Các nhà nghiên cứu đã trồng thành công cây chà là từ hạt giống 2.000 năm tuổi được tìm thấy tại các pháo đài cổ và hang động tại Trung Đông. Phát hiện này tiết lộ phương thức nhân giống chọn lọc của những người nông dân thời xưa và hé lộ bí mật về khả năng tồn tại qua hàng thiên niên kỷ của cây chà là.
Để trồng ra các cây chà là này, nhà nghiên cứu Sarah Sallon và các đồng nghiệp đã tập hợp hàng trăm hạt giống từ hai địa điểm: pháo đài Masada tọa lạc trên một cao nguyên nhìn ra Biển Chết, được xây từ thời Vua Herod và các hang động nằm xung quanh Biển Chết, từng được sử dụng làm kho chứa hàng và nơi ở.
Sau đó, 34 hạt có khả năng nảy mầm cao nhất được các ngâm trong nước ấm và phân bón dạng lỏng rồi đem trồng trong các chậu đất đã khử trùng. Kết quả có sáu hạt nảy mầm thành cây con. Những hạt giống nảy mầm thành công có độ dài vài cm, lớn hơn 30% so với giống cây ngày nay. Điều này cho thấy giống cây chà là cổ có kích cỡ lớn hơn đáng kể so với giống cây hiện đại.
Để chứng minh giống cây chà là mới có từ thời xa xưa, các nhà nghiên cứu đã thực hiện phương pháp định tuổi cacbon trên các mảnh vỏ hạt giống sau khi cây con đâm chồi. Theo đó, các hạt giống có niên đại từ 2200-1800 năm.
Phân tích di truyền học ban đầu trên hạt giống lâu năm cho thấy những người nông dân bản địa đã trồng được loại chà là tập hợp được nhiều đặc tính. Quả được mô tả là một loại quả to, ngọt, có thể bảo quản lâu ngày và là một loại quả quý được dùng để ban thưởng trong thời kỳ La Mã. Sau sự sụp đổ của đế quốc La Mã và cuộc chinh phạt của Ả Rập, việc trồng trọt cũng bị ngưng trệ và đến thời Thập tự Chinh (năm 1000 SCN), các đồn điền chà là đã hoàn toàn biến mất.
Các nhà khoa học đang lên kế hoạch thụ phấn cho các cây cái trồng từ nhóm hạt giống này trong tương lai gần, hi vọng chúng sẽ ra quả và các quả này có thể mang những đặc tính tốt hơn giống cây chà là hiện đại, chẳng hạn như ngọt hơn, kích cỡ lớn hơn và có khả năng kháng sâu hại.
Nghiên cứu giống cây này cũng giúp gợi mở phần nào về cơ chế tự bảo tồn DNA qua nhiều thế kỷ của cây chà là. Bởi lẽ, để hạt nảy mầm thành cây, DNA của hạt buộc phải còn nguyên vẹn. Quá trình tự bảo quản này ở cây chà là hiện vẫn còn là một bí ẩn đi ngược lại những kiến thức thu thập được về bảo quản gen ngày nay. Các nhà khoa học dự đoán một số yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình này bao gồm điều kiện môi trường nóng, khô của Biển Chết và kích thước bất thường của hạt.
Theo Phạm Nhật/KH&PT