Khám phá

Vị quan thanh liêm thời Nguyễn khiến đạo tặc vì nể phục mà tránh xa

Nguyễn Văn Hiếu làm quan trải 4 đời vua Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông làm quan thanh liêm, đến kẻ gian còn kính trọng ông, tránh xa khỏi nơi ông cai trị.

Quan lại thời Nguyễn. (Ảnh qua Pinterest)

Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1746 ở Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay là Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Theo gia phả họ Nguyễn Đình, ông là cháu 12 đời của tướng quân Nguyễn Xí, trụ cột của nghĩa quân Lam Sơn, khai quốc công thần của nhà Lê. Nguyễn Văn Hiếu là con trai của Chưởng y cấm vệ Nguyễn Văn Đán, nhưng gia đình lại rất nghèo, thuở nhỏ ông phải cắt cỏ thuê để kiếm sống qua ngày.

Năm 1785, ông gia nhập quân Đông Sơn dưới quyền của Võ Tánh, một thuộc tướng của Nguyễn Ánh. Nguyễn Văn Hiếu kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, đến khi vua Gia Long lên ngôi thì ông được cử làm trấn thủ Bình Định, sau điều ra làm trấn thủ Sơn Nam Hạ (Nam Định ngày nay).

Ông làm quan thanh liêm, được người dân thời đó ca tụng. Trong cuốn “Đại Nam liệt truyện chính biên” (sơ tập, quyển 16) có chép rằng:

Nhà quan mà xơ xác, lương bổng năm nào chỉ đủ chi dùng cho năm đó, chẳng dư dả gì. Ông thường nghiêm cấm người nhà không được tự ý giao thiệp với người ngoài. Ngày lễ, tết, ai biếu gì cũng chối từ.

Khi vợ có đôi lúc nói về gia cảnh, ông nhắc nhở: “Phu nhân không còn nhớ thuở còn đi cắt cỏ ư ? Cái ăn cái mặc giờ đây gấp đôi gấp năm ngày xưa, vậy mà còn muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu ư?”Người vợ từ đấy không còn nói đến lợi lộc nữa.

Quan lại thời xưa. (Ảnh qua elib.vn)

Dù là quan võ nhưng ông lại có cốt cách của một bậc Nho gia, khiến nhiều sĩ tử yêu mến tài đức. Sau các kỳ thi, tân khoa đều đến yết kiến vị quan thanh liêm này. Sách “Gò Công xưa” chép việc Nguyễn Văn Hiếu dặn dò các tân khoa như sau:

Mười năm đèn sách mới có ngày nay, tôi xin mừng cho các thầy. Nhớ ngày sau được bổ dụng làm quan, cũng nên giữ gìn như lúc tân khổ, chớ có xa xỉ quá để mang tiếng xấu cho thân danh, và phụ ý tốt (tuyển chọn nhân tài) của triều đình.

Sự thanh liêm của Nguyễn Văn Hiếu còn ảnh hưởng đến cả đạo tặc. Sách “Đại Nam liệt truyện chính biên” có chép lại rằng:

Khi làm quan, ông được dân thương mến, lại nghiêm trị thuộc lại, nên họ đều sợ. Trong hạt nhiều trộm, ông Hiếu đến, bọn trộm bảo nhau rằng: “Ông trấn thủ là người nhân huệ, ta phải tránh đi.”

Trước một vị thanh quan như Nguyễn Văn Hiếu, những kẻ trộm cướp cũng rất mực kính nể. Người xưa nói “đạo tặc cũng phải có đạo”, quả là không hề sai lệch.

Quan lại hầu triều thời Nguyễn. (Ảnh qua)

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà Vua đi tuần Bắc Hà, nghe tiếng dân chúng ca ngợi Nguyễn Văn Hiếu làm quan thanh liêm, liền cho vời vào thành Thăng Long thăng chức vượt cấp, đồng thời thưởng một ống nhòm mạ vàng, một thanh gươm mạ vàng và một khẩu súng có nạm chữ vàng.

Giáp Tết năm 1823, Nguyễn Văn Hiếu được cử làm trấn thủ ở Thanh Hoa (tức Thanh Hóa ngày nay), các quan viên địa phương đều đến yết kiến ông. Tới dịp tết, một vị thổ ty đến yết kiến ông rất lâu, xong việc dâng cho ông lễ hậu, gọi là tết đến muốn biếu ông một ít “của núi rừng”. Nguyễn Văn Hiếu khước từ và bắt vị thổ ty này mang quà về.

Khi vị thổ ty này đang lừng khừng trước của nhà, thì một đày tớ ở dưới bếp chạy đến và nói dối rằng Nguyễn Văn Hiếu đồng ý lấy một nửa. Sau này Nguyễn Văn Hiếu phát hiện được thì rất tức giận, sai chém đầu người đày tớ, nhiều người khuyên can đến mấy cũng không được.

Xong việc này, Nguyễn Văn Hiếu lên triều trình bày và chịu tội trước triều. Vua cho rằng ông làm vậy để khuyến khích việc làm quan thanh liêm là đúng, nhưng việc giết đày tớ thì phạm luật, cho giáng ông ba cấp nhưng vẫn lưu chức cũ.

Quan lại thời Nguyễn. (Ảnh qua viviane-esders.com)

Sách “Gò Công xưa” kể rằng, một lần Nguyễn Văn Hiếu cùng các đồng liêu đi xét án, thấy có tên trộm đã thú tội rồi mà vẫn còn bị tra tấn. Ông bèn nói rằng:

Chúng nó vì cùng cực nên phải làm việc gian phi, đêm khuya soi tường khoét vách, khó nhọc mới lấy được tiền người ta. Nay nó đã nhận tội, thì cứ chiếu theo luật mà trị, hà tất phải vẽ vời thêm làm gì? Thử hỏi: Ở các nha môn, có những kẻ trên nhà cao, ngồi nệm, dựa gối; giữa ban ngày, vẫy ngòi bút mà làm tiền người ta không chút khó nhọc, các người ấy sánh với bọn ăn trộm kia, tội ai nặng hơn?

Nghe Nguyễn Văn Hiếu nói vậy ai nấy đều giật mình.

Năm Ất Tỵ (1835), Nguyễn Văn Hiếu mất. Năm Tự Đức thứ 5 (1851), ông được thờ ở miếu Trung hưng Công thần. Năm Tự Đức thứ 11 (1858), Nguyễn Văn Hiếu được thờ ở Hiền Lương Từ.

Dưới triều Tự Đức, không rõ năm, một hôm nhà vua phê vào giấy long đằng hai chữ Nguyên Lương, rồi sai người đem treo tại từ đường nhà ông. Từ đó, con cháu của ông đổi tên lót là Nguyễn Lương thay vì Nguyễn Văn.

Theo PV/Trí thức trẻ

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo