Khám phá

Độc nhất Việt Nam: Mỹ nữ từ chối làm vợ vua để làm tình báo

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, không ít phụ nữ phải hi sinh cả tính mạng, danh tiết, tình cảm riêng tư để làm tròn trọng trách của người dân nước Việt. Câu chuyện về mỹ nữ thời vua Lý Nam Đế là một trong những minh chứng như vậy.

Vua Việt xưa nghiêm trị tội vi phạm giao thông thế nào? / Tướng Việt được ví như Gia Cát Lượng, lấy hàng vạn tên của giặc

Năm Nhâm Tuất (542), căm giận ách thống trị tàn bạo của giặc Lương, một hào trưởng là Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn, lại có tên khác là Lý Phần) đã lãnh đạo nhân dân Giao Châu nổi dậy đánh đuổi bọn đô hộ, giành độc lập cho đất nước, xây dựng một chính quyền tự chủ. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn viết như sau:

Kể từ Ngô, Tấn lại đây,

Hai trăm mười bốn năm chầy cát phân.

Cỏ cây chan chứa bụi trần,

Thái Bình mới có Lý Phần hưng vương.

Vốn xưa nhập sĩ nước Lương,

Binh qua gặp lúc phân nhương lại về.

Cứu dân đã quyết lời thề,

Văn thần, vũ tướng ứng kỳ đều ra.

Tiêu Tư nghe gió chạy xa,

Đông tây muôn dặm quan hà quét thanh.

Vạn Xuân mới đặt quốc danh,

Cải nguyên Thiên Đức, đô thành Long Biên.

Lịch đồ vừa mới kỷ niên,

Hưng vương khí tượng cũng nên một đời.

Chính sử chép rằng sau khi đập tan các cuộc phản công nhằm tái lập ách đô hộ của nhà Lương, biên cương phía Bắc được yên thì tại phía Nam binh đao lại nổi, tháng 4 năm Qúy Hợi (543) Lý Bí sai lão tướng Phạm Tu đi đánh quân Lâm Ấp quấy rối lãnh thổ. Ngoài ra vua còn sai quân tướng đi bình định nhiều vùng trong cả nước nên mãi đến tháng giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí lên ngôi hoàng đế xưng là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức.

Tư liệu về một số nhân vật thời Lý Nam Đế cho biết khi nước Vạn Xuân mới được lập, một số địa phương vẫn ở tình trạng cát cứ không tuân phục triều đình trung ương, đặc biệt trong khi nhà Lương vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta thì một số nước ở phía Nam và Tây Nam cho quân xâm lấn biên cương. Tình hình đó buộc Lý Nam Đế phải huy động thêm sức mạnh từ nhân dân để đối phó.

Doc nhat Viet Nam: My nu tu choi lam vo vua de lam tinh bao
Chiêu mộ nhân lực đi đánh giặc giữ nước.(Hình minh họa – Nguồn: truyenviet).
Nếu như sử liệu có nhắc đến cuộc đụng độ với quân Lâm Ấp (sau gọi là Chiêm Thành) thì sự kiện giao tranh chống lại hành vi quấy nhiễu của quân Ai Lao (Lào) tại chưa được kiểm chứng rõ ràng, tuy nhiên một số nguồn dã sử cũng như tư liệu trong các bản thần tích lại ít nhiều đề cập đến.

Trong sách Hải Dương tỉnh, Kim Thành huyện, Phù Tải tổng thần tích có bản thần tích do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất, tức năm Nhâm Thân (1572) đời vua Lê Anh Tông và sau này được Nguyễn Hiền sao lại năm Vĩnh Hòa thứ 3 (1737) tức năm Đinh Tị đời Lê Ý Tông có viết về vị một nữ nhân đặc biệt thời Lý Nam Đế.

Theo tài liệu này thì tại khu Hữu Lễ, trang Thiên Đông, huyện Trà Hương, phủ Kinh Môn, lộ Hải Dương (nay là thôn Thiên Đông, xã Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) có vợ chồng ông Sùng Thân và Hoàng Thị Khánh ăn ở hiền lành, đức độ, làm nhiều việc thiện, tiếng tốt vang xa. Vào giờ Tý ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Thìn bà Khánh hạ sinh một bé gái dung mạo xinh đẹp, mặt mũi như hoa, lên 3 tuổi cha mẹ mới đặt tên cho là Đức Nương.

Đến khi Đức Nương trưởng thành thân hình yểu điệu, má như xoa phấn, môi tựa tô son, “dung nhan cá lặn, chim sa, trăng than, hoa nhường, quả là tiên nữ ở trần gian, hào kiệt trong phái nữ”. Năm 15 tuổi, không may cha mẹ lâm bệnh rồi qua đời, mỹ nữ phẫn chí bỏ nhà, xa chốn bụi trần rồi vào chùa tu hành. Tu được 3 năm thì “tâm thần tinh sảng, thông hiểu mọi lẽ, tài danh vang lừng thiên hạ”.

Doc nhat Viet Nam: My nu tu choi lam vo vua de lam tinh bao-Hinh-2
Đóng giả làm người bán trầu thuốc đi thăm dò tin tức giặc.(Hình minh họa – Nguồn: truyenviet).
Bấy giờ phương Nam có tin cấp báo về triều, quân Ai Lao kéo sang xâm lấn, một hôm xa giá vua Lý Nam Đế trên đường đi chiêu mộ người tài giúp nước có qua chùa mà Đức Nương đang tu hành, tình cờ vua thấy có một cô gái xinh đẹp thì mê mẩn bèn dừng xe hỏi chuyện, lại tỏ ý muốn đưa về cung làm bậc “mẫu nghi chí tôn cho thiên hạ”. Đức Nương không đồng ý mới trả lời rằng:

- Tôi là người xuất gia tu hành, không màng chuyện uyên ương, loan phượng, nhưng nay nước nhà có ngoại xâm, tôi xin nguyện được giúp thánh giá đánh giặc cứu nước.

 

Nghe nàng trả lời, Lý Nam Đế rất cảm kích và chấp thuận cho Đức Nương cùng quan quân ra trận. Lúc đó, nàng liền vội trở về quê ở trang Thiên Đông lấy thêm bốn người có trí lực làm gia thần rồi cùng quân triều đình Nam chinh, tiến thẳng đến trận địa quân Ai Lao.

Được tin quân ta đến, quân Ai Lao tăng cường phòng bị, đắp thành lũy kiên cố, canh gác cẩn mật. Để biết được nội tình của giặc từ đó đưa ra phương cách tấn công hữu hiệu, nhiều binh lính nhanh nhẹn, tài giỏi đã được tuyển lựa cử đi thám thính nhưng không thể lọt vào thành trại của quân Ai Lao.

Trong lúc khó khăn ấy, Đức Nương xin được đóng giả làm người bán trầu thuốc vào thành lũy giặc. Tên tướng giặc thấy cô gái xinh đẹp đi một mình thì không có ý đề phòng gì, hắn mê mẩn liền giữ nàng lại trong trại, dần từ bỏ quân kị, chểnh mảng canh phòng đồn bốt thành lũy, ngày đêm chỉ rượu chè vui thú bên người đẹp. Các tin tức quan trọng về tình hình binh lực của Ai Lao đã được Đức Nương bí mật truyền ra ngoài.

Nhận thấy thời cơ đã đến, quân ta chia làm hai đường thủy bộ cùng tiến đánh, quân Ai Lao nhanh chóng thất bại, vứt lại voi ngựa, vũ khí, lương thực bỏ chạy thục mạng, những tên khác đều bị giết không kể xiết.

Doc nhat Viet Nam: My nu tu choi lam vo vua de lam tinh bao-Hinh-3
Quân xâm lược thất trận quy hàng.(Hình minh họa – Nguồn: truyenviet).

 

Giặc tan, biên cương trở lại yên ổn, Đức Nương cùng đoàn quân ca khúc khải hoàn về triều, vua Lý Nam Đế cho mở tiệc khao thưởng tướng sĩ, ghi nhận công lao của Đức Nương, vua đã phong nàng làm Bình Khấu công chúa. Sau đó, công chúa xin cùng với các gia thần về quê bái vọng gia tiên, chia vui cùng dân nàng. Trở về bằng thuyền, khi đi đến cửa biển Thần Phù thì gặp bão lớn, thuyền bị đánh chìm nhưng Đức Nương may mắn thoát nạn, chỉ có một gia thần bị chết đuối.

Trở lại trang Thiên Đông, Đức Nương cho mở tiệc khao dân, khi yến tiệc vừa kết thúc thì trời đất tự nhiên tối sầm rồi nàng bỗng nhiên đột ngột hóa. Trong khoảnh khắc, trời trong sáng trở lại, mọi người đến xem thì thấy tại nơi Đức Nương mất, mối đã đùn đất đắp thành một ngôi mộ lớn. Người dân Thiên Đông vội làm biểu tấu báo vể triều; vua Lý Nam Đế nghe tin rất buồn thương, sau đó sai đình thần về làm lễ tế, lại truyền cho dân làng lập miếu thờ cúng, ban thêm cho 300 quan tiền để lo việc hương hỏa.

Trải qua thời gian, nơi thờ phụng Bình Khấu công chúa Đức Nương được chăm sóc, hương khói chu đáo, các đời vua đều có sắc chỉ, bao phong mỹ hiệu là: “Sùng đức Bác thí Tôn linh công chúa”.

Theo kienthuc.net.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm