Khám phá

Top 4 hảo hán Lương Sơn Bạc có tài năng nghệ thuật xuất chúng

Đại đa số các đầu lĩnh Lương Sơn Bạc đều là những tay yêng hùng, rách trời rơi xuống, giết người không chớp mắt. Nhưng bên cạnh đó, “Bến nước” cũng tập hợp không ít hảo hán sở hữu tài năng nghệ thuật đặc biệt hơn người.

Cuộc đời bất hạnh ít biết của tác giả Thủy hử truyện / Hé lộ cao thủ bá đạo nhất Thủy Hử, có thể "cân" cả 108 vị anh hùng

Lãng tử Yến Thanh

Người nổi bật nhất trong lĩnh vực đàn ca của Lương Sơn và được độc giả Thủy Hử biết tới nhiều nhất chính là Lãng tử Yến Thanh. Yến Thanh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, năm 13 tuổi, được Lư Tuấn Nghĩa đưa về nuôi. Tiếng là chủ-tớ nhưng quan hệ giữa họ cũng không khác gì cha con nuôi cả. Yến Thanh ngoài việc học võ từ Lư Tuấn Nghĩa, còn được đào tạo nghề ca xướng từ nhỏ, không gì là không giỏi.

Bốn hảo hán Lương Sơn Bạc sở hữu tài năng nghệ thuật hơn người.

Bốn hảo hán Lương Sơn Bạc sở hữu tài năng nghệ thuật hơn người.

Thủy Hử hồi 60 viết: “Chợt thấy một người mình cao sáu thước, tuổi ngoại đôi mươi, lưng nhỏ vai rộng, ria mọc kín mồm, mình mặc áo sa trắng, lưng thắt lụa màng nhện đỏ, chân đi đôi giầy vàng, đầu đội khăn rua, sau gáy có một đôi kim hoàn, bên tai cài bông hoa tứ quý, cùng chạy ra trước thềm để đứng hầu Viên Ngoại… Anh chàng này đàn địch múa hát hay, nói năng chữ nghĩa cũng thông, thuộc đủ các thứ tiếng của bọn bán buôn chợ búa, lại tài giỏi về nghề quyền vũ”.

Đến Hậu Thủy Hử, tài năng nghệ thuật của Yến Thanh khiến cả ca kỹ đệ nhất kinh thành Lý Sư Sư, lẫn đương kim Hoàng đế nhà Tống phải thán phục. Đầu tiên là thổi sáo: “Yến Thanh đành trổ chút tài nghệ, nâng tiêu dạo khúc vi vu. Lý Sư Sư nghe xong không ngớt lời khen ngợi. - Tiếng sáo của chàng hay tuyệt!”. Tiếp đến là tiếng hát: “Yến Thanh hắng giọng cất tiếng hát. Đúng là tiếng thanh, vần đẹp, lời đúng, giọng chân”; “Yến Thanh lấy giọng, tay gõ sênh, cất tiếng ca một khúc theo điệu Ngư gia ngao… Yến Thanh hát xong, đúng là giọng oanh vàng mới hót, tiếng ca trầm bổng du dương. Thiên tử cả mừng, lại bảo hát tiếp một bài nữa”.

top 4 hao han luong son bac co tai nang nghe thuat xuat chung hinh anh 2

Lãng Tử Yến Thanh – hát hay, đàn giỏi, thổi sáo cũng tài.

 

Thiết Địch Tiên Mã Lân

Mã Lân “ra mắt” Thủy Hử ở hồi 40, nhân chuyện bọn Tiều Cái, Lý Tuấn, Trương Thuận, Lý Quỳ (…) cướp pháp trường Giang Châu cứu sống Tống Giang – Đới Tung, bắt giết Hoàng Văn Bính ở Vô Vi Quân, trên đường rút về Lương Sơn đi ngang qua núi Hoàng Môn, chính là địa bàn hoạt động của nhóm cướp Mã Lân (cùng Âu Bằng, Tưởng Kính và Đào Tôn Vượng).

Sau khi hỏi họ xưng tên, biết là Tống Giang cùng huynh đệ hảo hán, thì bọn Mã Lân cùng nhập hội lên Lương Sơn. Thi Nai Am mô tả Mã Lân như thế này: “Người thứ ba họ Mã tên Lân, quê ở Kim Lăng, Kiến Khang, là một tay nhàn lãng xuất thân, thổi thiết địch hay, múa đại đao giỏi. Mấy trăm người cũng không ai dám đến gần, nhân thế người ta đặt là Thiết Địch Tiên”.

top 4 hao han luong son bac co tai nang nghe thuat xuat chung hinh anh 3

Thiết địch Tiên Mã Lân, ngoại hiệu cũng đủ cho thấy tài năng.

 

Như vậy, ngay ở ngoại hiệu “Thiết Địch Tiên – Tiên sáo sắt” cũng phần nào cho thấy tài thổi sáo của Mã Lân rồi. Tiếc là Thi Nại Am không dành cho Mã Lân nhiều đất diễn (như Yến Thanh) để chàng phô diễn “bản lĩnh” nghệ thuật của mình. Sau khi gia nhập Lương Sơn, Mã Lân xếp hạng 67, giữ chức Mã quân Tiểu bưu tướng – Viễn thám xuất tiêu đầu lĩnh. Ở cuộc chiến với Phương Lạp, Mã Lân bị Nguyên soái phía đối thủ - Thạch Bảo hạ sát ở đồi Ô Long.

Song thương tướng Đổng Bình

Đổng Bình, xuất thân Đô giám binh mã phủ Đông Bình, là một trong những nhân vật gia nhập Lương Sơn muộn nhất. Đổng Bình qua miêu tả ở hồi 68 Thủy Hử, trong lần quân Lương Sơn đánh phủ Đông Bình như sau: “Nguyên Đổng Bình là một người tinh anh lanh lợi, tam giáo cửu lưu không gì là không thạo, quản huyền ty trúc không gì là không hay. Nhân thế mà bọn Sơn Đông Hà Bắc, ai ai cũng gọi tên là Phong Lưu - Song thương Tướng”.

top 4 hao han luong son bac co tai nang nghe thuat xuat chung hinh anh 4

Song thương tướng Đổng Bình, chính hiệu “soái ca” toàn mỹ.

 

Trong lần giao chiến với quân Tống Giang, Thi Nại Am tả tiếp ngoại mạo Đổng Bình: “Hôm đó khi trời vừa sáng, đôi bên dàn trận xong, Tống Giang đứng bên nầy trông thấy Đổng Bình, ra dáng tinh anh tuấn tú... Sau lại thấy Đổng Bình đeo một cái túi tên, trên có lá cờ nhỏ viết đôi câu đối rằng: Anh hùng Song Thương Tướng - Phong Lưu Vạn Hộ Hầu”. Tức, Đổng Bình đã anh tuấn hơn người, ngoài bản lĩnh võ nghệ còn có tiếng ở năng lực nghệ thuật: thổi sáo đánh đàn. Về cơ bản chàng ta đúng là một “soái ca” hoàn mỹ.

Sau Đổng Bình trúng mai phục, bị bắt sống, chịu hàng Tống Giang đồng thời giúp quân Lương Sơn lấy thành Đông Bình và chính thức gia nhập “Bến nước”. Khi phân ngôi thứ, Đổng Bình đứng hạng 15, chức vụ Mã quân Hổ tướng. Ở trận chiến với Phương Lạp, Đổng Bình vốn đang thương nặng ở tay trái nhưng vẫn ham ra trận báo thù cho Chu Thông, nên bị Trương Thao và Lê Thiên Nhuận giết ở ải Độc Tùng.

Thiết khiếu tử Nhạc Hòa

Nhạc Hòa là lính coi ngục phủ Đăng Châu. Họ Nhạc biết chút võ nghệ và có tài năng âm nhạc thiên phú, đặc biệt là ca hát và thổi sáo, nên mới có tên hiệu là Thiết khiếu tử (Tay sáo sắt).

Nhạc Hòa xuất hiện lần đầu ở hồi 48 Thủy Hử, nhân chuyện anh em Giải Trân – Giải Bảo mắc bẫy nhà Mao thái Công bị tống vào ngục chờ chết. Nhạc Hòa là em vợ của Tôn Lập – Đề Hạt cai quản binh mã Đăng Châu, trong khi cặp đôi họ Giải là em họ của Cố Đại Tẩu – vợ Tôn Tân, em trai Tôn Lập: “Nhạc Hòa là người thông minh lanh lợi, thuộc hết các ngón âm nhạc, phàm công việc gì nói qua khắc biết, về các môn võ nghệ cũng tinh thông”.

 

top 4 hao han luong son bac co tai nang nghe thuat xuat chung hinh anh 5

Thiết khiếu tử Nhạc Hòa, tài năng âm nhạc thiên phú.

Nhạc Hòa giới thiệu về mình như thế này với anh em Giải Trân – Giải Bảo: “Tôi họ Nhạc tên Hòa, người ở Mao Châu, trước tổ tiên chúng tôi đến ở đất này, sau đem chị tôi gả cho Tôn Đề hạt, còn tôi thì coi ngục ở đây. Người ta thấy tôi hát hay, thường gọi là Thiết Khiếu Tử Nhạc Hòa. Tôn Đề Hạt thấy tôi khỏe mạnh, nên cũng dạy cho mấy ngón côn, quyền, dao, kiếm, võ nghệ cũng không kém gì ai”.

Sau khi tổ chức cướp ngục cứu Giải Trân – Giải Bảo, Nhạc Hòa cùng anh em Tôn Lập – Tôn Tân, Cố Đại Tẩu, chú cháu Trâu Uyên – Trâu Nhuận gia nhập Lương Sơn, góp công lớn trong chiến dịch đánh hạ Chúc Gia Trang. Khi phân định ngôi thứ ở Lương Sơn Bạc, Nhạc Hòa, ngồi ghế 77, đầu lĩnh bộ quân phi báo việc cơ mật.

Khác với Yến Thanh (không về triều nhậm chức sau khi đánh thắng Phương Lạp mà chọn con đường ngao du sơn thủy) và Mã Lân (tử trận ở đèo Ô Long) hay Đổng Bình (chết ở ải Độc Tùng), Nhạc Hòa có hậu vận an nhàn hơn nhiều. Chàng ta không tham dự trận chiến cuối cùng của Nghĩa quân Lương Sơn với Phương Lạp mà được Vương đô Úy giữ lại làm tổng quản trong phủ, chuyên coi sóc công việc ca xướng.

 

Theo Thanh Xuân/Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm