Khám phá

Vén màn bí mật hội chứng tóc đổi màu đột ngột mang tên Marie Antoinette

Chỉ trong một đêm trước khi bị xử chém, hoàng hậu Marie Antoinette đã bạc hết cả mái đầu, tuy rằng năm ấy bà chỉ mới 37 tuổi. Vậy hiện tượng này có thật không hay chỉ là truyền thuyết.

Trong lịch sử nhân loại, không hiếm gì chuyện nhiều nhân vật vì quá suy nghĩ và lo âu mà thành ra bạc tóc. Điển hình là trường hợp hoàng hậu Marie Antoinette, vợ vua Louis 16 của Pháp trong giai đoạn cuộc Cách mạng năm 1789. Cả vua và hoàng hậu đều bị phế truất và đưa lên đoạn đầu đài.

Chỉ trong một đêm trước khi bị xử chém, hoàng hậu vì quá sợ hãi nên sáng ra bạc hết cả mái đầu, tuy rằng năm ấy bà chỉ mới 37 tuổi. Chính vì vậy mà ngày nay, y học đã gọi những người bị bạc tóc một cách đột ngột là mắc 'hội chứng Marie Antoinette'!

Hoàng hậu Marie Antoinette. (Tranh: Vigeé-Lebrun).

Mới đây,các nhà nghiên cứu tại Đại học New York đã có lời giải đáp cho hội chứng bí ẩn này. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một sự thật sinh học. Vì mỗi khi chúng ta gặp việc gì phải lo âu, căng thẳng, não sẽ tiết ra hormone ACTH (adrenocorticotropic) làm cho các tế bào gốc của da đầu thay đổi hoạt động.

Thông thường, các tế bào gốc này nằm ở cuối nang lông, có nhiệm vụ sản xuất melanocyte có chứa melanin mang màu cho tóc. Nhưng khi gặp căng thẳng, tia cực tím hoặc chấn thương, ACTH xuất hiện thì các tế bào gốc sẽ di chuyển lên bề mặt của da đầu để sửa chữa.

Và do phải tập trung vào nhiệm vụ phục hồi này, chúng đành giảm thiểu việc sản xuất melanocyte... làm cho tóc bạc, và tùy theo cường độ chấn thương, 'tiêu'có thể đột ngột trở thành 'muối'. Nhất là trong trường hợp căng thẳng, vì sự căng thẳng sẽ làm cho tế bào sắc tố của tóc bị suy sụp.

Nói chung, cho dù là đối với nam hay nữ thì những sợi tóc trắng cũng đều gây 'đau khổ'. Nhưng bù lại, công trình nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học College (London), Đại học Oviedo (Tây Ban Nha) và Lima (Peru) đã đem lại tin vui khi lần đầu tiên xác định được vị trí các bộ phận của gen có liên quan mật thiết đến các hoạt động bất thường của tóc.

Nghiên cứu trên DNA của hơn 6.000 người có nguồn gốc khác nhau, từ người Mỹ bản địa đến người dân châu Âu, châu Phi, họ đã xác định được một biến thể của gen là IRF4 có khuynh hướng làm cho tóc trắng. Màu sắc của tóc vốn phụ thuộc vào các tế bào melanocyte tạo ra sắc tố melanin rồi chuyển thành keratinocyte để tạo thành tóc.

Thế nhưng, phát hiện cho thấy có một đột biến di truyền đã tác động đến sự tái sinh và sự tồn tại của các tế bào melanocyte trong nang lông. Và ác hại thay, các nhà nghiên cứu còn phát hiện thêm một gen khác có tên PRSS53 liên quan đến việc rụng tóc cục bộ.

Với thành quả này, các nhà nghiên cứu đã dự báo về một liệu pháp đem lại cho mọi người mái tóc đen bằng việc chỉnh sửa lại gen. Vậy là từ nay, thay vì đến cửa hiệu nhuộm tóc, mọi người sẽ đến các trung tâm di truyền học tái lập trình DNA để đem lại mái tóc đen, biểu tượng cho tuổi trẻ và thời thanh xuân!

Theo Thiện Hải/Khám phá
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo