Khám phá

Vì sao lông chim quý thường có màu xanh?

Màu xanh tươi trên lông các loài chim quý không phải là màu tự nhiên của lông vũ mà là do hiệu ứng ánh sáng tạo ra khi bị phân tán trên bề mặt các lớp lông của chim. Làm thế nào để chúng có màu lông quý phái như vậy? Những loài chim nào được coi là 'Quốc điểu' của một số nước trên thế giới.

1001 thắc mắc: Vì sao chim không có răng, đậu trên dây điện mà không bị giật? / Kịch tính xem chim sẻ ngăn cản cặp sóc chuột hỗn chiến

Bề mặt các lớp lông chim được sắp xếp một cách ngẫu nhiên thành các cấu trúc phức tạp có khả năng phân tán ánh sáng. Chính hiệu ứng "tạo màu giả trên cấu trúc" này đã tạo ra màu xanh trên lông của các loài chim quý hiếm.

Con người cũng có khả năng tạo ra hiệu ứng "tạo màu từ cấu trúc bề mặt" như trên, song cả tự nhiên lẫn con người đều không thể tạo ra màu đỏ thông qua cơ chế quang học này. Một nghiên cứu mới đây đã giải thích hiện tượng loại trừ các bước sóng lớn và đưa ra các loại vật liệu thiết kế có thể tạo ra màu đỏ trên mắt của tất cả mọi người.

Các màu tạo thành từ cấu trúc bề mặt là các màu sinh ra từ các vi-cấu trúc trên bề mặt vật liệu. Ánh sáng khi phản chiếu từ các bề mặt này sẽ cộng hưởng khiến cho một số bước sóng (liên quan đến sự phân tách giữa các thành phần của cấu trúc) trở nên nổi trội hơn trong quá trình phân tán ánh sáng. Nếu như cấu trúc này có bố cục trật tự giống như các tinh thể, vật liệu tạo màu khi có ánh sáng phản chiếu sẽ tạo ra bề mặt "ngũ sắc" – tức là màu sắc thay đổi tùy theo góc nhìn của bạn.

Ngược lại, khi cấu trúc phản chiếu được sắp xếp một cách ngẫu nhiên (ví dụ như lông chim hoặc lớp vỏ trên một số loài bọ màu tím), màu sắc sẽ được giữ nguyên khi nhìn bất cứ góc độ nào.

Giáo sư Sofia Magkiriadou tại Đại học Harvard và các đồng nghiệp đã tìm ra rằng các bề mặt tạo màu không phụ thuộc vào góc nhìn không bao giờ tạo ra các sắc đỏ, da cam và vàng. Để tìm ra lý do, họ đã nghiên cứu ánh sáng phân tán từ một loại "kính photon" bao gồm nhiều hạt nhựa có kích cỡ khác nhau. Với các bề mặt có các hạt kích cỡ nhỏ – ánh sáng phản chiếu thu được chủ yếu bao gồm các bước sóng màu xanh tương ứng với sự phân tách từ hạt này sang hạt khác ở mức trung bình.

Ngược lại, với các hạt cỡ lớn, các sóng ánh sáng đỏ (do phân tán) được dự đoán sẽ tạo ra màu chủ đạo. Song, chúng lại bị bao phủ bởi một đỉnh sóng thứ hai màu xanh (bao gồm các ánh sáng đi vào từng hạt nhựa và phản chiếu trực tiếp lại). Sự phản chiếu ngược này thường thấy ở tia cực tím, nhưng lại xảy ra với các bước sóng nhìn thấy được trên các hạt lớn. Bởi vậy, để tạo ra các bề mặt có thể phản chiếu ánh sáng đỏ, theo các nhà khoa học tại Harvard, con người sẽ cần tạo ra các bề mặt có thể tránh hiện tượng phản chiếu ngược nói trên.

Những loài chim được chọn làm "Quốc điểu"

Chim oanh châu Âu - Anh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chim oanh châu Âu là loài chim nhỏ ăn côn trùng, sống ở vùng Tây Siberia, Bắc Phi và châu Âu (đặc biệt là nước Anh). Loài chim này rất dễ bị “nhận dạng” bởi chiếc yếm màu cam nổi bật trên bộ lông màu nâu xám. Truyền thuyết kể rằng, khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây thập giá, một chú chim oanh đã bay đến cạnh Chúa, hót khẽ bên tai để xoa dịu nỗi đau của Người. Máu của Chúa đã nhuốm đỏ phần ức chú chim. Từ đó trở đi, các chú chim oanh sinh ra đều mang dấu vết thiêng liêng ấy trên mình.

Chim oanh châu Âu có khả năng thích nghi rất tốt với môi trường sống. Chúng thích làm tổ trong những vật dụng bỏ đi như ấm nước, xô cũ... và rất thích lại gần khi người ta đang đào đất để kiếm giun. Đến với Anh quốc, ta có thể bắt gặp hình dáng nhỏ bé xinh xắn của chúng ở bất cứ đâu từ các khu rừng, nông trại, đến vườn nhà và công viên. Theo ước tính, chỉ riêng ở nước Anh đã có tới hơn 4 triệu cặp chim oanh thuộc loài này. Chúng được người Anh chọn làm loài chim biểu tượng của quốc gia sau một cuộc bình chọn (không chính thức) vào những năm 60.

Chim thiên đường - Papua New Guinea

Đất nước Papua New Guinea – quốc đảo xinh đẹp phía Tây Bắc châu Úc với hệ động thực vật vô cùng phong phú, đặc biệt là giống chim thiên đường. Khoác trên mình bộ cánh với đủ sắc màu sặc sỡ của vùng xích đạo: đỏ, cam, vàng, hồng, xanh dương, xanh lục... cùng chiếc đuôi dài thướt tha, những chú chim thiên đường trống đắm mình trong các “vũ điệu kết đôi” đầy quyến rũ để thu hút chim mái.

 

Papua New Guinea quả là xứ sở của chim thiên đường khi nơi đây sở hữu tới ba phần tư số loài chim thiên đường hiện có trên Trái Đất.

Lá cờ của Papua New Guinea với 5 ngôi sao, tượng trưng cho 5 đảo lớn và biểu tượng chim thiên đường bên góc phải.

Hồng hạc Ca-ri-bê – Bahamas

Bahamas – quốc đảo ở vùng biển Ca-ri-bê với khí hậu nhiệt đới vô cùng dễ chịu đã được loài hồng hạc chọn làm bến đỗ. Chúng sống thành các đàn rất lớn, nhiều khi lên tới hàng chục ngàn con ở những nơi nước nông có nhiều loại tảo, động vật thân mềm như hồ, phá, đầm lầy.

Hồng hạc có bộ lông đỏ cực nổi bật với nhiều sắc độ khác nhau, từ hồng nhạt tới đỏ son. Tuy nhiên, đây không phải màu lông bẩm sinh mà do một loại tảo xanh chúng ăn, có khả năng chuyển hóa lông thành màu hồng trong quá trình tiêu hóa.

 

Hồng hạc rất thích đứng trên một chân, có thể do tư thế này giúp chúng giảm sự tiêu hao thân nhiệt khi đứng trong nước, hoặc đơn giản đứng như vậy khiến chúng cảm thấy thư giãn và được nghỉ ngơi.

Không chỉ có bộ lông rực rỡ, hồng hạc còn sở hữu đôi chân dài thanh mảnh và lối bước đi “lững thững” - cực kỳ chậm rãi, nhẹ nhàng. Chúng sống ôn hòa, không có kẻ thù và gần như không bị săn đuổi. Loài chim duyên dáng, hiền hòa này đã được chọn làm biểu tượng của quốc đảo Bahamas, tượng trưng cho chính con người nơi đây.

Đại bàng đầu trắng - Mỹ

Trái với hồng hạc, đại bàng đầu trắng Bắc Mỹ lại có vẻ ngoài hùng dũng đầy sức mạnh với sải cánh dài hơn 2m, cặp mắt sắc bén và đôi vuốt cực khỏe. Bằng khả năng tấn công chính xác và những cú bổ nhào sấm sét với tốc độ lên tới 160km/h, chúng trở thành kẻ săn mồi thống trị vùng thung lũng.

Đại bàng đầu trắng sống đơn độc trên các đỉnh núi cao chót vót, tự do sải rộng đôi cánh lướt xuống thung lũng bên dưới hoặc vút lên bầu trời bát ngát phía trên. Một con đại bàng đầu trắng có thể sống tới 30 năm - tuổi thọ dài hơn nhiều so với các loài chim khác.

 

Những đặc tính đầy dũng mãnh trên đã khiến đại bàng đầu trắng trở thành biểu tượng lý tưởng cho sức mạnh và tự do của nước Mỹ.

Hình ảnh đại bàng đầu trắng xuất hiện trên đồng đô la, quốc huy nước Mỹ, huy hiệu của Tổng thống và nhiều cơ quan liên bang khác như Quốc hội, Thượng – Hạ viện, Pháp viện tối cao...

Đà điểu châu Úc – Úc

Tuy nhỏ hơn một chút so với người họ hàng châu Phi, nhưng đà điểu châu Úc (hay Emu) cũng có thể cao tới 2m và nặng 60kg. Chúng không thể bay lượn như những loài chim khác do cánh ngắn và xương ức yếu. Tuy nhiên, nhờ cặp giò cao, chắc khỏe, chúng lại trở thành những vận động viên ma-ra-tông cừ khôi của vùng đồng cỏ và sa mạc với vận tốc lên tới 50km/h.

Nhưng bạn biết không, loài “chim chạy” này còn có khả năng bơi khá tốt nữa đấy! Đà điểu Úc cũng nổi tiếng bởi tính tò mò và… dễ dụ. Chúng rất dễ bị thu hút bởi những âm thanh lạ hay các vật thể chuyển động vui mắt. Lợi dụng đặc điểm này, thổ dân châu Úc chỉ cần huýt sáo, hoặc buộc một chiếc khăn tay nhiều màu vào cây gậy rồi để nó bay phấp phới trong gió, là các chú đà điểu hiếu kỳ ngay lập tức sập bẫy.

 

Kangaroo và đà điểu là hai loài động vật luôn chạy hướng về phía trước, chỉ biết tiến chứ không biết đi lùi. Bởi vậy, người Úc đã chọn chúng làm biểu tượng quốc gia, đại diện cho sự tiến bộ và phát triển vươn lên của đất nước.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm