Thông qua các công nghệ hiện đại, nhóm các nhà khoa học Anh lần đầu tiên tái tạo giọng nói của Nesyamun - xác ướp Ai Cập hơn 3.000 năm tuổi. Điều này thu hút sự quan tâm của mọi người.
Giọng nói của một linh mục Ai Cập cổ đại được nghe thấy lần đầu tiên sau hơn 3.000 năm. Điều này trở thành hiện thực khi các nhà khoa học Anh lần đầu tiên tái tạo thành công giọng nói của xác ướp Ai Cập có tên Nesyamun.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Vương quốc Anh sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp (CT) và in 3D để tái tạo giọng nói của Nesyamun.
Các nhà nghiên cứu đưa xác ướp trên đến Bệnh viện đa khoa thành phố Leeds chụp CT để quét các mô mềm ở cổ họng cũng như đường hô hấp, sau đó dùng kỹ thuật in 3D để tạo ra bản sao đường hô hấp bằng nhựa.
Tiếp đến, bản sao đường hô hấp bằng nhựa được các chuyên gia kết nối với thanh quản nhân tạo và loa chuyên dụng để tạo ra giọng nói điện tử. Nhờ vậy, các chuyên gia tu được giọng nói của xác ướp Nesyamun là "eh".
Giáo sư David Howard, đồng tác giả nghiên cứu, trưởng khoa kỹ thuật điện tử Royal Holloway, Đại học London cho biết giọng nói thu được là âm thanh mô phỏng Nesyamun nằm trong quan tài và sau khi ướp xác chứ không phải giọng nói thực tế khi linh mục này còn sống.
Nesyamun là linh mục sống dưới triều đại pharaoh Ai Cập Ramesses XI. Thi hài của linh mục này được ướp xác sau khi qua đời vào khoảng năm 1100 trước Công nguyên.
Hiện xác ướp của Nesyamun được bảo quản tại Bảo tàng Thành phố Leeds (Vương quốc Anh) trong một quan tài được thiết kế cầu kỳ.
Các chuyên gia nhận định Nesyamun qua đời khi khoảng 50 tuổi. Ông được suy đoán tử vong do bị siết cổ. Tuy nhiên, một quan điểm khác suy đoán linh mục Ai Cập tử vong sau khi bị dị ứng nặng, có thể do bị côn trùng chích vào lưỡi. Đây được cho chính là lý do xác ướp có lưỡi lè ra khỏi miệng trong khi xương quanh cổ không bị tổn thương.
Theo Tâm Anh/Kiến thức