Từ người mê cờ bạc đến bảng nhãn nổi danh 5 triều vua Lê
Khó tin những kiểu chết quái gở nhất lịch sử nhân loại / Nữ ma đầu xinh đẹp truyện Kim Dung: Lý Mạc Sầu đọ tài sắc Mai Siêu Phong
Hà Tông Huân (1697-1766) sinh ra tại làng Vàng, xã Kim Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. 15 tuổi, ông đã đỗ thi Hương. Đến khoa thi Đình năm 1724, đời vua Lê Dụ Tông, ông đỗ bảng nhãn. Vì kỳ thi này không có trạng nguyên, ông chính là người đỗ cao nhất, khi 28 tuổi.
Suýt bị cha vợ đánh vì mê cờ bạc
Thuở nhỏ, Hà Tông Huân cùng hai bạn học là Trịnh Đồng Giai và Đỗ Huy Kỳ tìm sang làng Bón tìm thầy học. Khi đến đầu làng, thấy có ông lão ngồi nghỉ dưới gốc cây đa, cả 3 vái chào rồi hỏi thăm nhà quan nghè làng Bón. Ông lão nghe vậy liền nói: “Tôi ra vế đối này, nếu các cậu đối được, tôi dẫn tới tận nhà quan, khỏi chỉ đường lôi thôi”.
Ông lão nói to: "Đi đường đất thịt trơn như mỡ". Đây là vế đối thể hiện cảnh tượng ngay trước mắt 3 cậu học trò, vì trời vừa mưa xong, đường làng trơn ướt.
Khi Trịnh Đồng Giai và Đỗ Huy Kỳ còn đang suy nghĩ, Hà Tông Huân đã đối rằng: "Ngồi tựa gốc đa mát thấu xương".
Vế đối chuẩn, câu đối chọi chữ, chọi ý tài tình. Nghe vậy, người kia vụt đứng bật dậy, khen giỏi rồi cười ha hả dẫn đường cho 3 cậu học trò. Vào đến nơi, cả 3 mới biết quan nghè Bón chính là ông.
Tranh minh họa Hà Tông Huân suýt bị bố vợ đánh vì mê cờ bạc. Nguồn: Báo Bình Phước.
Theo sách Việt sử giai thoại, quan nghè Bón tên thật Trần Ân Chiêm. Nhận thấy 3 học trò của mình tư chất hơn người, ông muốn gả 3 con gái cho và nghĩ ra cách kén rể.
Hà Tông Huân vốn ở làng Kim Vực, thầy lấy chữ Kim (vàng); Trịnh Đồng Giai xuất thân làng Ngọc Hoạch, thầy mới trích chữ Ngọc; Đỗ Huy Kỳ quê làng Thử Cốc, thầy mượn chữ Cốc (ngũ cốc), rồi gọi 3 con gái vào hỏi.
Có 3 món lúa, ngọc và vàng, mỗi con chỉ được chọn một thứ. Sau lời ông nghè, cô cả chọn lúa, ông gả cho Đỗ Huy Kỳ (sau đỗ thám hoa). Cô thứ chọn ngọc, ông gả cho Trịnh Đồng Giai (sau đỗ tiến sĩ). Riêng cô út chọn vàng, thầy gả cho người vùng Kim Vực (làng vàng), tức Hà Tông Huân, đỗ bảng nhãn.
Theo sách Công dư tiệp ký, trong 3 chàng rể của ông nghè Trần Ân Chiêm, Hà Tông Huân là người thông minh, mẫn tiệp hơn cả, nhưng lúc còn trẻ lại rất ham mê cờ bạc. Một hôm, biết tin con rể đi đánh bạc, cha vợ sai người đi tìm. Hà Tông Huân về ngang qua ruộng nhà thì thấy cha vợ và mấy người con trai đang làm lụng rất vất vả.
Cha vợ giơ đòn lên, toan đánh, nhưng rồi lại không nỡ, bèn ra cho vế đối, bảo phải lấy việc trước mắt mà đối, đối được mới tha cho. Vế đối như sau: "Học bác tài xa dự nhập tứ môn chi tuyển", nghĩa là học rộng tài cao, dự cả 4 kỳ thi tuyển.
Hà Tông Huân đối lại rằng: "Phụ canh tử nậu, kỳ thu bách mẫu chi công", nghĩa là cha cày, con bừa nên thu công cả trăm mẫu.
Dù lời đối chưa thật sắc sảo, cha vợ nghe thế cũng yên lòng nên tha cho.
Tuổi trẻ nghịch ngợm, tuy nhiên, sau khi thi cử đỗ đạt, trưởng thành, bước ra làm quan cho nhà Hậu Lê, Hà Tông Huân đã hoàn toàn thay đổi. Ông trở thành vị quan hết lòng vì nước, vì dân.
Vị bảng nhãn khiến phương Bắc kính nể
Theo Lịch triều hiến chương loại chí, vốn là người văn võ song toàn, Hà Tông Huân từng làm ở Viện Hàn lâm rồi làm Đốc đồng Sơn Nam, Đốc trấn An Quảng.
Trong những lần giải quyết công việc biên cương, ông luôn khiến người Trung Quốc phải nể phục. Dưới thời vua Lê Hiển Tông, ông được thăng làm Tả Thị lang bộ Hộ, sau làm Phòng sát sứ ở Tây đạo và Nam đạo.
Hà Tông Huân làm quan, trải qua 5 đời hoàng đế Hậu Lê, được trao những trọng trách như Binh bộ Thượng thư, Tham tụng (phó tể tướng), hàm Thiếu Bảo, tước Huy Quận công, là một trong 5 vị nguyên lão đại thần thời Lê Hiển Tông.
Bia ký của Hà Tông Huân. Ảnh: Hà Tộc Việt Nam.
Hà Tông Huân còn là nhà giáo giàu tâm huyết và đức độ, được không ít người đương thời coi là bậc tôn sư.
Năm 1745, ông được chúa Trịnh phong tham tụng trong phủ chúa và được phong tước Kim Khê bá. Sau đó, ông còn kiêm chức Tham đốc, có lần chỉ huy quân Tây đạo đi dẹp giặc ở vùng biên cương trấn Thanh Hoa. Thắng giặc trở về, ông được thăng làm Thượng thư bộ Binh, phong tước Huy Xuyên hầu và vẫn phụ trách công việc ở Quốc Tử Giám.
Năm 1760, khi tình hình Đàng Ngoài yên ổn, ông về hưu, được gia phong hàm Thiếu Bảo, tước Huy Quận công, lúc này đã 64 tuổi.
Cáo lão về quê, ông dựng một ngôi nhà bên sông, khi nhàn rỗi mời các cụ trong làng đến trò chuyện. Dù vậy, không lâu sau, chúa Trịnh Cương lại mời ông ra làm Ngũ lão cố vấn trong triều.
Năm 1766, Hà Tông Huân qua đời, thọ 70 tuổi, được tôn hàm Thái phó, nhân dân lập đền thờ, làm vế đối ca ngợi ông: “Sự nghiệp tam khôi thần báo trước / Văn chương bậc nhất được vua khen”.
Nhận xét về Hà Tông Huân, sử gia Phan Huy Chú viết rằng "ông bụng dạ thản nhiên, rộng rãi, không câu nệ việc nhỏ nhặt. Khi thi thố những công việc to tát việc gì cũng xong. Ở triều hơn 30 năm, làm tướng văn, tướng võ, công danh hiển hách, lại thích tác thành người hậu tiến, học trò của ông đỗ đạt rất nhiều".
Với tài năng và công danh nổi tiếng một thời, Hà Tông Huân trở thành người con ưu tú của quê hương Yên Thịnh, được xếp là một trong những “người phò tá có công lao tài đức” thời Lê trung hưng. Tên ông được khắc trên bia ký ở Ngọc Vực, hiện nay được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa. Tên ông cũng được dùng để đặt cho một số con đường ở nước ta. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách