Khám phá

Tìm hiểu những sự thật về cơn ác mộng

Theo Huffington Post, ác mộng thường xuất hiện trong giai đoạn giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) và tạo ra cảm giác rất thực tế, thậm chí khiến người mơ thấy nó bị ám ảnh lâu dài. Hầu hết, mọi người thỉnh thoảng gặp phải ác mộng, nhưng khoảng 6% người lớn trải nghiệm chúng một cách thường xuyên.

Gặp ác mộng thường xuyên có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Tuy nhiên, đa số trường hợp đều không liên quan đến bệnh về tinh thần, thậm chí những cơn ác mộng còn tốt cho bạn. Một đoạn phim với tựa đề "Mặt tích cực của giấc mơ xấu" đăng trên tạp chí New York, giải thích cơn ác mộng có thể là cách để chúng ta xử lý và buông bỏ những lo âu trong cuộc sống hàng ngày.

Theo Good House Keeping, ăn trước khi ngủ sẽ thúc đẩy trao đổi chất và khiến não hoạt động nhiều hơn, làm tăng sự xuất hiện của ác mộng.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Montreal, 9,4% đàn ông thường mơ về thảm họa, trong khi chỉ 4,7% phụ nữ mơ về chủ đề này. Một nghiên cứu trước đó cũng phát hiện, nam giới có xu hướng mơ về chiến tranh và khủng bố thường xuyên hơn, còn những ác mộng của phụ nữ thường liên quan đến mâu thuẫn, xung đột cá nhân.

Thông thường khi mơ thấy ác mộng, bạn đang ở cuối chu kỳ ngủ. Đây là thời điểm não hoạt động mạnh, đặc biệt là vùng amygdala xử lý các yếu tố cảm xúc. Ngoài ra, mắt cử động nhanh và hoạt động vận động bị ức chế. Điều này lý giải tại sao trong mơ, dù sự sợ hãi và cảm nhận của các giác quan là rất thật nhưng bạn lại không thể hét được.

Ở cuối chu kỳ ngủ, máu ít lên não hơn mà đổ về cơ và các bộ phận khác, giúp chúng phục hồi. Các hormone tăng trưởng và stress, hệ miễn dịch, tim và huyết áp đều được hưởng lợi. Bởi vậy, dù nghe như một điều không hay nhưng tiếp tục ngủ trong khi mơ ác mộng sẽ giúp cơ thể bạn khỏe hơn.

Nhiều nhà khoa học tin vào khái niệm “giấc mơ sáng suốt”, có nghĩa giấc mơ mà người mơ biết mình đang mơ. Khi đó, bạn sẽ nhận thức được mọi chuyện đang xảy ra không có thật, và sẽ chủ động tạo ra cái kết tốt đẹp khiến ác mộng không còn đáng sợ nữa.

Chúng ta có rất nhiều biện pháp giúp khắc phục hoặc hạn chế tần suất gặp ác mộng mỗi khi đi ngủ như ngủ nghỉ điều độ, rèn luyện thể thao, thiền, ngủ nơi yên tĩnh, thư thái,... Ngoài ra, bạn cần tránh xa các loại đồ uống có cồn hoặc chứa caffeine, nicotine gây mất ngủ.

Theo Phương Anh/Zing
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo