Giới nghiên cứu đã biết, các con muỗi cái sử dụng những bộ phận cảm biến đặc trưng quanh miệng của chúng để phát hiện cacbon điôxit do con mồi tiềm năng, bao gồm cả người và động vật, thở ra. Các bộ phận cảm biến nói trên thực chất là những tế bào thần kinh khứu giác tồn tại trong xúc tu hàm trên của muỗi. Chúng có thể bị vô hiệu hóa khả năng "đánh hơi" nếu tiếp xúc với một hóa chất có tên butyryl chlorid.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học California Riverside vừa phát hiện thêm rằng, muỗi cũng sử dụng chính những bộ phận cảm biến này để phát hiện mùi cơ thể người, đặc biệt là mùi chân, dù phảng phất nhất.
Họ đã lấy mẫu các mùi cơ thể người bằng cách yêu cầu những người tình nguyện chà xát chân hộ lên các hạt thủy tinh, rồi đặt chúng vào cùng một căn phòng. Kết quả là, các con muỗi thuộc hai giống Aedes aegypti và Anopheles gambiae gần như ngay lập tức nhận diện được và tiếp cận các hạt thủy tinh bốc mùi.
Để tìm hiểu xem liệu các bộ phận cảm biến cacbon điôxit có chịu trách nhiệm nhận diện các mùi của người hay không, nhóm nghiên cứu đã cho mỗi con muỗi một liều butyryl chloride trước khi thả chúng vào phòng chứa hạt ban đầu. Lần này, chỉ 1/5 số con muỗi có thể tiếp cận đúng những hạt chứa mùi chân người.
Toàn bộ kết quả trên đã được ứng dụng để kiểm tra hàng loạt thuốc đuổi muỗi sẵn có trên thị trường, cũng như xem liệu những hóa chất và mùi hương nào quyến rũ loài côn trùng hút máu này hiệu quả nhất. Nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng, các mùi bạc hà "hút" muỗi nhất, trong khi trái cây xanh có thể che giấu được mùi của người trong khoảng 5 phút.
Các nhà nghiên cứu tuyên bố, công trình của họ có thể được ứng dụng để tạo ra các sản phẩm trừ muỗi hoặc bẫy muỗi mới, giúp ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh sốt rét.