Tình trạng xói mòn tự nhiên, sự phá hủy của con người và sự thiếu bảo vệ đồng nghĩa với tổng cộng 1.963,4km tường thành, vốn có niên đại hơn 2.000 năm, đã biến mất.
Chỉ 8% bức tường Nhà Minh, phần được xây dựng cách đây 700 năm và rõ thấy nhất thuộc công trình Vạn Lý Trường Thành, hiện còn trong tình trạng bảo tồn tốt, theo website của Nhân dân nhật báo.
Vạn Lý Trường Thành thực tế bao gồm nhiều cấu trúc khác nhau, được nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc cho xây dựng trải dài khắp miền bắc nước này và miên nam Mông Cổ suốt nhiều thế kỷ. Công trình này ước tính có chiều dài từ 9.012 - 21.195km, tùy theo những đoạn tường nào được tính gộp vào.
Tuy nhiên, đoạn tường nổi tiếng nhất hiện nay là bức tường Nhà Minh, được xây dựng từ năm 1368 đến năm 1644. Phần cấu trúc này trải dài gần 8.851,4km từ đèo Jiayu ở tỉnh Cam Túc tới khu vực Sơn Hải Quan ở tỉnh Hà Bắc.
Tờ Thời báo Bắc Kinh mới đây đưa tin, rất nhiều phần của Vạn Lý Trường Thành đang sụp đổ.
Kết quả một cuộc khảo sát do Hội Vạn Lý Trường Thành tiến hành, phát hiện, cây cối mọc trên các đoạn tường thành cũng như số lượng khách du lịch viếng thăm di sản thế giới được UNESCO công nhận này, đang làm gia tăng tổn hại đến công trình. Việc lấy trộm gạch từ các bức tường cũng tạo ra đe dọa lớn đối với việc bảo vệ công trình kiến trúc cổ.
Theo báo chí địa phương, gạch lấy từ Vạn Lý Trường Thành với các hình chạm khắc đặc trưng của Trung Quốc, đang được dân làng ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc nước này bán làm đồ lưu niệm, với giá 30 Nhân dân tệ (khoảng 4,8 USD)/viên. Thực trạng đáng báo động này vẫn diễn ra, bất chấp việc những người lấy cắp gạch từ công trình có thể bị phạt tới 5.000 NDT (805,9 USD) theo quy định của luật pháp Trung Quốc.