Khám phá

Vì sao voi lại có đôi tai khổng lồ? Bí mật làm mát của “gã khổng lồ” trong thế giới động vật

DNVN - Nếu từng nhìn thấy một con voi châu Phi trong tự nhiên hay qua tài liệu, chắc chắn bạn sẽ ấn tượng với đôi tai khổng lồ vẫy qua vẫy lại của chúng. Nhưng ít ai biết rằng, đó không chỉ là điểm nhấn về ngoại hình – mà là một “vũ khí bí mật” giúp chúng sống sót trong cái nóng khắc nghiệt.

CLIP: Sư tử đực tung đòn chí mạng, hạ gục trâu rừng trong tích tắc / CLIP: Cuộc chiến sinh tử bên bờ đầm lầy, lợn rừng liều mình tấn công cá sấu cứu đàn con

Với chiều dài có thể lên tới 2 mét và rộng 1,2 mét, tai của voi châu Phi là đôi tai lớn nhất trong thế giới động vật. Dù voi châu Á sở hữu đôi tai nhỏ hơn và tròn hơn, cả hai loài voi đều dựa vào “cánh quạt sinh học” này để điều hòa thân nhiệt.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Làm mát bằng tai – cơ chế sinh tồn ấn tượng

Voi là loài động vật có thân hình đồ sộ, và điều đó đồng nghĩa với việc chúng sản sinh rất nhiều nhiệt. Nhưng không giống như con người, chúng không thể làm mát bằng cách đổ mồ hôi. Vậy chúng làm cách nào?

“Tai voi giống như những bộ tản nhiệt tự nhiên,” William Sanders, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Michigan, chia sẻ với Live Science. Đôi tai chứa mạng lưới mạch máu dày đặc, cho phép voi bơm tới 20% lượng máu trong cơ thể qua tai – nơi có lớp da cực mỏng. Khi voi vẫy tai, máu được làm mát nhờ không khí và sau đó tuần hoàn trở lại, giúp hạ nhiệt toàn thân.

“Chúng có khả năng kiểm soát việc mở rộng hoặc co mạch máu tùy theo nhiệt độ môi trường,” Advait Jukar, chuyên gia tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida, cho biết. “Đó là một cơ chế điều hòa thân nhiệt cực kỳ hiệu quả.”

 

Hóa thạch tiết lộ bí mật tiến hóa

Việc sử dụng tai để làm mát không chỉ là phỏng đoán. Dữ liệu hóa thạch cũng cho thấy tổ tiên của voi hiện đại – voi ma mút – có tai nhỏ hơn nhiều, nhất là khi chúng sinh sống ở các vùng lạnh giá như Siberia.

“Voi ma mút không cần đôi tai to để làm mát mà cần giữ ấm, vì thế chúng có tai nhỏ và bộ lông dày,” Sanders lý giải.

Không chỉ để làm mát – tai voi còn là ‘bộ đàm’ sinh học

Bên cạnh chức năng tản nhiệt, đôi tai khổng lồ của voi còn là công cụ giao tiếp và thính giác. Một số nghiên cứu cho rằng chúng giúp khuếch đại sóng âm tần số thấp – loại âm thanh mà voi sử dụng để giao tiếp qua hàng chục kilomet. Không chỉ tai, bàn chân của voi cũng có các thụ thể đặc biệt giúp cảm nhận rung động – như một hệ thống "truyền tin" độc đáo qua mặt đất.

 

“Voi không thể vẫy tay ra hiệu như con người, nên chúng sử dụng tai để biểu đạt cảm xúc và ý định,” Sanders nói thêm. “Khi một con voi đưa tai ra phía trước và vẫy mạnh, đó là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng: nó đang tức giận và có thể tấn công.”

Như Ý (Livce Science)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm