Khám phá

Tống Mỹ Linh: 40 tuổi phát hiện ung thư, sống thọ 106 tuổi

Những năm cuối thập niên 1960, Tống Mỹ Linh là 1 trong 10 phụ nữ được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ và là người phụ nữ thứ hai được đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ.

Ly kỳ chuyện dòng nước giúp 'thăng quan tiến chức' ở Phú Thọ / Vì sao Tư Mã Ý sống thọ hơn cha con Tào Tháo?

Sống qua 3 thế kỷ, Năm 2001, Khi tổ chức lễ mừng thọ lần thứ 104 của mình, bà nói đùa với những người đến chúc mừng: "Sao Thượng đế cho tôi sống lâu đến thế?".

Cùng với gia tộc họ Tống, Tống Mỹ Linh là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hiện đại Trung Quốc. Bà sinh ngày 5/3/1897 tại Thượng Hải, Trung Quốc, qua đời ngày 23/10/2003 tại New York, Mỹ, hưởng thọ 106 tuổi.

Bà là phu nhân của Tưởng Giới Thạch, người lãnh đạo Quốc dân Đảng Trung Quốc nắm giữ chính quyền ở Trung Quốc từ năm 1925 đến năm 1949 và sau này ở Đài Loan. Tống Mỹ Linh còn là người bảo trợ Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế, chủ tịch danh dự của Quỹ Viện trợ thống nhất Anh quốc, thành viên danh dự của Hội Kỷ niệm Bản Tuyên ngôn nhân quyền.

Tống Mỹ Linh trên bìa tạp chí LIFE.

Theo tiết lộ của Hà Chiếm Bân - bác sĩ tư của Tống Mỹ Linh thì năm 40 tuổi bà đã bị ung thư vú. Nhờ phát hiện sớm và điều trị tích cực nên khống chế được tế bào ung thư. Hiện tượng lão hóa ở bà hiện rõ từ tuổi 74, phải đi xe lăn, động tác đã chậm chạp, trí nhớ có phần suy giảm, phần lớn thời gian nằm bệt trên giường, trọng lượng cơ thể cũng tăng. Tuy nhiên răng của bà rất chắc, chỉ trám vài chiếc, đầu tóc không bạc hết và dài đến lưng.

Vị bác sĩ này phân tích bí quyết sự trường thọ của Tống Mỹ Linh bao gồm: Thứ nhất, tâm thái bình hòa, mọi việc đều nghĩ ổn thỏa, không giữ lo lắng trong lòng; thứ hai, cuộc sống cuối đời hầu như không có áp lực gì; thứ ba, bà rất thích có người xoa bóp, vỗ đầu gối, day vai, chà gan bàn chân để giúp khí huyết lưu thông; thứ tư, rất chú ý chất lượng thực phẩm, ăn ít và chia làm nhiều bữa. Ngoài ra, theo các chuyên gia sức khỏe, những yếu quyết sau đây đã giúp Tống Mỹ Linh giữ gìn sức khoẻ và sắc đẹp.

Được hưởng giáo dục tốt từ nhỏ

Khi Tống Mỹ Linh ra đời, gia tộc họ Tống đang thịnh vượng về nhân lực và tài lực, nên được hưởng sự chăm sóc và giáo dục rất chu đáo. Tống Gia Thụ tuy yêu quý con nhưng quản lý rất nghiêm, chủ trương rèn luyện cho con tính tự lập. Tống Mỹ Linh khác với hai chị, có cá tính rất mạnh, hoạt bát, dung mạo yêu kiều giống Khánh Linh, mày thưa mắt nhỏ, mũi hơi thấp và hếch lên.

Ba chị em họ Tống lúc nhỏ.

Mỹ Linh giống chị cả Ái Linh ở chỗ ngạo khí thể hiện rất rõ, không dịu dàng, thanh nhã như Khánh Linh. Trong nhà, Mỹ Linh chỉ nể sợ chị Ái Linh, Ái Linh bảo làm gì là làm nấy vì Ái Linh chịu thương chịu khó, chưa từng làm em thất vọng. Khi Ái Linh ra mệnh lệnh hay xử lý việc trong nhà, Mỹ Linh luôn chăm chú quan sát, lắng nghe như đang học tập, chuẩn bị để thay thế vai diễn ấy trong tương lai.

 

Năm 1907, Tống Mỹ Linh được đưa sang Mỹ du học, đến tháng 8/1917 mới trở về Thượng Hải. 10 năm học hành và hấp thu lối sống phương Tây, trở về nước cô nữ sinh họ Tống cảm thấy không còn thích ứng với lối sống quê nhà dù Thượng Hải lúc này đã là một thành phố phát triển vào bậc nhất Trung Quốc.

Mỹ Linh vạch ra cho mình phương hướng hoạt động xã hội ở tầng lớp thượng lưu. Trước hết cô quyết tâm theo học để nắm bắt tiếng Hán thật nhuần nhuyễn, tinh thông văn học cổ điển Trung Quốc, đương nhiên lúc nhỏ cô đã biết nói tiếng Hán nhưng vốn từ vựng còn hạn chế, phải tăng cường học đọc và viết. Về nước không lâu, Mỹ Linh mời một vị thầy tư thục đến dạy hằng ngày trong mấy năm liền.

Mỹ Linh chú trọng học ngữ âm, ngữ điệu ngâm nga những tác phẩm thơ văn, luyện biểu cảm với lối lắc lư thân thể theo nhịp điệu xướng tụng như lối đọc của những nho sinh thời trước.

Nhờ khả năng thiên phú và nỗ lực không ngừng, sau này những bài diễn thuyết công khai cũng như những bài viết của Tống Mỹ Linh rất cuốn hút mọi người trong nước cũng như ngoài nước, tạo ảnh hưởng rất lớn trên vũ đài chính trị.

Không ngừng theo đuổi mục đích cao xa

 

Tống Mỹ Linh vốn không muốn trở thành một bà mệnh phụ phu nhân trong giới thượng lưu Thượng Hải, không muốn làm một bà mẹ hiền vô danh mà chỉ muốn trở thành nhân vật gây sóng gió trên vũ đài chính trị Trung Quốc.

Sau này, trong tác phẩm "Quan niệm tôn giáo của tôi", Tống Mỹ Linh viết: "Tôi yêu nước vô hạn và khát vọng muốn làm gì đó cho đất nước. Cơ hội tôi rất tốt, tôi hợp tác với chồng thì sẽ cống hiến cho đất nước dễ dàng hơn. Tuy mong ước của tôi như vậy nhưng nếu chỉ dựa vào bản thân thôi thì vẫn cảm thấy thiếu một định lực về tinh thần".

Thời buổi ấy ở Trung Quốc, một người phụ nữ dù có bản lĩnh bằng trời mà nếu không dựa vào sức mạnh hỗ trợ của chồng thì khó mà thành công. Tống Mỹ Linh chậm trễ việc hôn nhân chính là chờ đợi mẫu người đàn ông có thể giúp cô có được "định lực về tinh thần". Tống Mỹ Linh hy vọng xuất hiện nhân vật có bàn tay sắt để thống nhất Trung Quốc đang chia năm xẻ bảy, đương nhiên cô sẽ dựa vào thế lực và sức mạnh của nhân vật ấy để thi triển tài năng, thực hiện mơ ước của mình.

"Mượn sức luồng gió lốc, Đưa ta đến trời xanh", nhân vật có bàn tay sắt ấy cuối cùng đã xuất hiện trước mặt Tống Mỹ Linh, đó chính là Tưởng Giới Thạch - sinh năm 1887.

Ngày 1/12/1927, Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh tổ chức cuộc hôn lễ cực kỳ xa hoa tại nhà hàng Đại Hoa, Thượng Hải. Đây là một sự kiện rất lớn trong đời sống chính trị Trung Quốc hiện thời. Người ta gọi cuộc hôn nhân này là "Tưởng - Tống chính trị liên nhân" (hôn nhân liên kết chính trị), tất có nguyên do.

 

Làm việc không nghỉ

Tống Mỹ Linh có chí tiến thủ rất mạnh, để thực hiện mục tiêu của mình, bà phải thực hiện công việc của mình một cách khẩn trương nhưng có thứ tự. Ngoài nhiệm vụ hỗ trợ Tưởng Giới Thạch xử lý văn kiện, phiên dịch Anh văn, bà còn giữ rất nhiều chức vụ khác, miệt mài làm việc suốt ngày đêm.

Tống Khánh Linh (trái) và Tống Mỹ Linh.

Tống Mỹ Linh cho rằng: Làm việc khiến người ta trẻ ra. Trong nhật ký, bà viết: "Làm việc là một nửa của cuộc sống, càng bận việc càng có tinh thần, người muốn trẻ, khoẻ thì phải tích cực làm việc. Ngược lại, lười biếng là kẻ thù của cuộc sống, hễ lười là trăm bệnh sinh ra. Muốn cho cây đời luôn xanh tươi chỉ có cách làm việc không nghỉ để phòng ngừa trí lực suy giảm, giữ cho thân tâm khỏe mạnh".

Trò chuyện để giải tỏa

Tống Mỹ Linh có khả năng tự khống chế thất tình, lục dục rất cao. Bà có thói quen tốt là mỗi khi gặp chuyện không vui, bà liền tìm người quen tâm sự để giải tỏa mọi ưu phiền. Khi có việc không vừa ý là nói ngay, không để tình trạng uất ức, buồn bực chế ngự.

 

Tống Mỹ Linh với Tưởng Kinh Quốc-con trưởng của Tưởng Giới Thạch - vốn là "bằng mặt chẳng bằng lòng. Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời, Tưởng Kinh Quốc lo ngại bà thừa cơ phát triển thế lực nên chỉ trong mấy ngày đã loại khỏi quân ngũ và điều hết những người thuộc "Bang phu nhân" đi khỏi Đài Bắc.

Lúc đầu Tống Mỹ Linh rất tức giận, muốn tìm Tưởng Kinh Quốc để mắng cho hả giận, nhưng rồi bà nhịn được. Sau những lần trò chuyện với cô cháu ngoại Khổng Lệnh Nghi, bà dần quên đi buồn bực, tâm tình bình hòa trở lại.

Thanh thản chuyện đời

Mỗi khi có người quen đến thăm, khen bà lúc trẻ đẹp như thế nào, giỏi như thế nào, Tống Mỹ Linh chỉ cười, dẫn một câu trong Thánh kinh đáp rằng: "Cuộc chiến phải đánh, ta đã đánh qua; con đường phải đi, ta đã đi qua. Quyền, danh, lợi đã tan thành mây khói, hãy để chúng ta quên đi tất cả!".

Bà chỉ thích đi hóng mát mỗi tuần, ngắm hoa hồng, chơi dương cầm, đọc sách báo, tập luyện thư pháp và vẽ tranh thuỷ mặc.

 

Khống chế cân nặng

Khi kết hôn với Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh cao 1m66, nặng 50kg. Phụ nữ thường đến tuổi ngoài 40 thì da trở nên khô, xạm, vòng eo nở ra, bụng to lên. Nhưng Tống Mỹ Linh đến năm ngoài 60 tuổi vẫn giữ được vóc dáng thon thả không thay đổi, da trắng mềm, tóc đen, nhất là đôi bàn tay búp măng trắng muốt.

Tống Mỹ Linh lúc 100 tuổi.

Vẻ đẹp của Tống Mỹ Linh không nhờ đến mỹ phẩm mà do tiết chế ẩm thực. Thường ngày bà rất thích ăn nhiều loại trái cây, rau sống và tránh xa các thứ dầu mỡ. Hồi trẻ thích ăn đồ ngọt, nhưng về sau bà cũng tránh xa. Hầu như mỗi ngày bà đều tự cân, nếu thấy hơi tăng cân là quay sang ăn toàn rau salat, không ăn các thứ khác cho đến khi thể trọng trở lại bình thường.

Suốt nhiều năm kiên trì áp dụng phương pháp khống chế thừa cân nên Tống Mỹ Linh luôn giữ được thân hình cân đối. Những chiếc kỳ bào và váy mặc thời trẻ, đến già vẫn rất vừa vặn, do đó người xung quanh gọi bà "Miêu đỗ phu nhân (Người đẹp bụng mèo).

Rửa ruột và xoa bóp

 

Mỗi ngày trước khi đi ngủ, Tống Mỹ Linh đều thực hiện việc rửa ruột. Thực ra, bà không bị chứng bí tiện, mà tác dụng của rửa ruột là thải độc. Rửa ruột - một việc mà người khác cho là phiền phức và đau đớn, thì bà lại làm rất thoải mái. Bà nói với người xung quanh rằng mỗi lần rửa ruột xong, tắm táp sạch sẽ, bà cảm thấy như vừa hoàn thành một quá trình trao đổi chất lớn, phục hồi sinh lực, sau đó ngủ một giấc tới sáng.

Một trong những lý do khiến Tống Mỹ Linh giữ được làn da đẹp, mịn màng là kiên trì xoa bóp hàng ngày. Có 2 cô hộ lý thay phiên xoa bóp cho bà trước khi ngủ trưa và ngủ tối. Quy trình xoa bóp thường là từ mắt, sau đó đến mặt, ngực, bụng, chân, lòng bàn chân… cho đến khi bà mơ màng ngủ thiếp.

Các anh chị của Tống Mỹ Linh cũng là những người nổi tiếng về tài, sắc và sống thọ.

Chị đầu là Tống Ái Linh, sinh năm 1889, kết hôn với Khổng Tường Hy - một nhà tài phiệt giàu có, từng giữ chức Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính của chính phủ Quốc dân Đảng. Bà qua đời năm 1973, thọ 83 tuổi.

Chị thứ hai là Tống Khánh Linh, sinh năm 1893, kết hôn với Quốc phụ Trung Quốc Tôn Trung Sơn, bà theo Đảng Cộng sản và trở thành Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa cho đến khi qua đời vào năm 1981, thọ 88 tuổi.

 

Anh là Tống Tử Văn, sinh năm 1894, từng được liệt vào danh sách những người giàu nhất thế giới. Ông giữ các chức vụ Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính và Ngoại trưởng trong chính phủ Quốc dân đảng. Qua đời năm 1971, thọ 77 tuổi.

Người ta nhận xét ba chị em nhà họ Tống rằng "Một người mê tiền (Tống Ái Linh), một người yêu Trung Quốc (Tống Khánh Linh) và một người mê quyền lực (Tống Mỹ Linh)".

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm