Khám phá

Tiết lộ lá thư gửi hậu thế ở thủy điện Hòa Bình (phần 2)

Người ta đồn rằng, trong bức thư ấy dự báo được tình hình đất nước. Thậm chí, có người tin rằng, bức thư để... trấn yểm. Thực hư ra sao.

Những ai đã đến thăm công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà hẳn đều biết đến bức thư gửi hậu thế và hẹn ngày mở vào 1/1/2100.

Nửa năm mới soạn được bức thư

Ông Đỗ Xuân Duy, nguyên là Trưởng ban phiên dịch chuyên gia cơ giới kiêm thư ký của Thứ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình - Phan Ngọc Tường, cho hay: Ngay khi đề xuất về lá thư gửi hậu thế được ông Bô-gô-tren-kô - Tổng chuyên viên Liên Xô đưa ra và được chấp thuận, tổng công ty đã nhận được rất nhiều thư của đông đảo cán bộ, chuyên gia, công nhân trực tiếp làm việc trên công trường, của các nhà văn, nhà báo, nhân sĩ trí thức trên mọi miền Tổ quốc.

Ban tổ chức đã tập hợp, lựa chọn những đoạn hay nhất để thảo thành một bức thư. Nội dung của các bức thư gửi về đều nói đến sự quyết tâm, nỗ lực cũng như sự hy sinh to lớn của những người xây dựng thủy điện. Đồng thời, các bức thư cũng nhắc đến hậu phương vững chắc của cả nước đã đóng góp từ cây kim, sợi chỉ đến lương thực cho cán bộ, công nhân để xây dựng công trình này. Các bức thư cũng nhắc đến giai đoạn ta xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á và lớn nhất thế giới về công trình ngầm khi nhân dân ta cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm mà vẫn quyết tâm làm bằng được.

Ông Duy đặc biệt ấn tượng với bức thư của nhà văn Thép Mới - khi đó đang là phóng viên báo Nhân dân thường trú tại TPHCM. Điều đặc biệt là nhà văn chưa từng ra thăm công trường, chỉ mới đọc qua báo chí và nghe kể lại. Trong bức thư có đoạn: "Hôm nay, trước núi Tản sông Đà, chúng tôi - những Sơn Tinh của thời đại mới - những người xây dựng thủy điện Hòa Bình trên sông Đà Việt Nam và Liên Xô xin gửi đến các thế hệ mai sau những dòng tâm huyết...".

Mất chừng nửa năm, công việc tập hợp thư mới kết thúc và đã chọn ra được những đoạn hay nhất để gửi cho thế hệ mai sau. Bức thư có một số đoạn của nhà văn Quang Huy - Giám đốc Nhà Xuất bản Văn học, nhà văn Thép Mới, nhà báo Nguyễn Thị Sửu, ông Za-xe-pi-lin - Bí thư Đảng ủy của đoàn chuyên gia Liên Xô...

Cổng trước nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Mực và giấy viết đều nhập từ Liên Xô

Sau khi đã chọn được nội dung để viết bức thư gửi hậu thế, ban tổ chức lựa chọn người viết bức thư ấy. Ông Duy đã được chọn. Lý giải cho điều này, ông kể: "Năm 1967, tôi đang làm ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, được cử đi học lớp vẽ bản đồ ở Cục Khảo sát đo đạc - Bộ Xây dựng đóng ở đồi Hốp, Vĩnh Yên. Thầy dạy tôi vẽ bản đồ là một trong những người viết giỏi nhất Bộ Xây dựng - thầy Phạm Nguyễn Tuân. Đó là lý do để tôi được chọn viết bức thư gửi hậu thế. Bởi bức thư được viết bằng mực tus (mực đen pha sẵn ra như mực tàu, chuyên dùng viết trên giấy can để vẽ bản đồ). Thư được viết trên một chất liệu không phai nhòe, tất cả được gửi từ Liên Xô sang. Bức thư được viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Nga, dài chừng 1,5 trang đánh máy, tức là khoảng 500 - 700 từ".

Cuối tháng 1/1983, nhân dịp có đoàn đại biểu Đoàn TNCS Liên Xô sang giao lưu hữu nghị với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ban lãnh đạo Tổng công ty quyết định làm lễ công bố bức thư gửi hậu thế. Buổi lễ có sự tham dự của hàng vạn người, gồm lãnh đạo tổng công ty, chuyên gia, đoàn đại biểu thanh niên hai nước, công nhân và nhân dân Thị xã Hòa Bình. Bức thư được đọc bằng hai thứ tiếng. Phần tiếng Việt do ông Ngô Xuân Lộc - Tổng Giám đốc (thay ông Phan Ngọc Tường). Còn phần tiếng Nga do ông Za-xe-pi-lin đọc. Buổi công bố lá thư được Báo Nhân dân đưa tin trên số báo ra ngày 31/1/1983.

Tại sao mở thư vào ngày 1/1/2100?

Sau khi đọc xong, bức thư được cuộn tròn lại, cho vào một cái ống quyển bằng đồng nguyên chất. Ống này cũng được gửi từ Nga sang, là một ống đặc, được giao cho thợ tiện bậc 7 của xưởng cơ khí 500 xe thuộc tổng công ty khoan rỗng để đưa được lá thư vào, sau đó gia công nắp vặn cho kín hơi. Sau đó, ống đồng được cho vào một khối bê tông hình bát giác, trọng lượng khoảng 10 tấn, phía ngoài được đậy lại bằng một tấm bảng bằng đồng có 4 cái vít lớn. Khối bê tông này hình thù giống những khối bê tông nặng khoảng 3 - 5kg được làm cho các nhà lãnh đạo ném xuống sông Đà khi làm lễ ngăn sông ngày 12/1/1983. Thời điểm mở bức thư vào ngày 1/1/2100.

Trong dự thảo thư gửi thế hệ mai sau, ông Za-xe-pi-lin đã viết: "Hòa bình - tên gọi công trình của chúng tôi là biểu tượng tốt đẹp nhất, là nguyện vọng tha thiết nhất trên trái đất này. Hãy giữ cho bầu trời trên đất nước Việt Nam và Liên Xô, trên những lục địa và đại dương mãi mãi Hòa Bình".

Lý giải việc lựa chọn này, ông Duy cho hay: "Vì là thư gửi thế hệ mai sau nên cần phải lựa chọn những người không sinh ra, lớn lên ở thời điểm gắn lá thư ấy (1983). Nếu chọn đúng 100 năm sau thì rất có thể nhiều người sinh năm này vẫn còn sống, nên phải chọn hẳn sang năm 2100, bởi khó ai có thể sống đến 117 tuổi được".

Chọn... người trên trời để gắn ốc vít

Việc chọn người cầm tấm biển để bắt vít vào khối bê tông cũng được ban tổ chức lựa chọn kỹ càng. Theo đó, phải đảm bảo 8 tiêu chí: Có nam, có nữ, có già, có trẻ, có Việt Nam, có Liên Xô, có người dưới đất, có người... trên trời. "Sở dĩ chọn như vậy là vì dù sao, lá thư cũng mang yếu tố linh thiêng", ông Duy lý giải.

Sau khi họp bàn, ban tổ chức quyết định chọn ông Bô-gô-tren-kô - Tổng chuyên viên Liên Xô, đại diện người già. Ông Vũ Mão, Bí thư thứ nhất Đoàn TNCS HCM đại diện cho người trẻ. Ông Ngô Xuân Lộc là Tổng chỉ huy người Việt Nam. Nhưng còn thiếu phụ nữ và "người trên trời". Ban đầu, Ban tổ chức dự tính chọn một trong hai người là chị Lê Thị Ngừng - nữ thợ lái máy xúc EKG 4,6 khối đầu tiên ở Việt Nam và nữ kỳ thủ vô địch thế giới môn cờ vua người Gru-zi-a. Nhưng cuối cùng lại chọn nữ phi hành gia vũ trụ thứ 2 của thế giới là Xa-vit-xkai-a. Như vậy đã đáp ứng đủ 8 tiêu chí trên.

"Chỉ một ngày sau lễ gắn tấm biển, chúng tôi nhận được tin 1 trong 4 cái vít đã bị ai đó tháo mất. Vậy là đành quyết định hàn cứng tấm biển đó vào khối bê tông như mọi người thấy khi lên thăm Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay", ông Duy kể.

Khối bê tông có chứa bức thư được đặt tại sân Nhà Điều độ. Tấm bảng đồng ghi rõ: "Nơi lưu giữ bức thư của những người xây dựng thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau. Thư được mở vào ngày 1/1/2100".

"Nhiều người lên thăm thủy điện Hòa Bình về có kể lại với tôi rằng, bức thư đó dự đoán được tình hình đất nước. Có người lại bảo nó mang yếu tố tâm linh, kỳ bí, làm bùa trấn yểm. Nói chung, có rất nhiều sự "tam sao thất bản" về bức thư đó, đẩy câu chuyện lên cho thêm phần kỳ bí. Thế nhưng, đó chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ. Không hề có chuyện đó", ông Duy xác nhận.

Nhưng nội dung bức thư ấy cụ thể như thế nào sẽ vẫn là một bí ẩn, cho đến năm 2100!

"Thời gian ấy, chúng tôi làm việc không phải 8 tiếng/ngày mà là suốt đêm ngày. Chính Tổng Giám đốc Phan Ngọc Tường, đang là Thứ trưởng Bộ Xây dựng mà đêm đêm vẫn phải lái xe xuống công trường để bàn bạc thêm với chuyên gia, đốc thúc anh em công nhân làm việc", ông Duy bồi hồi nhớ lại.

Theo Thanh Thủy/Kiến thức

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo