Vì sao Tôn Ngộ Không "lắm tài, nhiều tật" vẫn khiến nhiều người mê?
Tây Du Ký: Bí ẩn nhân vật duy nhất khiến Tôn Ngộ Không phải hoang mang khom mình / Chiếc vòng kim cô trong Tây Du Ký đáng giá bao nhiêu?
Tôn Ngộ Không là nhân vật ấn tượng và quan trọng nhất trong Tây Du Ký.
Câu chuyện về Tôn Ngộ Không là một giai thoại được nhiều thế hệ đều biết đến. Ban đầu chỉ là một con khỉ vô danh vô tính được sinh ra từ một hòn đá mang linh khí của trời đất, đến khi bái Bồ Đề làm sư mới được đặt tên là Tôn Ngộ Không, học được 72 phép biến hóa và cân đâu vân.
Với bản lĩnh tu luyện được, Ngộ Không ghé thăm Long Cung đoạt gậy Như Ý, uy hiếp Địa Phủ phá sổ sinh tử, đại chiến thiên binh náo loạn Thiên Cung và rồi bị giam dưới Ngũ Hành Sơn sám hối 500 năm.
Ngộ Không sau đó được Quan Âm điểm hóa, Đường Tăng giải thoát và thu nhận làm đại đồ đệ, lấy pháp danh là Hành Giả, bảo vệ Đường Tăng trải qua 81 kiếp nạn để đến được Tây Thiên thỉnh kinh, cuối cùng được phong làm Đấu Chiến Thắng Phật.
Như vậy có thể thấy tính cách của Ngộ Không rất phức tạp, có tốt có xấu, có ưu có nhược. Dưới đây là những ưu khuyết điểm của Ngộ Không mà được tác phẩm lột tả rõ nét nhất.
Ưu điểm của Ngộ Không
Tôn Ngộ Không rất dũng cảm, kiên định và căm ghét cái ác
Thứ nhất: Kiên định siêng năng, nhanh trí hơn người
Để học được pháp thuật, Tôn Ngộ Không đã kiên trì vượt biển, cần cù tập lễ nghĩa. Trong quá trình học nghệ luôn thể hiện tố chất thông minh, siêng học ham hỏi, trong thời gian ngắn đã luyện thành bản lĩnh thần thông.
Trên đường đi thỉnh kinh, Ngộ Không luôn là người dẫn đầu, xử lý khó khăn, chưa một lần chùn bước, luôn thể hiện được bản tính kiên định siêng năng. Trong lúc giao đấu với yêu quái, Tôn Hành Giả không phải kẻ dũng mãnh thất phu, mà luôn túc trí đa mưu, hành sự thận trọng.
Ví dụ, biết mình thủy tính không cao, Ngộ Không sẽ không lựa chọn giao đấu với yêu quái dưới nước. Hay trong kiếp nạn Bàn Tơ, hành động đổi chén trà với Rết tinh đã chứng tỏ được sự tinh ý và cẩn thận của Tề Thiên Đại Thánh.
Thứ hai: Căm ghét cái ác, anh dũng can đảm
Tôn Ngộ Không yêu ghét rõ ràng, căm hận cái ác, nhất là những yêu quái gây họa cho dân. Tôn Ngộ Không đã cứu thoát tính mạng của 1111 đứa trẻ ở nước Tỳ Khưu, hay tìm đủ mọi cách cầu mưa quận Phượng Tiên giúp dân chúng thoát nạn hạn hán.
Ba lần tức giận đánh Bạch Cốt Tinh vì lợi dụng thân xác người phàm. Bị Đa Mục Quái làm cho toàn thân tê dại vẫn không lùi bước. Như vậy có thể nhìn ra, căm ghét cái ác, anh dũng can đảm chính là ưu điểm rõ nhất của Ngộ Không mà không một ai có thể phủ nhận.
Thứ 3: Thiện ác phân minh, dám làm dám chịu
Tôn Ngộ Không bản tính lương thiện. Trong Tây Du Ký hồi thứ 14, vì nhìn thấy cường đạo ức hiếp thê tử phụ mẫu mà Ngộ Không ra tay đánh chết 6 tên cường đạo do không muốn bọn chúng tiếp tục làm hại người vô tội.
Trong hồi thứ 24 ăn trộm quả nhân sâm, Ngộ Không dũng cảm chịu phạt, không chối bỏ trách nhiệm, tìm thuốc cứu cây. Trong lúc đối đầu với thế lực tà ác, Tề thiên Đại Thánh không bao giờ sợ hãi, tâm niệm kiên định, không chịu lùi bước, thiện ác phân minh, dám làm dám chịu.
Tôn Ngộ Không cũng có không ít nhược điểm
Kiêu ngạo, ham hư danh là những nhược điểm lớn nhất của Tôn Ngộ Không.
Thứ nhất: Yêu thích hư danh, ham lợi trước mắt
Ngô Thừa Ân trong lúc xây dựng hình ảnh Tôn Ngộ Không đã suy nghĩ đến việc tính hai mặt của con người, thế nên ông đã để cho Ngộ Không mang thêm chút nhược điểm rất thực tế của xã hội lúc bấy giờ.
Ví dụ trong lúc Tôn Ngộ Không học võ nghệ, luôn muốn nhanh chóng học hết toàn bộ trong thời gian nhanh nhất, khi đạt kết quả lại thích khoe khoang biểu diễn để được mọi người tán dương dẫn đến việc bị Bồ Đề đuổi đi. Sau đó về Hoa Quả Sơn yêu thích hư danh xưng Mỹ Hầu Vương, rồi ham muốn quyền tước tự phong là Tề Thiên Đại Thánh.
Thứ hai: Bướng bỉnh bất phục, háo chiến háo thắng
Đại náo Thiên Cung là lúc Tôn Ngộ Không bộc lộ rõ bản tính này nhất, vừa hiếu chiến vừa có dã tâm. Bị giam dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm cũng vẫn bất phục, ngay cả khi bị Quan Âm Bồ Tát đeo lên đầu chiếc vòng kim cô vẫn còn có ý muốn đánh chết Đường Tăng. Trong lúc giao đấu với yêu quái gặp khó thường xuyên đi tìm chủ trách mắng đòi lý, không bao giờ nghĩ đến phương pháp pháp hòa giải.
Thứ ba: Cuồng vọng tự đại, nhân duyên cực xấu
Tự cho mình bản lĩnh thần thông, Tôn Ngộ Không luôn không coi trọng người khác. Hầu tử không những gọi Ngọc Hoàng Đại Đế là "Ngọc Đế lão nhi", thậm chí cả Phật Tổ Như Lai cũng dám coi thường.
Ngộ Không nghĩ Cân Đẩu Vân của mình là thiên hạ vô địch nhưng lại không thoát khỏi bàn tay của người ta và nhận hậu quả ra sao thì ai ai cũng biết. Cũng vì tính cách đó mà hình ảnh Ngộ Không trong mắt các Thần tiên cũng rất xấu, khiến ai nhìn thấy cũng phải tránh né.
Ví dụ như Diêm Vương hoặc Thái Thượng Lão Quân khi gặp đều có gắng tránh mặt. Các vị thần tiên ra tay giúp sức hàng yêu cũng đều là vì tuân lệnh hành sự. Ngay cả người anh em kết nghĩa Ngưu Ma Vương sau cũng trở mặt thành thù.
Với một nhân vật phức tạp như Tôn Ngộ Không, những bản tính bên trên chắc chắn là chưa đủ để miêu tả rõ nét toàn bộ chiều sâu của nhân vật này. Nhưng chính vì thế mà Tôn Ngộ Không mới để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem và trở thành một trong những hình ảnh kinh điển xuyên suốt mọi thời đại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo