Tống Giang và nước cờ vi diệu trong việc xử lý 'Hệ Đăng Châu'
Bảy “Hệ” đầu lĩnh ở Lương Sơn Bạc
Thứ nhất là nhóm công thần đời đầu gồm , Công Tôn Thắng, , Lưu Đường, Nguyễn thị Tam hùng, Đỗ Thiên, Tống Vạn, Chu Quý. Thứ hai “Hệ Thanh Châu” được “dắt lên” tụ nghĩa gồm: Hoa Vinh, Tần Minh, Hoàng Tín, Yến Thuận, Vương Anh, Trịnh Thiên Thọ. Có thể tính luôn vợ chồng Trương Thanh – Tôn Nhị Nương, cặp Lã Phương – Quách Thịnh, Khổng Minh – Khổng Lượng cũng như Thạch Dũng vào nhóm này.
Thứ ba là “Hệ Giang Châu” bao gồm Lý Tuấn, Lý Lập, anh em Trương Hoành – Trương Thuận, cặp Đồng Uy – Đồng Mãnh, Mục Hoằng – Mục Xuân, Lý Quỳ, Đới Tung, thêm cả Tiết Vĩnh. Đây đều là các nhân vật được quy tụ bởi Tống Giang, sau tham gia lần cướp pháp trường kinh thiên động địa ở Giang Châu. Bộ tứ tặc khấu núi Hoàng Môn gồm Âu Bằng, Tưởng Kính, Mã Lân, Đào Tông Vương cũng thuộc nhóm này.
Thứ tư là “Hệ Nhị Long Sơn” gồm Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Dương Chí, Tào Chính. Mấy người này lại có liên hệ dây mơ rễ má với bọn Sử Tiến, Chu Vũ, Trần Đạt, Dương Xuân, Lý Trung, Chu Thông và gia nhập Lương Sơn cùng đợt, nên tính chung vào một nhóm.
Thứ năm là “Hệ Đăng Châu” là những nhân vật liên quan đến vụ giải cứu anh em Giải Trân – Giải Bảo ở ngục Đăng Châu. Ngoài anh em họ Giải còn Tôn Lập, vợ chồng Tôn Tân – Cố Đại Tẩu, Nhạc Hòa, chú cháu Trâu Uyên – Trâu Nhuận.
Thứ sáu là nhóm quan quân triều đình từng giao tranh với nghĩa quân Lương Sơn, sau quy phục và nhập bọn: Tiêu biểu là Quan Thắng, Hô Diên Chước, Đổng Bình, Sách Siêu, Trương Thanh, tính cả Từ Ninh (..). Và thứ bảy là những đầu lĩnh còn lại, gia nhập không theo một nhóm lớn mà hoặc đơn lẻ, hoặc chỉ đôi ba người, bởi những lý do và hoàn cảnh khác nhau. Tiêu biểu có Lư Tuấn Nghĩa, Yến Thanh, Lý Ứng…
Dị biệt nhất là “Hệ Đăng Châu”
Như trên đã nhắc tới, “Hệ Đăng Châu” gồm 8 người: Tôn Lập, Tôn Tân, Cố Đại Tẩu, Giải Trân, Giải Bảo, Nhạc Hòa, Trâu Uyên, Trâu Nhuận. Bộ tám này trước khi tập hợp cùng nhau kéo lên Lương Sơn liên quan đến 2 sự kiện đáng chú ý.
Đầu tiên là vụ cướp ngục Đăng Châu (cứu anh em họ Giải), giết chết vô số quan quân triều đình, thảm sát toàn gia họ Mao (những kẻ lập mưu hại Giải Trân, Giải Bảo). Tiếp đến, dưới sự dẫn dắt của Tôn Lập, nhóm này thi triển kế “vô gian đạo” xâm nhập vào Chúc Gia Trang, làm nội ứng giúp quân Lương Sơn thu phục toàn bộ Độc Long Cương, góp công lớn trong thắng lợi “ra mắt” quý giá của Tống Giang.
Tới đây, chúng ta đến với sự khác biệt lớn nhất giữa “Hệ Đăng Châu” và các “Hệ” đầu lĩnh khác ở Lương Sơn. Thứ nhất, nhóm này có sự gắn kết bền chặt bởi mối quan hệ họ hàng máu mủ. Hai cặp anh em ruột (Tôn & Giải); Một cặp vợ chồng (Tôn Lập – Cố Đại Tẩu); Một cặp chú cháu (họ Trâu). Nhạc Hòa thì là em vợ Tôn Lập, Giải Trân – Giải Bảo thì vừa là em họ (bên ngoại) với anh em Tôn Lập – Tôn Tân, vừa là em họ (bên nội) với Cố Đại Tẩu. Trâu Uyên, trong khi đó cũng là anh họ của bộ đôi Tôn.
Cần lưu ý, những nhân vật cộm cán nhất của các Hệ khác đều có sự gắn bó chặt chẽ với Tống Giang. Ngô Dụng – Lưu Đường – ba anh em họ Nguyễn của Hệ công thần thì chịu ơn Tống: chính là lần báo tin cho nhóm cướp Sinh thần cương trốn thoát quan quân triều đình truy bắt; Hệ Thanh Châu và Giang Châu thì quá rõ ràng, không cần bàn tới. Hệ Nhị Long Sơn thì Tống Giang cực kỳ thân thiết với Võ Tòng từ trước, rồi sau lại đem quân cứu Lỗ Trí Thâm, Dương Chí, Sử Tiến; Hệ quan quân triều đình thì đều một tay Tống Giang khuyên hàng, hứa hẹn chuyện triều đình chiêu an mà nhập bọn cả.
Và đây chính là sự khác biệt lớn thứ hai khi đặt Hệ Đăng Châu vào mối quan hệ so sánh với đại ca Tống Giang là nhân vật trung tâm! Bởi cho tới trước khi tham gia chiến dịch đánh Chúc Gia Trang, Hệ Đăng Châu hoàn toàn không có bất kì sự kết nối nào với Tống Giang.
Tống Giang buộc phải dung Tôn Lập & hệ Đăng Châu
Nếu được lựa chọn, chắc chắn Tống Giang sẽ không kết nạp “Hệ Đăng Châu” về Lương Sơn. Nhưng vấn đề là nhóm Tôn Lập đã lập được đại công trong thắng lợi tại Độc Long Cương và vì thế, Tống Giang bị đặt vào thế “kẹt”.
Nếu không dung Hệ Đăng Châu, thì trước tiên Tống Giang bị mang tiếng hẹp hòi với anh hùng hảo hán, một điều vô cùng bất lợi cho thương hiệu đã cất công gầy dựng và đại nghiệp sau này. Chưa kể, khả năng bộ tám này có thể trở thành lực lượng đối địch về sau. Nhưng tệ hơn, dù Tống Giang không kết nạp thì nhóm Tôn Lập vẫn còn 1 con đường khác lên Lương Sơn: qua cửa Tiều Cái. Điều này lại càng tại hai cho họ Tống.
Nếu dung thì vào thời điểm ấy, Tống Giang lại không có một tâm phúc thượng thặng nào có thể so đọ được với Tôn Lập – thủ lĩnh của Hệ Đăng Châu. Tôn Lập bản lĩnh võ nghệ thế nào? Chàng ta đánh ngang 50 hiệp với Hô Diên Chước, mà lại dùng roi chứ không thèm chơi ngón sở trưởng của mình là thương. Tôn Lập mưu trí ra sao? Kế vô gian đạo nội ứng ngoại hợp với quân Lương Sơn, dẹp tan Chúc Gia Trang là bằng chứng. Tôn Lập thậm chí còn là kẻ sẵn sàng coi huynh đệ đồng môn (Loan Đình Ngọc) làm bàn đạp để tiến thân, thì tâm cơ của “Bệnh Uất Trì” là rất khó lường.
Tóm lại, Tống Giang buộc phải dung Hệ Đăng Châu. Nhưng sớm đã không coi Tôn Lập - tay hạng nhất của Hệ Đăng Châu là tâm phúc, Tống Giang cần phải đi từng bước để áp chế nhóm này. Đầu tiên, chính là ngầm sai “người của mình” chặt bớt vây cánh có thể của Tôn Lập (xem bài: Sát thủ giấu mặt trong Thủy Hử giết Loan Đình Ngọc là ai?). Và thứ hai, khi đã nắm quyền lực cao nhất ở Lương Sơn thì họ Tống bắt đầu tiến hành chia rẽ bộ tám họ hàng dây mơ rễ má Đăng Châu này.
Bảng xếp hạng 108 anh hùng & nước cờ cao của Tống Giang
Cách chia rẽ tốt nhất chính là bảng xếp hạng 108 đầu lĩnh Lương Sơn, do Tống Giang (và Ngô Dụng) giả mượn ý trời mà bày ra. Hãy nhìn vào bảng xếp hạng, Tôn Lập – đại ca Hệ Đăng Châu bị “ném” xuống vị trí thứ 39, thuộc hàng Địa Sát, chức Mã Quân Tiểu bưu tướng, đứng sau cả tay tầm thường là Hoàng Tín. Nhưng Giải Trân – Giải Bảo, hai người em họ mà Tôn Lập phải từ bỏ cả danh phận Đề Hạt quản binh ở phủ Đẳng Châu để giải cứu, lại thuộc nhóm Thiên Cương Tinh, chức Bộ quân Đầu lĩnh, tức cùng mâm với hàng loạt anh tài – tâm phúc của Tống Giang như Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng.
Kéo Giải Trân-Giải Bảo về phía mình, đồng thời đẩy anh em này ra xa khỏi “Hệ Đăng Châu” là một nước đi tuyệt diệu của Tống Giang. Không chỉ kết nạp thêm những tâm phúc mới (bằng chứng là về sau Giải Trân Giải Bảo thực sự “bán mạng” vì họ Tống) mà còn tạo ra sự xung đột trong nội bộ Hệ Đăng Châu. Những thành viên còn lại của “Hệ Đăng Châu” đều có thứ hạng cực thấp: Nhạc Hòa 77, Trâu Uyên – Trâu Nhuận 90-91, vợ chồng Tôn Tân – Cố Đại Tẩu 100 và 101.
Chưa hết, khi cắt đặt công việc cho các đầu lĩnh, Tống Giang cũng phân tách hoàn toàn các thành viên của hệ Đăng Châu như sau: “Lớp núi thứ hai có Chu Vũ, Hoàng Tín, Tôn Lập, Tiêu Nhượng, Bùi Tuyên ở phòng bên tả”; “Cửa quan đệ nhất đường bên Nam trước núi, cắt Giải Trân, Giải Bảo coi giữ”; “Tám viên Đầu Lĩnh coi bốn mặt tửu điếm, để dò xét tin tức. Điếm bên Đông có Tôn Tân và Cố Đại Tẩu”; “Tám viên Đầu Lĩnh phi báo các việc cơ mật là Nhạc Hòa, Thời Thiên, Đoàn Cảnh Trụ, Bách Thắng” (nhóm này làm việc dưới quyền Đới Tung), còn chú cháu Trâu Uyên – Trâu Nhuận là 2 trong 17 Bộ quân tướng hiệu – cấp dưới của Thạch Tú vốn là tâm phúc của Tống Giang.
Trong các lần đánh trận sau này thì Tống Giang luôn xếp Giải Trân – Giải Bảo theo mình còn bọn Tôn Lập, chú cháu họ Trâu thì xếp cho binh đoàn của Lư Nghĩa. Tào Tháo từng nói câu để đời: “đã dùng phải tin, không tin ắt không dùng”. Nhưng Tống Giang thi dù “không tin” nhưng vẫn “dùng người”, mà lại dùng khéo léo và hiệu quả. Họ Tống đúng là tay cơ trí và tài ba hiếm thấy ở tài quản trị nhân sự.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Bộ tộc người bí ẩn nằm sâu trong rừng, không mặc quần áo, biệt lập hoàn toàn với văn minh loài người
Một ngôi mộ cổ được tìm thấy trong hồ chứa nước, ngay cả những chiếc đinh trong quan tài cũng bằng vàng, chủ nhân của ngôi mộ là ai?
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách
CLIP: Sóc nhỏ "chơi khăm" linh miêu và cái kết đầy bi thảm