Năm 2010, người dân ở một thôn nhỏ vùng ngoại ô thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông (
Trung Quốc) mới bắt đầu chuyển từ nước giếng sang dùng nước máy. Người phụ trách sửa chữa đường ống nước trong thôn và thu tiền nộp cho công ty nước sạch là ông Hứa Phong, 55 tuổi. Một ngày đầu mùa đông, đường ống nước của một số hộ gia đình bị tắc, mọi người đến nhà tìm ông Hứa Phong thì phát hiện cả hai ông bà đã bị sát hại.
Tại hiện trường, cảnh sát thấy cổng không khóa, ông Hứa Phong nằm sấp trên phần sân ngay trước cửa nhà, bà vợ vẫn nằm trên giường. Hai ông bà bị tấn công vào đầu bằng vật cùn. Từ vết máu có thể thấy đây là hiện trường đầu tiên, thi thể không hề bị dịch chuyển. Do ba người con của ông bà đều đi làm xa nên không thể biết đồ đạc trong nhà có thiếu thứ gì hay không. Dù vậy, cảnh sát nhận định ban đầu đây là một vụ giết người cướp của hoặc giết người vì thù oán cá nhân. Hai nạn nhân đều mặc áo mỏng trong khi thời tiết lúc này khá lạnh, có thể ông Hứa Phong đang ngủ thì tỉnh dậy ra sân và bị tấn công.
Kết quả giám định pháp y cho thấy nguyên nhân tử vong do bị tấn công nhiều lần dẫn đến chấn thương sọ não nghiêm trọng, thời gian tử vong là khoảng 22-23h hôm trước. Cả hai nạn nhân đều không chống cự, có thể hung thủ ẩn nấp để tấn công bất ngờ hoặc là người quen được mở cổng dẫn vào nhà, đến gần cửa thì bị tấn công từ phía sau. Sau đó hung thủ tiếp tục vào nhà sát hại bà lão đang ngủ trên giường. Một chi tiết đặc biệt khác thường là toàn bộ gân tay và gân chân của hai nạn nhân đều bị cắt đứt bằng vật sắc. Tại sao hung thủ đã giết người lại còn làm điều này, chẳng lẽ hắn căm hận và trả thù như vậy mới hả giận?
Hỏi thăm người dân trong thôn, cảnh sát được biết hai ngày trước ông Hứa Phong có xích mích với người tên là Vương Bân. Khi đó, ông Hứa Phong đến thu tiền nước hàng tháng, Vương Bân không có đủ tiền nên hai người đã cãi vã. Vương Bân đóng sập cửa lại không chịu nộp tiền nữa. Tuy nhiên kết quả điều tra cho thấy Vương Bân có bằng chứng ngoại phạm vững chắc, không phải là hung thủ.
Xem xét kĩ hơn các vết thương trên đầu nạn nhân, pháp y nhận định hung khí là một vật nặng hình trụ, có thể là gậy sắt, nhưng vết thương lại không quá nặng, phải tấn công nhiều lần mới dẫn đến tử vong. Như vậy hung thủ không phải là thanh niên khỏe mạnh mà có thể là người già hoặc thiếu niên.
Việc khám nghiệm hiện trường cho thấy hung thủ không để lại dấu vân tay hay dấu giầy, nhưng trên giường của vợ chồng ông Hứa Phong lại có vết mồ hôi của một người lạ. So sánh với mẫu ADN của gần 1.000 người trong thôn, cảnh sát tìm ra một người tên là Lưu Lượng, 60 tuổi, phù hợp với nhận định hung thủ là người già của pháp y.
Ban đầu Lưu Lượng nhất quyết không chịu thừa nhận từng đến nhà ông Hứa Phong, sau đó mới khai hai hôm trước có đến nộp tiền nước, chiều hôm đó vừa đi làm về tiện đường tạt vào và ngồi trên giường nói chuyện, vì thế mới có vết mồ hôi trên giường. Ban đầu Lưu Lượng không chịu nhận là vì sợ bị cảnh sát bắt oan. Sau đó cảnh sát xác nhận ông ta cũng có bằng chứng ngoại phạm và loại ra khỏi danh sách tình nghi.
Sau hơn 3 tháng điều tra không hề có tiến triển thêm, vụ án tạm thời được gác lại, nhưng trong đầu các thành viên ban chuyên án vẫn không ngừng quanh quẩn câu hỏi về nguyên nhân hung thủ cắt gân nạn nhân sau khi sát hại.
Bẵng đi một thời gian, trong hội nghị giao ban cuối năm 2012 của lực lượng cảnh sát hình sự tỉnh Sơn Đông, Đỗ Thư Cường - đội trưởng đội hình sự công an thành phố Duy Phường - nghe thấy thông tin về một vụ án khác trong tỉnh. Sau khi giết người, hung thủ đã hủy hoại khuôn mặt vì mê tín, cho rằng làm như vậy thì sẽ không bị báo thù. Vụ án này đã gợi mở cho đội trưởng Cường về hướng điều tra mới: Có thể nguyên nhân hung thủ cắt gân nạn nhân là do mê tín. Hồ sơ vụ án lại được "lật lại".
Tạm thời gác lại khả năng hung thủ là thiếu niên chưa trưởng thành, cảnh sát tập trung điều tra về những người từ 60 tuổi trở lên trong thôn, trọng điểm là những người tương đối mê tín, tin vào thần ma quỷ quái.
Cuối cùng nghi phạm đã lộ diện, đó là cụ ông 78 tuổi tên là Vương Ích, chuyên chủ trì các nghi thức đám hiếu cũng như đám hỉ trong thôn.
Tại nhà ông này, cảnh sát tìm thấy trong chiếc tủ nhỏ cũ kĩ dưới bếp có chiếc gậy sắt đặc dài 45 cm, đường kính 3 cm bọc kín trong giấy bóng đen. Cùng với chiếc gậy là một con dao làm bếp rất mới, đôi găng tay và đôi túi vải bọc giầy, tất cả được giấu kĩ trong chiếc cặp da bụi bặm.
Trước các bằng chứng này, Vương Ích phải thừa nhận tội ác của mình. Hai ngày trước khi xảy ra vụ án, ông thấy nạn nhân Hứa Phong đi thu tiền nước, trên tay cầm một xấp tiền khá dày nên nảy ra ý định giết người cướp của.
Sau khi chuẩn bị công cụ gây án, khoảng 10 giờ tối, Vương Ích đến gõ cổng nhà ông Hứa Phong, nói có việc muốn nói chuyện. Gia chủ mở cổng mời khách vào nhà, gần đến cửa nhà thì bị tấn công.
Lúc này bà vợ của ông Hứa Phong vẫn đang ngủ nên không hay biết và tiếp tục bị Ích sát hại. Sau khi lục tìm lấy được hơn 2.000 nhân dân tệ, Vương Ích còn cắt gân chân của nạn nhân vì tin rằng, nếu ông ta làm như vậy thì người bị hại sẽ không thể báo thù được nữa.
Theo Khang Diệp/Công lý và Xã hội