Tục chia của cho người chết thể hiện qua các di chỉ mộ táng cổ ở Lâm Đồng
Xôn xao hình ảnh quái thú lạ bay trên bầu trời / Chuyện chưa kể về vị trạng nguyên cuối cùng của Việt Nam
Chia của cho người chết là một trong những nét độc đáo của các cư dân bản địa vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng riêng. Một số dân tộc ở Tây Nguyên vẫn thường quan niệm rằng thế giới bên kia không phải là một thế giới siêu phàm của thần tiên mà là một bản sao của thế giới thực như khi họ còn sống. Người chết cũng cần phải có đầy đủ các vật dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Chính vì vậy mà khi có người trong gia đình, dòng tộc mất, họ đều tiến hành phân chia của cải mang ra mồ cho người chết. Những tài sản được chia cho người chết bao gồm cả những đồ vật quý như chiêng, choé, vòng cườm, lục lạc đến các vũ khí, công cụ sản xuất như: lao, kiếm, xà gạt, xà bách… và các vật dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày như nồi, tô, chén bát. Số của cải này không quy định về số lượng mà tuỳ thuộc vào sự giàu nghèo của mỗi gia đình mà người chết cũng được chia khác nhau.
Đồ táng của nhóm đàn ông tại di chỉ Đại Làng |
Đồ táng xuất lộ tại di chỉ Đại Làng |
Ở Lâm Đồng, người ta còn thấy tục chia của được phản ánh khá rõ nét qua các di chỉ mộ táng cổ của cư dân bản địa có niên đại cách ngày nay từ 400 đến 700 năm. Tiêu biểu là di chỉ mộ táng Đại Làng (nay thuộc huyện Bảo Lâm) và di chỉ mộ táng Lộc Châu (thuộc địa bàn xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc).
Qua khai quật, các di chỉ mộ táng này cho thấy cách mai táng và các vật dụng được chia chôn theo người chết đã phản ánh đời sống sinh hoạt của các dân tộc bản địa Mạ, K’ho – chủ nhân của khu mộ.
Các vật dụng bằng sắt bao gồm: các loại vũ khí để săn bắt thú rừng và khi giao tranh giữa các bộ tộc như: lao và dao nhọn; các loại nông cụ như liềm để cắt cỏ, cắt lúa; rìu và xà gạt để chặt cây, phát rừng làm rẫy; xà bách để làm cỏ hoặc khoả đất lấp hạt, dao nhỏ để vót tre đan gùi,... Các công cụ của nghề rèn sắt như: đe búa; nghề dệt như: dọi xe chỉ… Các vật dụng được dùng trong nghi lễ tôn giáo như : xà gạt có mũi nhọn phỏng theo mỏ của con chim rừng, lục lạc nghi lễ… và các vật dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như nồi đất, nồi đồng, tô, chén, bát v.v…
Đồ trang sức bằng đồng bao gồm vòng, khuyên tai, nhẫn, lục lạc có kích thước, kiểu dáng mang đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên. Trong đó có những chiếc vòng bản rộng còn gọi là ốp tay có kiểu dáng và hoa văn giống vòng đồng Đông Sơn được người xưa sử dụng làm bao che cổ tay mà cách đây không lâu thanh niên Mạ ở Lâm Đồng vẫn còn dùng. Ngoài chất liệu chính bằng đồng còn có các hạt cườm bằng thuỷ tinh màu, đá thiên nhiên, mã não được mài nhẵn kết lại tạo nên những chuỗi hạt.
Nét độc đáo trong các di chỉ mộ táng còn thể hiện qua việc phân bổ các loại hình hiện vật trong các nhóm mộ. Giữa các nhóm mộ đàn ông và đàn bà đều có sự khác nhau. Với nhóm mộ đàn ông thì thường được chôn theo một số choé lớn, một số tô, bát, đĩa, vũ khí và nông cụ bằng sắt, lượng hiện vật ít và tập trung ở giữa mộ. Với nhóm mộ đàn bà thường được chôn theo đồ trang sức, vật dụng sinh hoạt bằng gốm sứ, dọi xe chỉ… Nhóm mộ này hiện vật chôn theo rất nhiều. Sự phân chia số lượng của cải, vật dụng sinh hoạt nhiều hay ít, theo loại hình ở từng nhóm mộ thể hiện sự phân công lao động rõ rệt trong xã hội của chủ nhân mộ cũng như quyền lực của họ trong gia đình, dòng tộc.
Với truyền thống lâu đời là nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà sàn, khi chết thì được chôn chung một mộ. Vì thế, các di chỉ mộ táng ở Lâm Đồng đã phản ánh rõ rệt phong tục này. Ở di chỉ mộ táng Đại Làng, quá trình khai quật các gò đất đắp, các nhà khảo cổ đã phát hiện có một số gò được chôn từ 2 đến 4 mộ. Điều đó chứng tỏ rằng đầu tiên người ta chôn các mộ riêng biệt trong cùng một khoảnh đất rồi sau đó phủ đất đắp lên thành một gò mộ chung. Hoặc ở di chỉ mộ táng Đại Lào, trong hố khai quật thứ 3, ở độ sâu từ 0,6m-1,8m có ba ngôi mộ được chôn chồng lần lượt lên nhau. Điều này thể hiện quan niệm: chủ nhân mộ khi sống thì cùng sống chung một nhà, khi chết cũng được cùng chung sống ở một thế giới mới.
Tục chia của cho người chết trước đây (vào những năm 80-90 của thế kỷ XX) vẫn còn tồn tại trong các cộng đồng cư dân bản địa Lâm Đồng và Tây Nguyên, nhưng hiện nay do tác động của cuộc sống hiện đại cùng với sự du nhập của các tôn giáo nên đã gần như mất đi, nó chỉ còn thể hiện một cách hết sức mờ nhạt qua việc người chết được chôn theo những kỷ vật hoặc trang sức mà con cháu mua tặng khi còn sống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách