc' trắng, sau khi các chuyên gia giám định xong liền gọi cảnh sát phong tỏa cả ngôi làng
CLIP: Kinh hoàng trước cảnh người huấn luyện bị đàn sói tấn công dữ dội
CLIP: Con non bị sư tử tấn công, trâu rừng kéo theo '500 anh em' tới giải cứu và cái kết
Thời xưa có nạn đói phải ăn rễ cỏ, nhai vỏ cây, nhưng tôm cá dưới sông đầy tại sao không ăn?
Trong Tây Du Ký, tại sao yêu quái dám ăn Đường Tăng để trường sinh bất tử mà không dám trộm quả nhân sâm của Chân Nguyên Đại Tiên?
CLIP: Chó đóng vai người hòa giải, 'tung chiêu' ngăn hổ và sư tử cắn nhau nhưng cái kết mới gây chú ý