Chứng kiến những trò lố diễn ra trong lễ Chính trung tổ chức ngày 13/7, nhà thơ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, đã chua chát viết bài thơ 'Hội Tây'.
Lễ quốc khánh Pháp được tổ chức ở nước ta ngay sau khi
thực dân áp đặt chế độ bảo hộ. Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (NXB Đà Nẵng và Omega Plus xuất bản, 2020, Thanh Thư dịch), bác sĩ quân y Pháp Charles-Édouard Hocquard, đã ghi chép lại các diễn biến lễ quốc khánh Pháp tổ chức tại Nam Định năm 1884.
“Nam Định mang một vẻ đẹp huyền ảo: tất cả đường phố treo đèn lồng màu cờ Pháp, và trước mỗi ngôi nhà đều cắm cờ tam tài trên đầu một ngọn tre cao vút”, tác giả viết.
Việc treo cờ trong thành phố được thực hiện theo lệnh của quan Tổng đốc, dưới sự chỉ đạo của công sứ Pháp. Mỗi gia đình đều phải giương một lá cờ tam tài trước nhà và không nhà nào được thiếu sót. Bác sĩ Hocquard cũng tìm hiểu kỹ để biết, món tiền phạt năm mươi quan mà tổng đốc đã đe dọa những ai không thi hành mệnh lệnh và buộc nhiều người bằng mọi giá phải treo cờ. Trước cổng những ngôi chùa khá giả thì chăng vải lụa thêu hoa văn đẹp mắt, còn trước nhà quan tổng đốc thì treo lá cờ lớn An Nam tung bay giữa hai lá cờ tam tài.
Không chỉ trên các con phố dài thẳng tắp, cờ Pháp còn được treo trên bến cảng, trên sông, trên tất cả tàu thuyền, tất cả ghe nhỏ.
Đúng bảy giờ sáng, hai mươi mốt phát đại bác từ trong thành bắn ra báo khai mạc lễ hội. “Chúng tôi từng đoàn ra phố bất chấp nắng nóng”, bác sĩ Hocquard kể. “Mỗi bước chân chúng tôi lại được chào đón bằng hàng loạt pháo tép nổ tung tóe từ mọi hướng; những cây pháo này rất nhỏ và được nối với nhau thành một băng, tỏa khói mù mịt và nổ lẹt đẹt như tiếng xé vải. Đường phố đông nghẹt người, tới nỗi không nhúc nhích được nữa".
Bên bờ sông, dưới một mái rộng có bục tre treo trướng dành cho các sĩ quan của quân đội đồn trú và nhà chức trách An Nam ngồi xem các trò chơi dân gian do quan tổng đốc chuẩn bị, như leo cột mỡ, xích đu và sân khấu ngoài trời, với sân khấu múa rối, phường chèo, phường nhà trò…
Trò leo cột mỡ được mô tả chi tiết: “Các cột được bôi dầu dừa, trên đỉnh bày những xâu tiền đồng làm phần thưởng cho người thắng cuộc. Dân An Nam leo trèo thoăn thoắt, họ dùng hai chân như một bộ phận cầm nắm... Khi mệt, họ có thể ngừng nghỉ ngay trên cột bằng cách bấu lấy cột giữa ngón cái to bè, quặp vào trong, và những ngón chân khác”.
Chính vì chứng kiến những trò lố lăng diễn ra trong lễ Chính trung này, mà
nhà thơ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, đã chua chát viết bài thơ Hội Tây:
Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo:
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo. Bà quan tênh nghếch xem bơi trải, Thằng bé lom khom nghé hát chèo. Cậy sức cây đu nhiều chị nhún, Tham tiền cột mỡ lắm anh leo. Khen ai khéo vẽ trò vui thế, Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!
Còn nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhớ lại những ngày này, đã viết trong cuốn Nhớ gì ghi nấy (NXB Trẻ, 2004): “Ngày này, các quan ta góp tiền, mua đổ, để đến tết quan sứ (Công sứ Pháp, viên quan đứng đầu chính quyền thực dân ở các tỉnh)”.
Các trò chơi do thực dân Pháp tổ chức cũng được tác giả Bước đường cùng mô tả: Chúng mở hội cho công chúng dự. Nhiều trò thật đểu, như liếm chảo (dán đồng xu, hào vào lòng chảo, ai liếm được thì lấy). Lấy được tiền thì mặt nhọ nhem. Đập nồi, là treo ba bốn chiếc nồi lên một cái xà bắc ngang đường. Có cái nồi đựng tiền, nhưng có cái nồi đựng tro, có cái nồi đựng nước (thấy nói là nước giải). Ai đập nồi thì phải bịt mắt lại, ngồi trên xe, anh xe kéo qua đó, thì người ấy cầm gậy vụt vào nồi. Thường thì vụt không trúng, hoặc phải cái nồi không đựng tiền.
Trò chạy ếch, là trò để năm sáu con ếch trên xe cút kít. Năm sáu xe thi nhau, ai tới đích trước mà còn nguyên số ếch, thì được giải.
Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng ghi nhận một vài điều tích cực trong dịp lễ hội này: “Nhưng ở Thái Bình có trò múa cà kheo, thì thật đáng xem. Người đi kheo cao lênh khênh, ống quần đỏ thả trùm cả cái kheo cho đến đất. Rồi múa võ, tiến, lui, rất khéo. Dân làng Quang Lang dùng kheo để đi biển đánh cá. Nhưng đi kheo trên cạn mới thật tài”.
Theo Lê Tiên Long/Zing