Khám phá

Vì sao tháng 2 chỉ có 28 ngày mà không bù ngày 31 từ các tháng khác?

DNVN - Trong Dương lịch hiện hành, tháng 2 chỉ có 28 ngày và 29 ngày trong năm nhuận. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao không cắt bớt ngày từ các tháng có 31 ngày để bù vào tháng 2, giúp các tháng trở nên cân đối hơn? Câu trả lời liên quan đến lịch sử lâu đời của việc làm lịch từ thời La Mã cổ đại.

Lý giải nguyên nhân con người lại không tiến hóa theo cơ chế bất tử? / Vì sao trẻ sơ sinh được lấy dấu vân chân mà không phải vân tay?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trả lời Báo điện tử VTC News, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) – cho biết số ngày của tháng 2 hiện nay bắt nguồn từ cách tính lịch của người La Mã cổ. Dương lịch mà chúng ta đang sử dụng thực chất là lịch Gregory, được Giáo hoàng Gregory XIII ban hành vào năm 1582. Đây là phiên bản cải tiến của lịch Julius, được Hoàng đế Julius Caesar đưa vào sử dụng từ năm 45 trước Công nguyên.

Trước khi lịch Julius ra đời, người La Mã coi tháng 3 là tháng đầu tiên của năm và tháng 12 là tháng cuối. Họ không tính đến tháng 1 và tháng 2 do thời điểm đó thời tiết quá lạnh, không phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hay các hoạt động quân sự, nên không cần đặt tên hay đưa vào lịch.

Người La Mã cũng không đánh số tháng như hiện nay mà đặt tên riêng. Ví dụ, tháng 9 là September, xuất phát từ từ “Septem” trong tiếng Latin nghĩa là “thứ bảy”; tháng 10 là October từ “Octo” nghĩa là “thứ tám”; tháng 11 là November từ “Novem” nghĩa là “thứ chín” và tháng 12 là December, nghĩa là “thứ mười”.

Khi Julius Caesar cải cách lịch để phù hợp với chu kỳ Mặt trời mà các nhà thiên văn thời đó quan sát được, ông đã thêm hai tháng vào giữa tháng 12 và tháng 3. Ông cũng đặt tên tháng 7 theo tên mình là Julius, thay cho tên cũ là Quintilis (tháng thứ năm). Tháng 1 được quy định có 31 ngày, còn tháng 2 có 29 ngày trong năm thường và 30 ngày trong năm nhuận, để tổng số ngày trong năm là 365.

 

Sau đó, người kế vị Caesar – Hoàng đế Augustus – cũng muốn có một tháng mang tên mình. Vì vậy, ông đổi tên tháng Sextilis (tháng thứ sáu) thành Augustus (tháng 8 ngày nay là August). Tuy nhiên, Augustus không hài lòng khi thấy tháng 7 mang tên Julius có 31 ngày, còn tháng 8 của mình chỉ có 30 ngày. Dù số ngày trong năm không thể tăng thêm, ông vẫn quyết định lấy thêm một ngày từ tháng 2 chuyển sang tháng 8. Kết quả là tháng 8 có 31 ngày, còn tháng 2 chỉ còn 28 ngày trong năm thường và 29 ngày trong năm nhuận.

Chính câu chuyện lịch sử này không chỉ lý giải vì sao tháng 2 lại ngắn hơn các tháng khác mà còn giúp giải thích vì sao các tháng 30 và 31 ngày thường xen kẽ đều đặn – trừ tháng 7 và tháng 8, vốn là hai tháng duy nhất liên tiếp có 31 ngày.

Bảo Ngọc (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm