Thỉnh thoảng, báo chí trong và ngoài nước đăng tin về sự xuất hiện của những con thủy quái ở các vùng biển, hồ ở châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Á. Những tin tức này rất thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều thú vị là chính ở Việt Nam ngay từ thời xưa cũng đã có thủy quái xuất hiện theo lời kể của những bậc lão thành và theo ghi nhận của Hải quân Pháp thời đô hộ. Các sự kiện này cũng đã được một vài tờ báo thời đó ở miền Bắc đưa tin.
Từ con giải đến cá sấu khổng lồ…
Từ rất lâu đã có nhiều lời đồn trong dân gian rằng hồ Ba Bể ở Bắc Kạn và sông Hồng có loài giải (còn gọi là thuồng luồng) khổng lồ. Ngày trước, loài giải (cùng loài với rùa ở Hồ Gươm) ở sông ngòi miền Bắc không hiếm, trong đó có con có kích thước rất lớn, sống ở sông sâu và ao đầm rộng, thỉnh thoảng thò đầu lên thở phì phò, thậm chí táp trộm cả gà vịt mà người ta đang vặt lông ở bờ sông. Dân cư vùng Phú Thọ cũng lưu truyền các câu chuyện về rùa khổng lồ kéo cả trâu mộng chìm xuống sông Hồng. Ở Bắc Giang thì vùng sông An Châu có cái vụng nước rất sâu và lạnh tên là Vực Ram có rất nhiều giải, dân làng thường xuyên bắt được những con giải to bằng cái nong, nặng hàng trăm ký.
Truyền thuyết kể rằng cách nay rất lâu, có con giải khổng lồ sống hàng trăm năm dưới vực này. Thỉnh thoảng, vào ban đêm, con giải ngóc đầu lên khỏi mặt nước kêu như tiếng bò rống, nhưng to hơn và vang rất xa.
Những lúc con giải rống, thì dân làng đều rất sợ, đóng chặt cửa nẽo, không ai dám ra ngoài. Lúc con giải đói quá, nó bò lên bờ, mò vào làng bắt cả lợn, thậm chí cắn chết trâu, rồi tha xuống vụng nước để ăn dần.
Ở miền Nam, những ngư dân cao tuổi sống dọc hai bên sông Tiền và sông Hậu cũng kể nhiều câu chuyện về thủy quái trên những dòng sông rộng lớn này. Họ kể lại rằng, thời xưa ông bà của họ thỉnh thoảng bắt gặp những con cá khổng lồ hoặc những con mảng xà rất lớn dài mấy mưoi mét nổi lên mặt nước vẫy vùng vào các đêm trăng sáng.
Truyền thuyết cũng kể về con cá sấu khổng lồ gây kinh hoàng cho cư dân địa phương và khách thương hồ qua lại trên sông Vàm Nao ở An Giang. Họ gọi nó là “Ông Năm Chèo” vì nó có đến 5 chân. Đã gần một thế kỷ qua, nhưng người dân vẫn kể lại những câu chuyện nửa thực nửa hư về “Ông Năm Chèo”. Rất nhiều người cho rằng “Ông” vẫn còn sống và đang ẩn mình dưới đáy sông sâu và mọi tai ương liên quan đến mạng người, tài sản trên khúc sông này thời gian qua đều do “Ông” gây ra. Vùng sông này do có nhiều con nước xoáy làm sạt lở bờ sông, nhưng nhiều người vẫn tin rằng đó là do “Ông” trở mình làm chấn động đất đai hai bên bờ sông.
Rồng biển từng xuất hiện ở Vịnh Hạ Long?
Khoảng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, có những sự kiện quái vật xuất hiện có sự chứng kiến của nhiều người, và được đề cập trong các báo cáo hải trình lưu trữ trong tàng thư của Hải quân Pháp. Đó là những trường hợp các tàu chiến của hải quân Pháp đã nhìn thấy những con quái vật hình dạng rắn khổng lồ xuất hiện ở vùng Vịnh Hạ Long.
Trường hợp có lẽ là đầu tiên thuộc về đại uý hải quân Lagresille, chỉ huy pháo thuyền Avalanche. Tháng 7/1897, các thủy thủ trên tàu chiến đã nhìn thấy hai con vật kỳ dị xuất hiện ở vùng Vịnh Hạ Long. Chúng có hình dạng rắn, dài khoảng 20 m, đường kính thân chừng 2 - 3 m và có cách di chuyển uốn lượn như loài rắn. Quá sợ vì những con vật khổng lồ chưa hề gặp bao giờ, các thủy thủ đã dùng đại bác bắn vào chúng nhưng không trúng, nhưng có lẽ đã làm chúng sợ hãi nên liền lặn xuống biển sâu .
Trong chuyến hải hành sau đó vào ngày 15/2/1898 của tàu Avalanche, hai con vật tương tự lại xuất hiện trước mũi tàu. Ngay lập tức, đại uý Lagresille ra lệnh cho tàu đuổi theo trong suốt 35 giờ đồng hồ.
Tàu định dồn chúng váo vùng bờ nước cạn nhưng chúng rất khôn ngoan, lập tức quay đầu trở ra biển sâu. Khi khoảng cách với đôi quái vật chỉ còn khoảng 200 m, đại uý Lagresille nhìn thấy rất rõ những con vật này, ông mô tả rằng đầu chúng giống đầu hải cẩu nhưng to gấp đôi.
Ngày 12/2/1904, đại uý hải quân Pháp Peron, thuyền trưởng tàu Chateurenault, vào một buổi sáng sớm trong khi tuần tra tại khu vực hòn Con Cóc, được thuỷ thủ trực báo rằng xa phía trước có một mỏm đá. Peron quan sát và nhận ra đó là một con vật lạ rất to, bèn cho tàu tiến lại để nhìn rõ hơn, khi gần tới nơi thì con vật lặn xuống nước. Peron cho thả một ca nô xuống đuổi theo, khi gần tới Cát Bà, ông nhìn thấy hai con vật hình thù giống như hai con cá chình khổng lồ, da màu đá, có những đốm màu vàng nhạt. Chúng chỉ xuất hiện một thời gian ngắn rồi lặn mất tăm.
Những câu chuyện trên đã được đăng trên một tờ báo tiếng Pháp có tên Haiphong Nouvelles thời đó với tựa đề “Dragon apparaît sur la baie d'Halong" (Rồng xuất hiện trên vịnh Hạ Long).
Theo tờ tạp chí Anh Fortean Times, nhiều nhà hải dương học cũng ghi nhận rằng loài rắn biển khổng lồ đã từng thấy xuất hiện ở nhiều nơi ngoài Vịnh Hạ Long như Bắc Đại Tây Dương, Vịnh Ba Tư, châu Đại Dương, đảo Corse (Pháp). Nhiều bản tường trình của các thuyền trường thời Pháp thuộc có đề cập đến loài sinh vật khổng lồ này.
Cái gò chuyển động giữa biển
Một sự kiện đáng chú ý là hồi tháng 3/2010, trong diễn đàn của tạp chí Fortean Times (Anh), một thành viên có biệt danh Steve0606 có kể về một sự kiện lạ lùng ở Vịnh Hạ Long mà anh đã chứng kiến trong chuyến du lịch sang Việt Nam trước đó.
Lần đó, Steve lên một chiếc thuyền đưa khách tham quan vùng Vịnh. Trên thuyển còn có thêm khoảng 20 khách người Việt. Do bất đồng ngôn ngữ, không làm quen được với ai nên anh lên mui tàu ngồi ngắm cảnh, thì chợt thấy phần lưng của một con vật lạ trồi lên mặt nước cách thuyền 3m.
Thoạt đầu anh nghĩ đó là một con cá to, nhưng quan sát kỷ thấy phần lưng nó rộng khoảng 1.5 - 3 m, màu xanh nâu, không có vảy như vảy cá, nhưng cũng không trơn láng giống da cá heo hay cá voi. Khi phần đuôi của nó nổi lên mặt nước, anh thấy cái đuôi khá lạ, dạng tròn không phải là cái đuôi nhọn thường thấy của loài cá, dài khoảng 2 - 2.4 m, bề ngang khoảng 0.6 - 1 m. Con vật bơi ở độ sâu chưa đến 1m, anh nhận thấy nó có chiều dài từ 5 - 6 m nhưng không nhìn rõ cái đầu, lối bơi của nó có phần tương tự như loài cá nược.
Sau đó, anh có hỏi các thủy thủ trên thuyển rằng vùng nước này có cá voi xuất hiện hay không, họ trả lời rằng không. Khi nghe anh kể lại những gì anh vừa chứng kiến, các thủy thủ tỏ vẻ sợ hải và trao đổi rất lâu với nhau bằng tiếng bản xứ. Rồi họ cho anh biết ở vùng này có một con quái vật hay “rồng biển” gì đó, các ngư dân ở đây rất sợ con quái vật đó.
Không chỉ người Pháp, một số ngư dân thường đánh bắt trên Vịnh Hạ Long cũng kể lại rằng, vào thập kỷ 60 đến 80 của thế kỷ trước, họ đã nhìn thấy những con vật khổng lồ tương tự như miêu tả của người Pháp. Một trong những người đó là ông Nguyễn Đình Hùy.
Theo lời kể của ông Hùy, khoảng đầu thập kỷ 1980, một đêm ông cùng một số ngư dân trong Hợp tác xã Phù Long đi đánh bắt cá nhâm ở khu biển Rãng Le. Khi thuyền đang chầm chậm chạy về phía núi đảo Đại Thành, bất chợt có người phát hiện thấy một khối đen nổi lên sừng sững cách mũi thuyền vài chục mét.
Thuyền phải cấp tốc rẽ trái để tránh đâm phải vật lạ này. Vật lạ bỗng chuyển động về hướng chiếc thuyền và bơi song song với thuyền. Ông Hùy thấy nó là một con vật khổng lồ, lưng nhô cao khỏi mặt nước gần 1 mét. Lưng nó có một một lớp vảy dày và to màu vàng nhạt, cái đầu con vật lạ giống đầu cá heo, với đôi mắt to như hai chiếc bát.
Các ngư dân khác lúc đánh bắt giữa biển khơi, thỉnh thoảng cũng gặp những cái gò lớn nổi giữa biển khơi, khi thuyền lại gần thì “cái gò” nọ chuyển động và lặn xuống biển mất tăm. Họ mới biết đó là tấm lưng của con vật có kích thước cực to chưa từng thấy bao giờ. Trong những thập niên 80 - 90, thỉnh thoảng lại có cái xác những con vật rất lớn, hình thù kỳ quái dạt vào bờ biển đảo Cát Bà, những ngư dân già đời đi biển cũng không thể nhận ra đó là loài động vật biển nào.
Câu chuyện về những con thủy quái khổng lồ ở Vịnh Hạ Long vẫn được lưu truyền trong dân gian mãi đến ngày nay. Có lẽ, nếu không có sự quan tâm nghiên cứu nghiêm túc của giới khoa học, đây sẽ mãi là bí ẩn của vùng Vịnh được xếp vào hàng kỳ quan thế giới này.
Lúc sinh thời, GS. Võ Quý - nhà bảo tồn thiên nhiên hàng đầu Việt Nam từng có nhận định: “Từ trước, khoa học đã phát hiện được nhiều điều kỳ bí của thiên nhiên mà ban đầu cũng chỉ dựa vào những thông tin ở dạng đồn thổi. Về giả thuyết loài rắn biển trên là biến thể của loài ngư long tồn tại từ thời tiền sử cũng có phần nào cơ sở.
Con giải còn gọi là rùa mai mềm khổng lồ (Pelochelys cantori) là loài rùa rất hiếm. Ảnh Wikipedia.