Khám phá

Vị tiến sĩ có thể ngửi mùi rắn đang ở gần mình

Từ tình yêu đặc biệt với loài rắn mà TS. Nguyễn Thiên Tạo, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) đã trở thành chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam.

7 điều đặc biệt về 'võ lâm minh chủ' Kim Dung mà bạn chưa biết? / "Quái vật" rùa siêu dị ở Tiền Giang

Cũng nhờ vào tài năng phân loại học về rắn, TS. Tạo đã cứu thoát không biết bao nhiêu nạn nhân bị rắn cắn, tưởng như đã không thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Bệnh nhân thoát chết nhờ "chuyên gia rắn"

Mỗi năm, cả nước có khoảng 30.000 trường hợp bị rắn cắn. Rất nhiều người dù đã đến được bệnh viện song vẫn tử vong, do bác sĩ không xác định được loại rắn nào cắn để điều trị.

Theo Ths. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), rắn cắn là nguyên nhân ngộ độc hàng đầu ở Trung tâm này. Có tháng, ngày nào cũng có người bị rắn cắn nhập viện. Việc xác định chính xác loại rắn cắn để cứu chữa là cực kỳ quan trọng, nhưng các thầy thuốc không thể làm được, nên phải nhờ các chuyên gia. Tuy nhiên, số người nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

TS. Nguyễn Thiên Tạo kể cho tôi nghe trường hợp bệnh nhân đầu tiên may mắn được cứu sống nhờ khả năng phân biệt rắn độc của anh. Đó là khi anh được mời tham gia đoàn làm phim của Mỹ đến Việt Nam làm phim về những nạn nhân bị rắn cắn.

Đoàn đến Trung tâm Chống độc đúng lúc có một bệnh nhân thập tử nhất sinh khi đã rơi vào trạng thái hôn mê, liệt toàn thân, phải thở máy.

Mẹ của nạn nhân cho biết đêm đó trời nóng nên con bà nằm ngủ dưới nền nhà cho mát. Nửa đêm nghe con gọi thất thanh, bà chạy ra thì thấy con đã bị khó thở không rõ nguyên nhân.

Khi được đưa đến bệnh viện huyện thì nạn nhân đã bị khó thở, chân tay tím đen, tim đập yếu ớt. Các triệu chứng đó khiến bác sỹ nghi ngờ nạn nhân sốc ma túy và đến chiều hôm sau thì được chuyển đến Trung tâm Chống độc.

Các bác sĩ ở Trung tâm chống độc xác định bệnh nhân bị rắn cắn nhưng không biết loại nào cắn để điều trị.

Thế là TS. Tạo đã vận dụng chuyên môn sâu về rắn ở Việt Nam để xác định: "Mẹ nạn nhân cho biết gia đình mới lát nền nhà, kết hợp với các thông tin diễn biến bệnh do bác sĩ cung cấp, tôi xác định nạn nhân bị nhóm rắn cạp nong cạp nia cắn. Vì đây là loài rắn sống ở bụi rậm, ao hồ và thích mùi vôi vữa. Khi bị loài rắn này cắn, bệnh nhân liệt toàn thân nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo. Có thể do nạn nhân ngủ trên nền nhà và vô tình chạm phải con rắn này".

Vị tiến sĩ có thể ngửi mùi rắn đang ở gần mình
TS. Nguyễn Thiên Tạo, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam.

Bệnh nhân cần phải truyền kháng huyết thanh nếu không sẽ tử vong. Nhưng khi đó, chỉ ở Thái Lan mới có loại này, và với giá không hề rẻ, trong khi gia đình người bệnh rất nghèo.

Trước sự nguy cấp của người bệnh, TS. Tạo và các thành viên của đoàn làm phim đã góp tiền rồi nhờ mua bên Thái Lan gửi về theo đường hàng không ngay trong ngày. Đêm đó, anh Tạo lên tận sân bay Nội Bài nhận thuốc, mang về rồi khẩn cấp dịch cách dùng cho các bác sĩ.

Cả đêm đó anh thấp thỏm trong sự lo âu căng thẳng, chỉ sợ bệnh nhân có biến chứng. Cho đến hôm sau, khi bác sĩ báo tin bệnh nhân đã cử động được ngón tay thì anh vui mừng như người thân của mình tái sinh. Một tuần sau, khi anh và đoàn làm phim trở lại, bệnh nhân đã ngồi dậy được.

Nhưng niềm hạnh phúc với TS. Tạo trọn vẹn hơn khi vài năm sau, quay lại Thạch Thất gặp nạn nhân, anh được biết người thanh niên này đã có một tổ ấm riêng.

Thành công của ca bệnh đã giúp cho các bác sĩ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TS. Tạo. Khi có người bị rắn cắn, Trung tâm chống độc mời anh sang tư vấn, hoặc gửi mẫu vật, chụp vết rắn cắn cho anh xem. Với sự hỗ trợ của một chuyên gia đặc biệt, 10 năm qua, đã có không biết bao nhiêu bệnh nhân thoát chết trong gang tấc.

 

Đam mê… rắn độc

Chính TS. Tạo cũng không ngờ có một ngày mình lại trở thành chuyên gia về rắn độc ở Việt Nam. Thậm chí, còn giành giải thưởng Công trình nghiên cứu xuất sắc về nghiên cứu đa dạng và bảo tồn các loài động vật có xương sống ở châu Á và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Kyoto, Nhật Bản với 45 công bố quốc tế.

Tốt nghiệp Khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên, anh mơ ước được làm những công việc "to tát" như công nghệ cao, tiến hóa. Nhưng rồi mong muốn có môi trường học tiếng Anh, có thêm kinh nghiệm thực tế, lại thỏa mãn thú vui đi đây đó, anh đã làm việc cho một dự án nghiên cứu về bảo tồn động vật hoang dã của một tổ chức nước ngoài ở Vườn quốc gia Cúc Phương.

Công việc của anh là hỗ trợ chuyên gia các nước sang rừng Cúc Phương làm việc. Mỗi chuyến đi đều vô cùng vất vả. Đi suốt đêm để thu thập mẫu, rồi chụp ảnh, ghi chép chi tiết từng mẫu vật… Ăn, ngủ nghỉ đều ở trong rừng. Những chuyến đi vừa vất vả vừa nguy hiểm vì những con rắn có thể ở trên cành cây, bụi rậm trên đường đi. Bởi thế, bị rắn cắn là "chuyện thường ngày ở huyện".

Từng có chuyên gia về rắn bị rắn độc cắn trong rừng, phải chặt bỏ ngón tay để bảo toàn tính mạng. Chính anh cũng từng vài lần bị rắn độc cắn, may mà nhờ biết cách xử trí nên không để lại hậu quả gì. Nếu không đủ đam mê và lòng dũng cảm, chắc chắn không thể làm được công việc này.

 

Mới đầu, anh hoàn toàn không biết mình được làm việc cùng các chuyên gia hàng đầu thế giới về động vật học, chỉ thấy rằng, mỗi ngày đi cùng họ là có thêm bao nhiêu kiến thức thú vị về loài bò sát mà không phải ai cũng có.

Niềm say mê từ các chuyên gia truyền sang anh từ khi nào chẳng rõ, đến mức, nhiều khi mọi người đã nghỉ mà anh vẫn còn quan sát, chụp ảnh, ghi chép….

Anh cũng không hề biết rằng, ánh mắt, sự chăm chú lắng nghe và ghi chép tỉ mỉ mỗi khi các chuyên gia trao đổi cùng sự xông xáo trong công việc của anh đã để lại ấn tượng đặc biệt với GS. Nicolai Orlov, người mà sau này anh mới biết là chuyên gia đầu ngành về rắn.

Chuyến đi 40 ngày cùng các chuyên gia của Viện Hàn lâm khoa học Nga kết thúc, anh Tạo rất bất ngờ khi GS. Nicolai Orlov hỏi anh có yêu thích công việc phân loại học về rắn không?

Thế rồi, ông không chỉ dạy anh cách phân loại rắn mà còn tặng anh một chiếc máy ảnh Nikon "xịn" để chụp hình các mẫu vật. Với một cậu sinh viên nghèo chưa có việc làm ổn định, thì món quà ngang giá một chiếc xe máy ấy thật sự là một giấc mơ.

 

Vị tiến sĩ có thể ngửi mùi rắn đang ở gần mình
TS. Nguyễn Thiên Tạo nghiên cứu những mẫu vật về rắn và nọc độc của rắn.

Chính tấm lòng cùng tài năng của vị giáo sư đã thôi thúc chàng trai trẻ tiếp tục đi sâu vào công việc mà dường như mọi người chỉ nghe thôi đã sởn da gà. Từ đó, mỗi lần sang Việt Nam, người đầu tiên GS. Nicolai Orlov gọi là anh. Bởi ông luôn muốn có một người trợ giúp đắc lực, thông minh, tận tụy, đam mê công việc.

Anh Tạo kể, được làm việc cùng các chuyên gia nổi tiếng thú vị vô cùng. Anh học được từ kỹ năng đi rừng, cách thu thập tư liệu, đến kiến thức phong phú về rắn với tập tính từng loài: Loài nào chuyên sống trên cây, loài nào ở dưới đất; loài nào độc, loài nào không. Riêng rắn lục ở trên cây cũng có loại độc, có loại không.

Thậm chí, vào mùa sinh sản của rắn, anh còn ngửi được mùi để biết có rắn đang ở gần mình! Thậm chí, tình yêu trong anh với loài động vật mà đa phần mọi người rất sợ này cứ lớn dần. "Mỗi con vật đều tồn tại một sứ mệnh. Đặc biệt, những con rắn còn giúp dự báo thời tiết, biến đổi khí hậu. Vì thế, nghiên cứu, tìm hiểu về chúng và phát hiện những loài rắn mới ở Việt Nam cho khoa học là điều hết sức lý thú" - TS. Tạo chia sẻ.

Những nghiên cứu sâu về rắn là cơ sở để anh Tạo giúp cho nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn thoát chết. Anh Tạo tâm sự, bác sĩ có chuyên môn cứu bệnh nhân, nhưng không hiểu biết về rắn độc nên có thể chẩn đoán nhầm. Vì thế, sự hỗ trợ của chuyên gia về rắn rất quan trọng.

Hầu hết nạn nhân bị rắn cắn là người nghèo; trong khi, để xác định chính xác độc tố, phải làm rất nhiều xét nghiệm và điện não đồ, vừa tốn kém vừa mất thời gian. Chi phí mua huyết thanh kháng độc cũng 20-30 triệu đồng, mà nếu truyền không đúng huyết thanh loài rắn cắn, vẫn có thể tử vong.

 

Bằng chuyên môn của mình, TS. Tạo có thể xác định được loài rắn độc nào đã cắn để bác sĩ sớm đưa ra phác đồ điều trị, giảm thiểu chi phí mà tăng khả năng cứu sống bệnh nhân.

Theo TS Tạo, Việt Nam có hơn 200 loài rắn, khoảng 25% là rắn độc. Thế nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hầu hết các loại huyết thanh, khiến chi phí điều trị cao. Vì thế, TS. Tạo đang phối hợp với các chuyên gia chống độc của Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị nghiên cứu để chế tạo huyết thanh chữa trị rắn cắn.

Theo vietnamnet.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm