Khám phá

Vấp cục đá trên Sao Hỏa, robot NASA có phát hiện chấn động

Khi thám hiểm khu vực Gediz Vallis trên Sao Hỏa, Curiosity đã vô tình cán vỡ một khối đá nhỏ và phát hiện những tinh thể màu vàng kỳ lạ.

Clip: Cầy Mangut đối đầu chó dữ, kết cục cuộc chiến sinh tử này sẽ ra sao? / Clip: Hổ mang bị hai con cầy Mangut bao vây tấn công, kết cục khó tin nhất đã xảy ra

Theo Live Science, Gediz Vallis là một kênh đào khoét sâu vào sườn dốc của Núi Sharp ở trung tâm khu vực Gale Crater, nơi mà các nhà khoa học tin rằng là một thung lũng sông cổ đại, nơi sinh vật Sao Hỏa từng trú ngụ.

Còn Curiosity là con robot săn tìm sự sống dạng xe tự hành, đổ bộ lên Sao Hỏa từ năm 2012 và cực kỳ may mắn.

Lần này, cục đá nó vấp phải và làm vỡ chứa thứ mà các nhà khoa học luôn mong tìm thấy ở các hành tinh khác: Tinh thể lưu huỳnh.

Vấp cục đá trên Sao Hỏa, robot NASA có phát hiện chấn động- Ảnh 1.

Các tinh thể màu vàng nhưng quý hơn cả vàng đối với các nhà khoa học đã lộ ra trong cục đá mà bánh xe của robot Sao Hỏa Curiosity vô tình nghiền nát - Ảnh: JPL/NASA

Khi máy ảnh trên cánh tay robot tập trung vào thứ mà nó đã vấp phải, các nhà khoa học phát hiện ra những tinh thể màu vàng kỳ lạ lấp lánh giữa phần lõi mới lộ ra.

Thế nhưng, những tinh thể trong cục đá này quá nhỏ và mỏng manh để xe tự hành có thể xử lý đúng cách.

Curiosity đã dừng lại và tìm kiếm một tảng đá lớn hơn cùng loại. Lần này, mũi khoan đã tiết lộ các tinh thể màu vàng này đúng là lưu huỳnh nguyên chất.

Lưu huỳnh đã được phát hiện trên Sao Hỏa trước đây, nhưng chỉ kết hợp với các nguyên tố khác trong các hợp chất được gọi là sunfat.

Các nhà khoa học nghi ngờ có thể có lưu huỳnh nguyên chất ở đâu đó trên hành tinh đỏ nhưng đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy nó bên trong đá bề mặt.

 

"Nó không nên ở đó, vì vậy bây giờ chúng ta phải giải thích nó" - TS Ashwin Vasavada từ sứ mệnh Curiosity thuộc Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL) của NASA, cho biết.

Các bức ảnh chụp xung quanh vị trí 2 khối đá được phát hiện cũng cho thấy nhiều tảng đá lớn nhỏ cùng loại khác rải rác quanh đó. Các nhà khoa học NASA ví cánh đồng đá này như một "ốc đảo giữa sa mạc".

Lưu huỳnh là một trong 6 nguyên tố NCHOPS - tức bao gồm ni-tơ, carbon, hydro, oxy, phốt pho và lưu huỳnh - tạo nên cấu trúc cơ bản của các chất hữu cơ trong tự nhiên, trên Trái Đất.

Vì vậy, từ lâu các nhà sinh học thiên văn đã đi tìm chúng trên các thế giới khác, bởi ở đâu có chúng, ở đó có hy vọng tồn tại sự sống.

Đối với Sao Hỏa, NASA đã gần như tin chắc rằng nó có sự sống - ít nhất là đã từng có, nhưng tất cả đã tuyệt chủng.

 

Mặc dù vậy, tìm kiếm thêm những yếu tố hóa học liên quan đến sự sống và các điều kiện hỗ trợ sự sống, cũng như cách những nguyên tố đó tồn tại trên môi trường lạ lùng này, vẫn là tiến gần thêm một bước đến việc khẳng định hành tinh đỏ từng là một "Trái Đất thứ hai".

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm