Trái Đất chỉ có 12 giờ để đối phó với bão Mặt Trời!
NASA định dùng Mặt Trời để tìm kiếm người ngoài hành tinh / Vụ nổ siêu tân tinh lớn nhất của ngôi sao nặng gấp 100 lần Mặt Trời
Kết luận trên dựa theo báo cáo của cơ quan chiến lược dự báo thời tiết vũ trụ của Chính phủ Anh. Họ đã phác thảo một kế hoạch về những gì loài người cần phải chuẩn bị để đối phó với một cơn bão Mặt Trời qui mô lớn. Báo cáo cũng nêu lên một kịch bản tồi tệ nhất của thời tiết vũ trụ sẽ khi xuất hiện đợt phun trào dữ dội từ trong lòng Mặt Trời.
Trong trường hợp như vậy, lớp plasma bao bọc xung quanh Mặt Trời sẽ tách ra, giải phóng một lượng lớn các hạt mang năng lượng cao và các tia X. Chúng sẽ tác động mạnh tới hành tinh của chúng ta.
Bão mặt trời tác động đến Trái Đất (ảnh minh họa)
Để xây dựng các phương án chiến lược chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ sự kiện Carrington xảy ra vào năm 1859. Đây là lần gần đây nhất xảy ra hiện tượng phun trào dữ dội trong lòng Mặt trời và nó đã tạo thành cơn bão điện từ lớn ảnh hưởng đến Trái Đất.
Bản báo cáo đã nêu rõ: “Tốc độ di chuyển của bão Mặt Trời trong không gian càng nhanh, những tác động tiêu cực của nó đến Trái Đất càng lớn. Sự kiện Carrington là một ví dụ, cơn bão di chuyển đến Trái Đất trong khoảng thời gian là 18 giờ. Đó là lý do vì sao chúng ta chỉ có đúng 12 giờ để chuẩn bị tính từ khi quan sát được hiện tượng xảy ra trên Mặt Trời”.
Báo cáo dự đoán rằng nếu cường độ cơn bão tương tự như đã xảy ra vào năm 1859 trong giai đoạn hiện nay, nó sẽ dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng và gián đoạn thông tin liên lạc thông qua vệ tinh.
Những hệ thống định vị toàn cầu GPS và những hệ thống liên lạc vô tuyến sử dụng tần số cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này sẽ dẫn đến các hệ thống kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không đều bị gián đoạn và tê liệt. Các hệ thống kiểm soát không lưu gặp sự cố có thể sẽ dẫn đến các tai nạn hàng không nghiêm trọng làm chết nhiều người.
Các tác giả của bản báo cáo cho rằng để đối phó với thảm họa này, các quốc gia phải thiết kế phương án bảo vệ cơ sở hạ tầng, xây dựng một hệ thống cảnh báo rộng rãi để cảnh báo sớm về thời tiết vũ trụ và có trung tâm xử lý tình huống khẩn cấp tại chỗ.
“Có nhiều thứ cần phải hoàn thành để giảm thiểu tối đa những tác động xấu nhất có thể xảy ra. Khả năng truyền tải thông tin nhanh tới người dân là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị và ứng phó với một cơn bão Mặt Trời... Không phải tất cả những tác động xấu được dự báo đều xảy ra, nhưng trong mỗi thảm họa như vậy, việc chuẩn bị kỹ lưỡng ở cấp quốc gia là vô cùng quan trọng. Ngoài ra các quốc gia cần phải có sự phối hợp để hỗ trợ lẫn nhau”.
Bão Mặt Trời xảy ra khi có một vụ nổ lớn trên Mặt trời. Sức mạnh của vụ nổ làm cho các hạt proton và electron thoát khỏi sức hút của lực hấp dẫn Mặt Trời khiến chúng bay vào không gian tạo thành những đám mây điện tích khổng lồ. Khi những đám mây điện tích này lan tới Trái đất nó sẽ làm ảnh hưởng đến từ trường của Trái Đất và các hệ thống điện từ mà con người sử dụng.
Do vậy khi đến Trái Đất nó gây ra hiện tượng mà chúng ta gọi là bão từ. Khi bão từ hoạt động mạnh, tác động lên hệ thống thần kinh của con người, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể (vì 70% cơ thể là nước), ảnh hưởng tới hệ tim mạch làm rối loạn nhịp tim, gây đau đầu, tăng huyết áp… Vào thời điểm bão từ hoạt động mạnh, người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ… Những bệnh nhân mắc các bệnh trên cần được nghỉ ngơi trong nhà, tránh ra ngoài.
Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dự đoán, cứ sau chu kỳ khoảng 200 năm sẽ có một cơn bão Mặt Trời với cường độ lớn. Tính từ lần gần đây nhất xảy ra cơn bão Mặt trời mạnh vào năm 1859 đã gần 200 năm. Rất có thể trong thập kỷ tới chúng ta sẽ đón nhận một cơn bão với cường độ tương tự.
End of content
Không có tin nào tiếp theo