Võ sư Việt Nam duy nhất 'nổi tiếng hơn Lý Tiểu Long', được liệt vào hàng 'huyền thoại', từng chi 15 cây vàng mua trang bị tặng cho ngành Thể thao
Lý giải về cơ lưng đẳng cấp “hình cây thông” của Lý Tiểu Long / Bí mật về chiếc xe sang được Lý Tiểu Long yêu thích
Ông là con trai của cố Giáo sư Hoàng Minh Giám, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (giai đoạn 1947-1954) và Bộ trưởng Bộ Văn hóa (1954-1976); ông ngoại là đại thần nhà Nguyễn - Cao Xuân Dục.
Khi còn trẻ, ông từng là vận động viên nhảy cao nam số 1 Việt Nam với thành tích 1m96. Năm 1968, ông được cử sang Kiev (Liên Xô) học chuyên ngành Quản lý thể thao tại Đại học Thể dục Thể thao Kiev, cùng thời với chuyên gia bóng đá Trần Duy Long. Trong thời gian này, ông đã trở thành người Việt Nam đầu tiên áp dụng kỹ thuật nhảy qua xà bằng lưng, thành công vượt qua mức xà 2m01.
Sau này, ông nổi tiếng với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam và là một nhà quản lý, hoạch định chiến lược tài ba của thể thao nước nhà... Người được nhắc đến chính là ông Hoàng Vĩnh Giang (1946-2021).
Rất ít người biết rằng, bên cạnh vai trò là một nhà hoạt động thể thao, ông Hoàng Vĩnh Giang còn là một võ sư danh tiếng, được bạn bè và môn sinh ở Liên Xô cũ liệt vào hàng huyền thoại của môn phái Vịnh Xuân Quyền.
Nổi tiếng hơn Lý Tiểu Long
Võ sư Hoàng Vĩnh Giang khi còn trẻ. Ảnh: Sưu tầm
Trước khi trở thành Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang đã là một võ sư Vịnh Xuân nổi tiếng. Thậm chí, danh tiếng của ông ở Liên Xô từng có thời điểm còn nổi bật hơn cả Lý Tiểu Long.
Vào mùa xuân năm 1978, ông Hoàng Vĩnh Giang đã mở lớp dạy võ Vịnh Xuân đầu tiên ở Liên Xô, với hơn chục môn sinh, bao gồm anh em nhà Georgy Kuzmin, Vitaly Minenko và khoảng 5-6 đệ tử khác, Vladimir Ilarionov - nhà vô địch tuyệt đối Liên Xô môn Karate đến từ Leningrad, Yury Vyalkov đến từ thủ đô Alma-Ata của nước Cộng hòa Kazakhstan xa xôi...
Đặc biệt, trong số này có Vladimir Platonov, khi đó đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Kiev, nơi ông Hoàng Vĩnh Giang làm nghiên cứu sinh.
Cũng trong năm 1978, ông cùng một số môn sinh thân tín lên Moskva để tìm cách phát triển võ Vịnh Xuân tại thủ đô Liên Xô.
Sư phụ Hoàng Vĩnh Giang và các môn sinh. Ảnh: Phan Việt Hùng/Báo Vietnamplus
Với tài ngoại giao, thông thạo nhiều ngoại ngữ và kiến thức võ học dày dặn, ông nhanh chóng thu hút được nhiều môn sinh tại Moskva, nơi đang có phong trào tập luyện võ thuật phương Đông.
Lớp học của ông không chỉ hấp dẫn vì những kỹ năng thượng thừa, mà còn nhờ cách ông truyền đạt tới các môn sinh, cũng như việc giới thiệu môn võ Vịnh Xuân thông qua những câu chuyện văn hóa, lịch sử và cả tiểu thuyết võ hiệp.
Sau một thời gian chỉ dạy cho vui, ông Hoàng Vĩnh Giang bắt đầu thu học phí nhưng không phải để kiếm tiền riêng. Số tiền ấy, khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh, ông đã dùng để mua lại các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao của Trường Đại học Thể dục Thể thao Kiev.
Với sự giúp đỡ của Hiệu trưởng Platonov, ông Hoàng Vĩnh Giang đã đưa về Việt Nam 2 container chứa đầy trang thiết bị của các môn Đấu kiếm, Boxing, Judo, Đấu vật, Karate... trị giá ước tính khoảng 15 cây vàng để tặng cho ngành Thể thao nước nhà.
"Cây đại thụ" của Việt Nam
Hành trang mà võ sư Hoàng Vĩnh Giang mang về nước không chỉ là trang thiết bị. Ông chính là người đưa môn Đấu kiếm đến Việt Nam, đồng thời mở đường cho sự phát triển của các môn võ thể thao sau này.
Ông bắt đầu khơi dậy phong trào từ miền Nam, nơi từng phát triển môn Đấu kiếm từ thời Pháp và vẫn còn các trọng tài quốc tế nhưng không thành công. Sau đó, trở lại miền Bắc, vị võ sư này quyết định tự mở lớp và sử dụng chính những trang thiết bị mang từ Liên Xô về. Ông Hoàng Vĩnh Giang đích thân đứng lớp với khoảng 200 môn sinh.
Sau Đấu kiếm là đến Judo, Đấu vật rồi Boxing lần lượt được khôi phục nhờ nỗ lực vận động phong trào của võ sư Hoàng Vĩnh Giang.
Không chỉ có võ thuật, võ sư Vịnh Xuân từng giữ kỷ lục quốc gia môn nhảy cao còn góp công lớn trong việc phát triển nhiều môn khác của thể thao Việt Nam. Ông được xem là "cha đẻ" của chiến lược đi tắt đón đầu, giúp thể thao Việt Nam có bước nhảy vọt ở SEA Games 22, tạo đà vươn tầm ở đấu trường khu vực, châu lục trong những năm sau đó.
Ông Hoàng Vĩnh Giang được coi là "cây đại thụ" của thể thao Việt Nam. Ảnh: Sưu tầm
Ông chính là người đã đưa các HLV nổi tiếng Phan Hán Quang, Trần Húc Hồng, Ngô Thanh Vỹ, Lư Kiến Thành, Giả Quảng Thác, Suhartono, K. Pizma, N. Alexev… đến với Việt Nam.
Đến giờ, ông là nhân vật duy nhất của thể thao Việt Nam được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2006). Ông cũng từng được trao danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2010; năm 2004, được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tại sao chim không thể ‘bén mảng’ đến Tử Cấm Thành? Không phải mê tín mà có cơ sở khoa học!
Loại gỗ quý hiếm đắt nhất thế giới giá 300 triệu/m3, luôn 'cháy hàng' vì được cả thế giới săn lùng
Không phải Đường Tăng hay Bồ Tát, đây mới là người đặt tên cho Sa Tăng
Một loại cây tại Việt Nam đứng vững trong siêu bão, chỉ cần nhắc tên ai cũng thấy quen thuộc
Sự khác biệt của các danh 'Đế', 'Tổ', 'Tông' trong tên của hoàng đế là gì?
Đến Bồ Tát cũng bó tay, chỉ có Phật Tổ mới phân biệt được Tôn Ngộ Không thật - giả, vì sao vậy?