Các nhà khoa học từ Cơ quan giám sát khảo cổ học Latina và Đại học Tor Vergata ở Rome cho biết, số hài cốt đó gồm 7 nam giới trưởng thành, 1 nữ giới, và 1 cậu bé. Họ sống trong các khoảng thời gian khác nhau - một số xương có thể có tuổi đời lên tới 50.000 đến 68.000 năm, trong khi những xương cổ hơn được cho là đã 100.000 năm tuổi.
Những bộ hài cốt này - gồm các hộp sọ và xương hàm bị vỡ - được tìm thấy trong hang động Guattari, cách Rome khoảng 100km về phía đông nam, nơi nổi tiếng với phát hiện hóa thạch người Neanderthal vào năm 1939. Nhưng kể từ đó, không còn hài cốt nào được phát hiện thêm ở Guattari, cho đến sự kiện này.
"Đây là một phát hiện ngoạn mục", Mario Rolfo, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Tor Vergata, nói. "Một vụ sập hang, có lẽ do động đất, đã bịt kín hang động này trong hơn 60.000 năm, nhờ đó bảo tồn những gì còn lại bên trong".
Ngoài hài cốt người, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy dấu vết của các loại rau cùng hài cốt của tê giác, hươu khổng lồ, ngựa hoang và tất nhiên là cả linh cẩu hung dữ.
Theo các nhà nghiên cứu, hầu hết người Neanderthal có hài cốt được phát hiện đã bị linh cẩu giết và kéo về hang, nơi chúng tiêu thụ con mồi. Rolfo nói: “Người Neanderthal là con mồi cho những con vật này. Linh cẩu săn họ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, như người già và người ốm".
Trước khi những con linh cẩu hung dữ chiếm hữu hang động, có khả năng đây đã từng là nhà của người Neanderthal. Theo Rolfo, nhóm nghiên cứu dự định phân tích DNA của 9 bộ hài cốt để hiểu cách sống và lịch sử của người Neanderthal. Phân tích sơ bộ cao răng cho thấy chế độ ăn uống của họ rất đa dạng. Họ chủ yếu ăn ngũ cốc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của não bộ.
Người Neanderthal sinh sống ở lục địa Âu-Á, từ bờ biển Đại Tây Dương đến dãy núi Ural, từ khoảng 400.000 năm cho đến khoảng 40.000 năm trước, và biến mất sau khi người hiện đại xuất hiện ở khu vực này. Năm ngoái, các di vật và công cụ được tìm thấy ở Bulgaria cho thấy, người hiện đại và người Neanderthal đã có mặt cùng lúc ở châu Âu trong vài nghìn năm, đây là thời gian hai nhóm đã có các tương tác sinh học và văn hóa.
Người Neanderthal thường bị hiểu nhầm là họ hàng kém phát triển hơn của người hiện đại, nhưng trên thực tế, người Neanderthal có bộ não tương tự con người và đã phát triển một nền văn hóa phong phú. Ngoài các công cụ bằng đá phức tạp và đồ trang sức, người Neanderthal còn tô điểm các hang động bằng các tác phẩm nghệ thuật, và để lại các vật phẩm như những giấy nến thủ công.
Theo Hoàng Phương/Khoa học & Phát triển