Vụ thanh trừng dã man của Hồ Quý Ly gây căm phẫn
Doanh nhân Việt chi tiền tỷ mua “vua bonsai” từ Nhật về ngắm / Bí ẩn những nghi thức "động phòng hoa chúc" của vua chúa thời xưa
Trước khi soán ngôi nhà Trần, lập nên nhà Hồ, Hồ Quý Ly đã thao túng quyền lực trong triều đình nhà Trần suốt nhiều năm, gây ra nhiều hận thù, oán thán. Trong đó đặc biệt phải kể đến những vụ thanh trừng dã man các đối thủ chính trị cản bước mình, độc ác không kém gì màn trả thù Tây Sơn của Gia Long Nguyễn Ánh sau này.
Sát hại quần thần đời Trần Phế Đế
Ảnh minh họa.
Trong những ngày trị vì cuối đời của Trần Phế Đế, không ít quý tộc và quan lại của triều đình tỏ ra căm ghét Hồ Quý Ly. Họ muốn trừ khử Hồ Quý Ly nhưng lại không biết chung lưng sát cánh để bàn mưu tính kế với nhau, bởi vậy, tất cả đều bị Hồ Quý Ly lần lượt thủ tiêu. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 12-a) chép rằng:
“Trước đó, theo lệ cũ ở các đài, sảnh, chỉ các quan từ chức Đồng bình chương sự trở lên mới được ngồi ghế sơn đen có tựa. Bấy giờ, Trang Định Đại vương Trần Ngạc làm Thái úy, Lê Quý Ly (tên gọi trước của Hồ Quý Ly) làm Đồng bình chương sự.
Quan trị thẩm hình viện là Lê Á Phu nói với Ngạc bỏ ghế của Quý Ly đi, không cho ngồi cùng nữa. Ông lại bí mật tâu vua giết Quý Ly. Cơ mưu bị lộ mà thất bại, bọn Lê Á Phu, Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Nguyễn Bát Sách, Lê Lặc, và người học sinh được tin yêu là Lưu Thường đều lần lượt bị giết cả”.
Trong số những người chống đối, chỉ có Lê Dữ Nghị là được Hồ Quý Ly tạm cho tha chết, bắt phải tội đi đày, sau cũng vờ cho phục chức, nhưng rồi lại bị Hồ Quý Ly khép vào tội kết bè kết cánh mà giết đi.
Nguyễn Bát Sách thì hoảng sợ mà bỏ trốn, Hồ Quý Ly không thèm đuổi mà cho người bắt giam mẹ của ông. Vì thương mẹ già bị tù tội mà Nguyễn Bát Sách phải ra hàng, rốt cuộc cũng bị Hồ Quý Ly giết nốt.
Trong hoàng tộc lúc ấy, chỉ có Trang Định Đại vương Trần Ngạc (con của Thượng hoàng Nghệ Tông) là người tỏ vẻ căm ghét Hồ Quý Ly ra mặt. Trước đó, chính Trang Định Đại vương đã mật bàn với nhà vua Trần Phế Đế về việc giết Hồ Quý Ly, nhưng Hồ Quý Ly không bị giết, ngược lại nhà vua bị Thượng hoàng giết chết.
Trang Định Đại vương Trần Ngạc chỉ được tạm yên thân một thời gian ngắn. Đến tháng 6 năm Tân Mùi (1391) ông cũng bị Hồ Quý Ly lập mưu giết chết.
Bức tử Vua Trần Thuận Tông
Ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly bức vua Trần Thuận Tông (con rể Hồ Quý Ly) phải nhường ngôi cho con là Thái tử An, để rồi ngay sau đó đã tạm bố thí cho Thuận Tông một tước hiệu thật hài hước là Thái thượng nguyên quân Hoàng đế ! Song, để tiện trong giao tiếp thường ngày, Quý Ly cứ gọi tắt là Nguyên Quân.
Năm ấy, Trần Thuận Tông mới 20 tuổi. Đến tháng 4 năm sau (Kỉ Mão, 1399), Hồ Quý Ly lại cưỡng bức Thuận Tông phải rời kinh thành Tây Đô mà ra tận Quảng Ninh để tu luyện phép thuật của Đạo giáo. Chuyến đi Quảng Ninh năm ấy cũng là chuyến đi vào cõi vĩnh hằng của vị vua trẻ tuổi này. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 33-b) viết:
"Mùa hạ, tháng 4, Quý Ly cưỡng bức Vua phải xuất gia thờ Đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh thuộc thôn Đạm Thủy (nay thuộc Đông Triều, Quảng Ninh), lại còn mật sai Nội tẩm học sinh là Nguyễn Cẩn đi theo để trông coi.
Vua hỏi rằng : "Ngươi theo hầu ta là muốn làm gì chăng?". Cẩn không nỡ trả lời. Quý Ly làm bài thơ bảo Cẩn rằng : "Nguyên Quân (chỉ Nhà vua) không chết thì nhà ngươi phải chết".
Nguyễn Cẩn bèn dâng thuốc độc. Vua không chết. Lại dâng nước dừa và không cho ăn mà Vua vẫn không chết. Đến đây, sai Xa kị vệ thượng tướng quân là Phạm Khá Vĩnh thắt cổ cho chết".
Vụ tru di lớn nhất thế kỷ XIV
Trần Thuận Tông bị giết rồi, triều thần chán nản, ai cũng căm ghét Hồ Quý Ly, kể cả những người từng có mối quan hệ chí thiết với Hồ Quý Ly. Bởi sự căm ghét đó, họ đã cùng nhau bàn mưu tính kế để giết Hồ Quý Ly.
Tiếc thay, mưu lớn không thành, để đến nỗi tất cả đều phải chết một cách thê thảm trong vụ tru di diễn ra vào năm Kỉ Mão (1399). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 34 a-b) đã ghi lại sự kiện này như sau:
“Sự việc bị phát giác. Bọn tôn thất Trần Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm ông Thiện, Phạm Ngưu Tất... và các liêu thuộc, thân thích, gồm hơn 370 người đều bị giết và tịch thu tài sản.
Con cái họ, gái bị bắt làm nô tì, trai từ một tuổi trở lên thì hoặc bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. Quý Ly sai lùng bắt dư đảng liền mấy năm không ngớt.
Người quen biết nhau chỉ đưa mắt ra hiệu chứ không dám nói chuyện với nhau. Nhà dân không được chứa người đi đường xin ngủ trọ, hễ có người ngủ trọ thì phải báo nhà láng giềng để cùng nhau xét hỏi giấy tờ, hành lí và lí do đi qua để làm chứng cứ bảo lãnh. Các xã đều đặt điếm tuần canh, ngày đêm tuần tra canh giữ. Lễ minh thệ từ đó không cử hành nữa.
Khát Chân người Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), ba đời làm tướng quân. Người đời truyền rằng, Khát Chân khi sắp bị hành hình, lên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng, chết qua ba ngày mà sắc mặt vần như khi sống, ruồi nhặng không dám bâu. Sau, nếu có hạn hán, cầu mưa là được ứng nghiệm ngay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 2 con chó nhà 'đại chiến' với rắn hổ mang chúa 'khủng' và cái kết
CLIP: Liều lĩnh tấn công sư tử, linh dương đầu bò nhận cái kết gây 'sốc'
CLIP: Người đàn ông dùng miệng ngậm rắn hổ mang nhưng cái kết mới gây chú ý
CLIP: Thấy đồng loại bị cá sấu tấn công, sư tử lao vào giải cứu và cái kết khiến người xem 'thót tim'
CLIP: Đang ân ái, lợn rừng bỏ mặc bạn tình chạy thoát thân khi bị sư tử tấn công
Chân dung vị công chúa duy nhất của Việt Nam làm hoàng hậu ở nước ngoài, khi mất được dân tôn làm thần