Khám phá

Trên ngọn núi cao trong chốn rừng xanh: Những câu chuyện hơn cả nỗi buồn

Mặc dù thấy việc tự tử của người đồng bào đến từ những điều không đáng, nhưng thật khó để xác định đúng chính xác nguyên nhân để gọi tên “quy luật tự tử”.

Thực hư tin đồn Goo Hara nhập viện do tự tử / Hé lộ thêm bí mật vụ án Jang Ja Yeon tự tử: Xuất hiện nhân vật quyền lực, liên tục liên lạc cưỡng ép

Cậu bé kia làm hư cái gương xe máy của hàng xóm, bị mách và bị la, cậu tự tử; chị nọ “cảm giác” không được chồng quan tâm nhiều như trước nữa, chị tự tử; bà già ngấp nghé tuổi thất thập, mà rượu cứ tuôn cả ngày, người nhà nhắc, bà tự ái, rồi tự tử; đau hơn, khá nhiều người đàn ông là trụ cột gia đình, lúc rượu vào, nghĩ mình tài mọn không lo được đủ đầy cho vợ con, bèn tự tử…

Những câu chuyện người đồng bào ở tỉnh Gia Lai tìm đến cõi A Tâu (cõi chết) đường đột như vậy, có thể bắt gặp ở nhiều làng 2 huyện Kon Chro và KBang. Nhưng nên nhớ, đó chỉ là hai địa phương có tỷ lệ người đồng bào tự tử cao, còn mở rộng ra toàn Tây Nguyên, thì hầu như tỉnh nào cũng có.

Song, có một điều khiến người viết không thể không đặt câu hỏi: Là tại sao, tự tử chỉ diễn ra ở phần lớn là người Bana? Và thật không may, đó cũng là vấn đề mà chính quyền địa phương đang cố tìm câu trả lời!

Trong thẳm xanh của núi, vẫn còn âm ỉ tình trạng người dân tự tử. Ảnh: Xuân Thọ.

Tự tử vì tự ái

Trước khi vô làng Tờ Nùng 2 (xã Ya Ma, huyện Kon Chro), tôi mở file ảnh mà anh bạn đồng nghiệp gửi đến vài ngày trước. Đó là bức ảnh chụp một trang sổ thống kê người tự tử của xã này trong năm 2015, dù được anh chụp cách đây không lâu, có lẽ đó là năm làng này có tỷ lệ người tự tử cao nhất trong những năm qua.

Tôi tỉ mẩn đếm, chỉ trong một trang sổ đó, có đến 19 người trong xã Ya Ma đã chọn cái chết như đi tìm sự giải thoát. Nhưng điều ám ảnh hơn, là hai hình vẽ ở góc trái trên đầu trang vở thống kê đó: một chai thuốc xịt cỏ và một cuộn dây.

Đó là hai thứ phổ biến nhất “giúp” những người chán sống lấy làm giải pháp cho lựa chọn của mình. Có điều, nhiều khi, thậm chí ngay cả lúc ngồi gõ những dòng này, tôi cũng không thể hình dung họ lại dễ dàng tìm đến cái chết như vậy.

Như câu chuyện của cậu bé Đinh Triêu ở làng Tờ Nùng 2 cách đây 2 năm. Khi đó, Triêu đang độ tuổi 12, cái tuổi gắn liền với những nghịch ngợm con trẻ. Và trong một chốc trẻ thơ như vậy, Triêu vô tình làm hư cái gương xe máy của một người trong xã. Người này mắng vốn với cha mẹ Triêu, như tất yếu của quán tính, cha mẹ Triêu la Triêu. Điều đó làm Triêu buồn, Triêu mênh mang cả buổi chiều.

Sau khi chồng tự tử, chị Thenh biết cách vượt qua và trở thành niềm tự hào của làng Kuao.

Tối đến, Triêu rời nhà vào rừng sâu, với chai thuốc diệt cỏ mà người dân địa phương quen gọi là “chai cỏ cháy”. Cả đêm ấy, chị Eo, mẹ của Triêu, ở nhà ngồi chờ con mãi, từ lúc ánh trăng lặn cho đến ánh dương của ngày hôm sau mờ tỏ, vẫn không thấy Triêu về.

“Nó chưa bao giờ đi lâu như vậy” - chị Eo nhớ lại và lắp bắp như vậy, dù vốn tiếng Kinh của chị khá ổn. Lời chị Eo kể, dừng lại ở buổi chiều muộn của ngày hôm sau, là lúc người làng hoảng hốt la lên “thằng Triêu chết ở ngoài rừng”. Chị Eo theo người làng ra bìa rừng, rồi ngất xỉu, khi thấy Triêu của mình đã về cõi A Tâu tức tưởi như vậy.

“Cái gương xe máy đó có 45 ngàn đồng chứ mấy” - anh Đinh Pei, cha của Triêu buột miệng. Triêu nghỉ học từ năm lớp 8, chỉ vì thấy con chữ là sợ như người Bana sợ tiếng chim lợn kêu đêm. Không lâu sau, thì cậu đi mãi.

Tưởng rằng Triêu còn nhỏ, Triêu nghĩ nông cạn mới xảy ra cơ sự buồn như thế. Hóa ra, ngay cả người lớn, cũng dễ dàng tìm đến cái chết từ những mâu thuẫn rất cỏn con, thậm chí là rất cảm tính như trường hợp của chị Đinh Biếc ở làng Dâng, thị trấn Kon Chro (huyện Kon Chro).

Chị Biếc sống chung với chồng hơn chục năm trời, lại có với nhau 6 đứa con, thì bỗng một ngày nọ cách đây 2 năm, chị có cảm giác chồng ít quan tâm đến mình. Từ đó, chị đâm nghi chồng có người khác, rồi chị ra bìa rừng, với chai thuốc cỏ cháy mù quáng.

Mới đây nhất, là hồi tháng 3-2019, tại làng Lok, xã Nghĩa An (huyện KBang), bà H Nhoh đã treo cổ tự tử chỉ vì bị chồng la do uống rượu. Bà Nhoh vốn bị các bệnh về khớp nhiều năm qua, khiến dáng đi trở nên khổ sở, vậy mà bà còn nghiện rượu nữa, ngày nào cũng uống ít nhất một lít rượu. Chồng bà, là ông Đinh Jruk nhiều lần lên tiếng khuyên nhủ, vậy mà bà Nhoh cho rằng ông Jruk la bà, bà tự ái, rồi treo cổ tự tử!

Ông Đinh Jruk ngồi buồn trong căn nhà bằng phên nứa, bên trái là đống đổ nát của căn nhà sau khi vợ ông tự tử.

Tìm đến cái chết vì tự ti

Những mẩu-chuyện-tự-tử ở trên, nếu chỉ đơn thuần rơi vào sự ngây dại bởi nếp nghĩ nông cạn, thì những mẩu-chuyện-tự-tử dưới này, gợi nhiều xót thương hơn, bởi nó đến từ sự tự ti, mặc cảm và cần chất xúc tác, là rượu, để giải quyết vấn đề.

Câu chuyện bắt đầu từ lời kể của ông Đinh Bát - Chủ tịch UBND xã Kon Bla (huyện Kbang), chỉ trong quý I.2019, xã này xảy ra 4 vụ tự tử, 6 người chết. Chỉ riêng làng Groi, đã có 3 vụ tự tử và 5 người chết. Chuyện ở làng Groi, rơi vào tầm quãng tháng 1-2019.

Chiều đó, sau khi uống rượu với mấy người hàng xóm, anh Đinh Kiên chẳng nói với vợ con lời nào, mà đi tìm sợi dây rồi treo cổ tự tử. Anh Kiên chỉ để lại một mảnh giấy, trên đó nguệch ngoạc mấy dòng chữ thể hiện nội dung anh tự tử vì nghèo quá, không lo được cho vợ con.

Khoảng một tháng sau cái chết của anh Kiên, người làng Groi lại thêm lần nữa thảng thốt gọi nhau khi phát hiện anh Đào Duy Quang treo cổ tự tử. Và điều khiến người làng xầm xì hơn, anh Quang là người Kinh.

Hôm ấy, làng đang làm mộ cho anh Kiên, chị Đinh Thị Bết, là vợ của anh Quang, cùng lên phụ giúp nước nôi, ăn uống. Khi chị trở về nhà, thì phát hiện chồng mình đã chết tự khi nào, vì treo cổ. Cũng như anh Kiên, anh Quang tìm đến cái chết sau khi uống rượu; và cũng như anh Kiên, anh Quang tìm đến cái chết chỉ vì nghĩ mình nghèo quá, không lo được cho vợ con, cùng khoản nợ 40 triệu đồng vay vốn ngân hàng trước đó.

Sau cú sốc gia đình em gái tự tử, anh Bách đã tìm cách vượt qua nỗi đau và khó khăn. Trong ảnh, gia đình anh Bách sửa lại nhà cho con trai đầu.

Vài ngày sau, dân làng Groi thêm phen hoảng hốt khi phát hiện xác chết của ba mẹ con chị Bết. Chỉ trong khoảng 1 tháng ngắn ngủi, cả gia đình anh Quang, chị Bết và hai đứa con lần lượt kéo nhau về cõi A Tâu đầy đau xót.

“Chỉ có chị Bết và đứa con nhỏ là treo cổ tự tử, còn đứa lớn, công an nhận thấy là có lực tác động khiến bé bị chết chứ không phải treo cổ” - anh Đinh Brươn, cán bộ xã Kon Bla lưu ý với tôi như vậy, khi cả hai cùng nhau đi vào làng Groi.

Còn việc người làng Groi liên tục tự tử trong thời gian vừa qua, khiến cho ông Bát - Chủ tịch xã nhớ lại sự vụ tương tự cách đây khoảng chục năm. Việc xảy ra ở làng Briêng, vì ám ảnh và tự ti cái nghèo đeo đuổi mãi, chỉ trong vòng một tháng, làng này có đến 3 người treo cổ tự tử, sau khi uống rượu. Vì sợ tái diễn điều đau lòng đó, xã cho hẳn cán bộ ở luôn dưới làng, những hành động dại dột trên mới giảm dần.

“Hồi trước, người ta hay tự tử bằng cách treo cổ. Nhưng bây giờ, họ chọn cách uống thuốc cỏ cháy hơn, vì… tiện” - ông Bát nửa đùa, nửa ngán ngẩm. Tôi gật đầu tỏ ý hiểu vấn đề. Nhìn ra cửa sổ, cơn gió thốc mạnh làm đám lá khô bay ngơ ngác.

“Dù vậy, đau lòng nhất, khi người tự tử chủ yếu là nam giới, lại là trụ cột của gia đình nữa” - ông Bát tiếp tục.

Và, trong lúc tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì thông tin đó, vị chủ tịch xã Kon Bla như giải thích: “Là những người đang làm chồng, làm cha đó”. Nhưng cái mà tôi tạm gọi là “lời giải thích” từ ông Bát đó, không gợi nhắc gì, mà chỉ quẩn quanh ở một chữ, là “rượu”.

“Phần lớn họ tìm đến cái chết sau khi uống rượu?” - tôi hỏi. Ông Bát không trả lời, chỉ gật đầu xác nhận. Cuộc trò chuyện sau đó của chúng tôi, rơi vào một quãng trống. Cho đến khi ông Bát tiếp tục: “Có lẽ rượu giúp họ trở nên… can đảm hơn, để tự tử”. “Vì bình thường, là lúc không có rượu đó, họ có sợ cái chết?” - tôi rào đón. Ông Bát gật đầu xác nhận.

Sau khi anh Đinh Kiên tự tử, tương lai của con cháu anh càng trở nên mù mịt.

Hơn cả nỗi buồn

Thật ra, câu chuyện người đồng bào uống rượu, không phải là mới. Nhưng có đi sâu vào những nẻo làng phía núi, mới rợn người khi biết hơn 99% lượng rượu họ uống bây giờ, không còn là do chính họ nấu nữa, trừ những dịp lễ lạt theo tập tục.

Chỉ cần một viên thuốc như loại viên sủi mà người bổ sung vitamin C hay dùng, trong tích tắc, nó biến vài chục lít nước lã thành vài chục lít rượu trắng. Nước lã, có thể lấy ở đâu đấy; viên thuốc được tuồn từ dưới xuôi lên, có giá chỉ vài ngàn đồng một viên.

Nghĩa là “người nấu rượu” chỉ tốn khoảng 10 ngàn đồng, là có được vài “chục lít rượu” và bán với giá 10 ngàn đồng, hoặc hơn, mỗi lít. Và để phục vụ tốt hơn khách hàng của mình, chủ quán cho rượu vô sẵn túi nilon với hai dung lượng phổ biến là nửa lít và một lít. “Thượng đế” ghé ngang, lấy bịch rượu tương ứng với số tiền bỏ ra, là có thể vừa đi vừa uống. Trời trên đầu, đất dưới chân, xiêu vẹo trong cái tặc lưỡi: thây kệ!

Đến đây thì ai cũng biết, cái loại rượu đó, nó tàn phá sức khỏe, nó ảnh hưởng đến não trạng người dùng như thế nào. Xâu chuỗi khoảng thời gian người đồng bào ở đây tự tử nhiều trở lại sau khi uống rượu, kể từ lúc “loại rượu” này tràn về, sẽ nhận ra điều không thể gọi là ngẫu nhiên. Và tôi cho rằng, đó là một khía cạnh không thể bỏ qua, nếu chính quyền muốn hạn chế tình trạng tự tử trong đời sống người đồng bào. Hành động đó đang ở thì tương lai.

Hễ có người tự tử trong nhà, căn nhà đó sẽ bị đập bỏ và họ làm nhà chỗ khác, gây nên gánh nặng kinh tế cho người còn sống.

Còn hiện tại, khi theo anh Brươn - cán bộ tư pháp xã vào làng Groi, hoang vắng và lạnh lẽo là những điều tôi cảm nhận được nhiều nhất, dù trời đang đi vào trưa. Và sau đó, rút ra được điều này: phía sau mỗi vụ tự tử, không chỉ là nỗi buồn!

Mà đúng vậy. Tôi không tường tận ý thức của người Bana về chuyện sống chết như thế nào. Chỉ nhận thấy một điều, buồn sau cái chết của người thân họ, trôi qua rất nhanh. Âu cũng là tốt. Nhưng đây mới điều đáng quan tâm: tương lai mịt mù của người ở lại!

Trước nhà anh Đinh Kiên - người “khởi đầu” chuyện tự tử ở làng Groi, xã Kon Bla năm nay, tôi gặp 3 “đứa trẻ”. Cô bé lớn nhất, tên Đinh Thị Thoa, 20 tuổi nhưng người nhỏ xíu; cô bé nhỏ hơn là em của Thoa, tên Đinh Thị Yến, 14 tuổi; và một cô bé rất nhỏ, con gái đầu của Thoa mới sinh năm ngoái, đang chập chững đi.

Phía bên trong căn nhà, là ông ngoại của Thoa, đang vật lộn với căn bệnh tai biến. Còn ở khoảnh rừng hay vạt rẫy nào đó, là em trai út của Thoa - có thể đang cùng mẹ đi làm mướn cho người ta!

Kể từ khi anh Kiên tự tử, cả nhà Thoa vốn đã nghèo khó, càng thêm cùng kiệt. Thoa dù đã nghỉ học 3 năm trước đó, nhưng tạng người nhỏ thó, không làm lụng được gì nhiều. Rồi lấy chồng, rồi sinh con. Chồng Thoa cũng không nghề ngỗng, đất đai gì, chỉ là ai kêu gì làm nấy.

Đã nhiều lần, tất nhiên là thông qua anh Brươn, tôi ướm hỏi những nghĩ suy của Thoa về hiện tại và cả tương lai. Đáp lại là những cái nhìn đầy ngơ ngác. Hai ý niệm thuộc về phạm trù thời gian đó, hình như không mảy may trong tâm trí Thoa. Cô cúi người xuống, gọi con gái chập chững về phía mình. Tôi lại ngoái vào trong nhà, trống hoác và xác xơ, dù được xây bằng ximăng hẳn hoi!

Đến đây, tôi lại nhớ căn nhà đang là đống đổ nát của ông Đinh Jruk, sau khi vợ ông là bà H Nhoh treo cổ tự tử. Người Bana nói riêng, người đồng bào nói chung, liệt chuyện tự tử vào cái chết xấu, nên hễ có người tự tử trong nhà, họ sẽ đập nhà đi để làm nhà mới ở nơi khác. Ông Jruk là gia đình chính sách, sẽ được hỗ trợ làm lại nhà mới nên với ông, điều đó không là vấn đề.

Thậm chí, ông còn coi việc ở trong nhà phên nứa tạm bợ không là vấn đề. Mà vấn đề là gia đình của con trai ông. “Là sau khi bà Nhoh tự tử, con dâu bỏ về làng của nó cách đây vài cây số, cùng con cái. Nó nói nó không muốn sống ở đây nữa, nên về đó, và nói với con trai tôi là nếu muốn sống với mẹ con nó thì hãy về bên đó luôn. Nhưng thằng Nhon nó thương tôi, nó đi không đành, nó muốn ở lại để chăm sóc tôi. Thế là hai bên “chia” nhau” - giọng ông Jruk buồn buồn.

Từ “chia” mà ông Jruk nói, hiểu nôm na là hai bên đã đạt thỏa thuận về mặt… pháp lý, kiểu như ly hôn đúng luật, là sau này, ai đi lấy chồng cứ đi, ai đi lấy vợ cứ việc, không còn ràng buộc gì nhau cả!

Thế đấy, phía sau những cái tự tử đầy lãnh nhách, là những ngã rẽ đời người ở lại, đầy thăm thẳm, đầy xa xăm.

Nỗi đau chua xót nhất, là khi người lớn tự tử, những đứa trẻ sẽ bơ vơ.

Đi tìm nguyên nhân

Mặc dù thấy việc tự tử của người đồng bào đến từ những điều không đáng, nhưng thật khó để xác định đúng chính xác nguyên nhân để gọi tên “quy luật tự tử”.

“Vì chỉ khi nào mình nắm bắt được quy luật đó, mình mới tìm được giải pháp tối ưu nhất để giải quyết tình trạng đau lòng này” - ông Bát, Chủ tịch xã Kon Bla bày tỏ.

Điều đó thật khó, bởi chính ông Bát cũng là người Bana, mà còn khó khăn trong việc tìm kiếm quy luật đó thì người ngoài không dễ gì. Ở Kon Bla, gần như những vụ tự tử đều đến sau khi uống rượu. Rượu khiến họ không còn tỉnh táo, hoặc không còn sợ cái chết nữa, nên tìm đến tự tử quyết đoán hơn. Nói vậy, để thấy rằng riêng vấn nạn tự tử ở xã Kon Bla, nút thắt giải quyết vấn đề nằm ở chữ “rượu”.

Nhưng ở nơi khác thì sao? Như ở huyện Kon Chro chẳng hạn, là một câu chuyện rất khác. Chính vì rất khác đó, nên gần như năm nào huyện này cũng đứng đầu về số lượng người tự tử.

“Một điều phải thừa nhận, là người Bana bản địa ở đây có tính tự ái rất cao, lại thêm trình độ hạn chế nữa, nên nhận thức cuộc sống của họ không được đủ đầy. Vì thế mà, chỉ cần những mâu thuẫn nhỏ nhặt, là họ có thể tìm đến cái chết với suy nghĩ rằng đó là lối thoát duy nhất” - ông Đinh Thơ - Bí thư Đảng ủy xã Ya Ma bày tỏ.

Ở Kon Chro, một điều dễ nhận thấy con đường đi đến bế tắc trong cuộc sống của họ, là họ quá nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Thêm nữa, phần lớn họ đều là nông dân, luôn có sẵn thuốc bảo vệ thực vật mà họ quen gọi là thuốc cỏ cháy, nên vừa nghĩ đến điều dại dột là thực hiện liền, không có nhiều thời gian để đắn đo!

Những nguyên nhân được xem là dẫn đến việc người đồng bào tự tử, suy cho cùng, nếu cần minh định lại, mà phải nên thế, cũng chỉ ở mức tương đối mà thôi. Và những người làm công tác xã hội ở đây cũng đã thừa nhận rằng, thật khó để nắm bắt điều đó.

Nhưng có điều này thấy rõ được, là vấn nạn tự tử để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và cộng đồng như làm thiệt hại kinh tế, mà cả nhà anh Quang ở làng Groi tự tử là một ví dụ. Sau khi cả gia đình anh Quang mất, anh em của anh Quang bàn nhau bán đất đai, tài sản của anh Quang đã trả khoản nợ 40 triệu mà anh đã vay ngân hàng.

Tự tử làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người thân trong gia đình; đặc biệt là những đứa trẻ phải mồ côi cha mẹ, điều này tôi thấy được trong đôi mắt của chị em Thoa. Nguy hại hơn là nạn tự tử đã đe dọa tính gắn kết cộng đồng, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý xã hội.

Bởi trên thực tế, như lời ông Đinh Bát - Chủ tịch UBND xã Kon Bla, thì người trong làng rất ghét người… tự tử. “Vì nếu có người chết, họ phải mất 2 - 3 ngày công không đi làm, mà ở nhà lo phụ ma chay. Nếu là ốm đau bệnh tật hay điều gì bất khả kháng dẫn đến chết, thì họ còn cảm thông, chứ tự tử là điều họ không thích. Nhưng vì nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận, nên họ cũng đến chung tay lo hậu sự” - ông Bát nói.

Nếu ngoái nhìn về quá khứ, sẽ thấy rằng vấn nạn tự tử trong đời sống người đồng bào đã âm ỉ bao lâu nay. Chỉ là đôi lúc, trong vài ba năm nào đó, nó bùng phát lên dữ dội. Và “vài ba năm nào đó” là vài ba năm đã qua! Nhưng cái quan trọng hơn, là có những chuyển biến trong ý thức.

Như hôm vô làng Groi ở xã Kon Bla, tôi đến tìm gặp anh Đinh Bách, là anh vợ của anh Quang. Sau khi cùng các anh em lo hậu sự cũng như các khoản nợ mà vợ chồng anh Quang để lại sau khi tự tử, anh Bách luôn lấy đó làm bài học cho riêng mình. Có vẻ anh không hiểu biết nhiều, nhưng khi tôi đề cập, anh bảo rằng “mọi việc đều có cách giải quyết”. Hôm đó, anh đang sửa nhà cho con trai lớn của mình.

Khi lang thang ở làng Kuao, xã Nghĩa An (huyện KBang), tôi gặp chị Đinh Thị Thenh, người được người làng Kuao tỏ ra ngưỡng mộ. Vài năm trước, chồng chị là anh Đinh Lực đã uống thuốc cỏ cháy tự tử, khi mẹ con chị Thenh đang đi làm trên núi. Tưởng trong cơn đau buồn, chị Thenh dễ “đi” theo anh Thenh như nhiều trường hợp trước đó. “Nhưng mình thương con quá, nên ở lại” - chị Thenh kể.

Khi ấy, hai vợ chồng chị đã có 3 người con. Hiện, dù cuộc sống gia đình chị chưa khá giả, nhưng là nơi để nhiều người làng Kuao nhìn vào và học theo. Họ học cách chị vượt qua nỗi đau mất chồng; họ học chị cách vượt qua khó khăn về kinh tế. Điều đó, hơn một lần, tôi được anh Đinh Tết - cán bộ xã Nghĩa An gợi nhắc lúc chúng tôi nói chuyện.

Còn ông Nguyễn Văn Thảo - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cũng thừa nhận rằng chính gánh nặng kinh tế đã phần nào khiến cho người đồng bào cạn nghĩ lẫn cả nghĩ, mà tự tử. Vì lẽ đó, mà cán bộ xã này, nhiều năm qua, đã dành những ngày cuối tuần để xuống các làng giúp dân, hoặc chỉ đôi khi là nói chuyện cùng họ để nắm bắt vấn đề.

Đó là lí do vì sao mà ông Trương Văn Đạt - Bí thư Huyện ủy Kbang, thường hay trao đổi lại với các đoàn thiện nguyện, là thay vì cho dân cái ăn, cái mặc sẵn có, thì trao dân phương tiện để họ mưu sinh lâu dài. Vì chỉ có ổn định về kinh tế, mới giảm mạnh vấn nạn tự tử. Và, chỉ khi nào họ miệt mài lao động, những ý nghĩ ngây dại mới được xua đi. Như một nếp nghĩ khác, là xanh lại những vạt rừng đang hư hao. Dù biết, rừng xanh thi thoảng là dấu lặng buồn…

Theo Lê Xuân Thọ/Công an nhân dân
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm