Thủ thư Mỹ: Lực lượng tình báo trong Thế chiến II
Đội quân tình báo của Thủ tướng Churchill / Chín bóng hồng xinh đẹp và sắc sảo của tình báo Liên Xô
Không ai có trong tay kế hoạch rõ ràng về việc cử các thủ thư và chuyên gia vi phim tham gia chiến tranh khi Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đồng ý thành lập Ủy ban liên bộ về thu thập ấn phẩm nước ngoài (IDC). Cơ quan này ban đầu gặp khó khăn trong hoạt động, nhưng trong Thế chiến II, IDC đã phát triển hoạt động dày đặc để cung cấp các nguồn thông tin in ấn cho mục đích tình báo.
Trong cuốn “Information Hunters” (Thợ săn thông tin), sử gia văn hóa Kathy Peiss đã tiết lộ về công việc thu thập sách và tài liệu ở nước ngoài của các thủ thư Mỹ trong chiến tranh.
Lisbon – Mảnh đất màu mỡ của tình báo
Cuối mùa xuân năm 1942, kế hoạch nói trên bắt đầu khởi động. Mỹ cử một nhóm chuyên gia vi phim nam giới và một phụ nữ tới Stockholm, Lisbon và các thành phố trung lập khác. Với những người trong ngành tình báo, thành phố Lisbon của Bồ Đào Nha thời chiến là một nơi tuyệt vời. Nhà độc tài Antonio de Oliveira Salazar đã tuyên bố Bồ Đào Nha trung lập với hy vọng tránh bị xâm chiếm và giữ được chế độ quân chủ đang bị thu hẹp.
Cảng ở Lisbon năm 1943. |
Dù ủng hộ chế độ phát xít nhưng lại bị ràng buộc bởi hiệp định lâu dài với Anh, ông bị kẹp giữa phe Đồng minh và phe Trục. Tính trung lập của Bồ Đào Nha khiến nước này trở thành nơi giao cắt của châu Âu và Mỹ, trở thành thỏi nam châm thu hút người lưu vong, nhà ngoại giao, phóng viên nước ngoài và những người phiêu lưu.
Người tị nạn từ những nước bị chiếm đóng tràn vào Lisbon, chờ đợi mòn mỏi để nhận thị thực xuất cảnh sang Anh hoặc Tây bán cầu. Các quán cà phê, sạp báo và hiệu sách tấp nập người mới tới. Những bữa tiệc xa hoa, phòng khiêu vũ và sòng bạc thu hút giới nhà giàu hằng đêm.
Không phải tình cờ mà Lisbon đã trở thành điểm đến của điệp viên. Theo một điệp viên, Lisbon giống như New York phiên bản mini với nhiều vị khách quan trọng qua lại liên tục. Ở Lisbon thời Thế chiến II, người ta có thể giấu tên, cải trang, thay đổi danh tính. Danh thiếp của các ông trùm tư bản ngành dầu mỏ, ông trùm ngành điện ảnh và các tùy viên lãnh sự đều che giấu cuộc sống bí mật. Ngay cả người mua sách cũng có thể là điệp viên.
Lisbon đã phát triển nền kinh tế thông tin riêng, một thị trường ngầm nơi người ta buôn bán chuyện phiếm và đấu giá tin đồn. Các điệp viên Đức, Anh, Mỹ và Nhật Bản trà trộn, nghe tin tình báo và phát tán tin giả. Tin đồn rất phổ biến ở Lisbon, nơi có nhiều hoạt động kiểm duyệt báo chí và nhiều cảnh sát mật. Cuộc chiến ở châu Âu cũng tiếp sức cho các tin đồn.
Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS) còn gửi thông báo cho trưởng văn phòng ở Lisbon về việc phao tin đồn nhảm: “Trong trường hợp anh chưa nhúng tay vào, cách lý tưởng để lan tin đồn là không nhắc đến nó ở càng nhiều nơi càng tốt, mà nhét nó vào mồm của người mà anh biết là kẻ ngồi lê đôi mách”. Các điệp viên cũng có thể tự bịa tin đồn, càng giật gân càng tốt, ngoại trừ về những chủ đề cấm như kế hoạch quân sự tương lai, hoạt động của các nước trung lập và Giáo hoàng.
Trong thế giới này, người Mỹ lại ngây thơ, thiếu kinh nghiệm trong thu thập thông tin và đánh giá độ tin cậy cũng như tính thiết thực của thông tin. Họ bị Anh và Đức bỏ xa trong các chiến dịch bí mật. Những đặc vụ OSS lứa đầu không được đào tạo, không có nền tảng về chính trị, quân sự, lại không biết nói tiếng Bồ Đào Nha. Đầu năm 1942, một người thừa nhận: “Tôi cho rằng không ai ở đây có thể giúp đỡ. Chúng tôi đang bất lợi”.
Bước vào thành phố Lisbon nhạy cảm là những người nghiên cứu một loại thông tin khác dưới dạng in ấn. Tại thành phố mà người dân sử dụng nhiều ngôn ngữ, ngành sách báo, tạp chí rất phát đạt. Các sạp báo bán đủ thứ từ tờ Daily Express của Anh cho tới tờ Das Reich của Đức, nói chung là báo chí từ mọi nước lớn ở châu Âu, trừ Nga.
Thành phố Lisbon có nhiều người bán sách, từ hiệu sách Livraria Bertrand uy tín có từ thế kỷ 18 cho tới các nhà sách mới mở như Livraria Portugal mà chủ sở hữu ủng hộ sự nghiệp của phe Đồng minh. Ngay cả những cửa hàng văn phòng phẩm cũng bán những tác phẩm hữu ích như về chủ đề quân sự, kỹ thuật và nhạc cụ.
Những thủ thư từ Mỹ
Mặc dù bị kiểm duyệt gắt gao, bị hải quan hạn chế và bị tác động bởi chính trị nhưng những nhà bán sách vẫn tìm được cách nhập khẩu sách. Lisbon đói sách và tin tức. Người Bồ Đào Nha và du khách có học vấn thường xuyên lui tới các hiệu sách.
Cuốn sách có một phần viết về chiến dịch thu thập thông tin của các thủ thư. |
Trong số đó có các thủ thư người Mỹ làm việc cho IDC. Trong mắt giới chức Mỹ và Bồ Đào Nha, họ có nhiệm vụ thu thập sách cho Thư viện Quốc hội và các thư viện chính phủ khác. Việc họ quan tâm tới bảo quản thông tin về cuộc khủng hoảng hiện tại trong nền văn minh con người là điều hết sức tự nhiên.
Họ công khai lui tới các hiệu sách, cửa hàng văn phòng phẩm và đăng ký đặt dài ngày các sản phẩm báo chí. Những người địa phương, gồm cả học giả, nhà xuất bản, nhà báo và nhà ngoại giao, đều giúp đặt sách báo dưới tên họ. Người Bồ Đào Nha không yêu cầu trả tiền nhưng họ muốn đổi lại bằng sách và tạp chí Mỹ như LIFE và TIME.
Một đặc vụ mật của Mỹ bình luận: “Tôi có một số người quen giá trị nhất ở Lisbon là nhờ tôi cung cấp cho họ các sách báo không có ở Bồ Đào Nha do bị kiểm duyệt”.
Tới năm 1943, chiến dịch hoạt động hết công suất. Có nhiều nguồn và dòng ấn phẩm khác nhau tùy vào diễn biến của Thế chiến II. Khi Đức thắt chặt kiểm soát biên giới và các nguồn ở Thụy Sĩ bắt đầu đóng cửa, IDC nhanh chóng sắp xếp một đợt vận chuyển ấn phẩm lớn từ một nhà bán sách Thụy Sĩ tới một địa chỉ ngụy trang ở Lisbon. Phong trào kháng chiến ngày càng phát triển ở Pháp và Italy đã thúc đẩy quá trình thu thập ấn phẩm bí mật.
IDC cố gắng đáp ứng đề nghị khẩn cấp từ các cơ quan chiến tranh ở Washington, nhân viên đại sứ quán ở Lisbon và các điệp viên ngoài Lisbon. Lãnh đạo IDC Frederick G. Kilgour đánh điện mời các tờ báo Hungary, ban giám đốc ngành đường sắt và nhà xuất bản tiền chiến Baedekers hỗ trợ kế hoạch quân sự. Một bức điện nhấn mạnh nhu cầu cần có 250 số báo hàng ngày bản gốc và bản sao trong thời gian nhanh nhất.
Trong Chiến dịch Bó đuốc (quân Đồng minh tấn công Bắc Phi), văn phòng OSS ở Algiers đã kêu gọi nhà xuất bản Carruthers gửi báo Đức. Một người nhớ lại: “Chúng tôi có thể không lấy được hết báo. Lấy được bốn trong số đó là may mắn rồi”. Trong thực tế, văn phòng OSS đã tìm cách nhận 10 tờ báo theo đường vòng qua thành phố Tangier ở Maroc và mất tới bốn ngày.
Giá trị của việc thu thập sách báo này là gì? Trong thế giới tình báo ngầm, ấn phẩm in cung cấp thông tin rõ ràng. Tính hữu hình của ấn phẩm khiến chúng có thể định lượng: số sách được chuyển và số cuộn vi phim được chụp.
Các tạp chí định kỳ khoa học, sách hướng dẫn kỹ thuật, danh bạ ngành trực tiếp từ phe Trục và các nước bị chiếm đóng được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra bằng chứng về sức mạnh quân sự của kẻ thù, vũ khí mới, tình trạng sản xuất kinh tế. Ngay cả những phần thông tin thông thường cũng có thể có ý nghĩa: Các trang xã hội có thể tiết lộ vị trí một trung đoàn, mục lượm lặt có thể cung cấp thông tin về các vụ bế bối mà một điệp viên mật có thể khai thác.
Xu hướng thích ấn phẩm in hơn của những người học vấn cao càng làm cho các ấn phẩm đáng tin cậy hơn. Ở Lisbon tràn ngập tin đồn, trưởng văn phòng OSS H. Gregory Thomas đọc báo chí của Công sứ quán và quan sát thấy nhiều tiêu đề có thể được lấy từ báo chí địa phương mà ông đọc hàng ngày.
Ngay cả Chi nhánh Tình báo mật chuyên tìm kiếm người cung cấp thông tin cũng thấy tài liệu tình báo từ báo chí nước ngoài có giá trị lớn. Các cơ quan chiến tranh ở Washington cũng coi ấn phẩm in này hữu ích.
End of content
Không có tin nào tiếp theo