Vua chúa Việt quyết tâm bảo vệ chủ quyền như thế nào?
Bí ẩn cái chết của triệu phú giàu có nhất Bahamas / Tiết lộ mới nhất về tòa nhà hội đồng của người Maya
Lời ruột gan của Lý Nhân Tông
Thời trị vì của vua Lý Nhân Tông là thời điểm diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa nước ta với nhà Tống bên Trung Quốc. Năm 1076 nhà Tống sai Quách Quỳ dẫn quân sang định đánh chiếm nước ta. Quân dân ta đã lập phòng tuyến sông Như Nguyệt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt chống trả quyết liệt và dồn quân Tống vào thế bí.
Trong lúc quân Tống ở thế khốn đốn thì Lý Thường Kiệt chủ động cho người sang giảng hòa. Để Quách Quỳ đỡ lăn tăn, Lý Thường Kiệt dụ hắn rằng những đất nào quân Tống đã chiếm là của Tống. Nhưng khi quân Tống rút đến đâu thì quân ta đi theo tới đó thu đất về.
Tranh vẽ cảnh cuộc kháng chiến chống quân Tống của nhà Lý. Ảnh: Internet. |
Mặc dù vậy quân Tống vẫn đóng lại 5 châu ở biên giới là Quảng Lang, Tô Mậu, Môn, Tư Lang và Quảng Nguyên. Về sau nhà Lý cho quân đánh úp lấy lại được châu Tư Lang và nhân đó giải phóng cả hai châu Tô Mậu và Môn ở bên cạnh. Riêng châu Quảng Lang và Quảng Nguyên thì nhà Tống vẫn giữ.
Vua Lý Nhân Tông quyết không để mất đất của tổ tiên nên đã dùng nhiều biện pháp cả ngoại giao cả quân sự để thu hồi đất đai. Trong các năm 1077, 1078 nhà Lý đã cử sứ giả liên tục lên biên giới và qua Yên Kinh tranh biện với nhà Tống để đòi đất.
Theo sách Các sứ thần Việt Nam, năm 1078 Đào Tông Nguyên được cử đi sứ để đòi đấu Quảng Lang và Quảng Nguyên. Vua Tống ra điều kiện phải thả các dân Ung, Khâm bị bắt năm 1075 thì mới trả đất. Nhà Lý đã đem trả một số người Tống bị bắt hồi năm 1075 gồm đủ cả già trẻ gái trai. Năm 1079 nhà Tống trả lại châu Quảng Nguyên cho ta. Điều này được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Trong quyết định trả đất, Tống Thần Tông có chỉ dụ được sách Các sứ thần Việt Nam ghi lại rằng: “Thuận Châu (sau khi chiếm Quảng Nguyên nhà Tống cho đổi tên thành Thuận Châu) là nơi lam chướng, dẫu được cũng không lợi ích gì, há nên dồn quân lính vào chỗ chết ư?”. Tuy nhiên dân Trung Quốc không biết đến điều đó nên có câu chế nhạo triều đình rằng: “Tham voi Đại Việt bỏ vàng Quảng Nguyên”.
Vậy là cuối cùng nhà Lý đã lấy lại được lãnh thổ nguyên vẹn như trước khi Quách Quỳ kéo sang. Nhưng chưa dừng ở đây, vua Lý Nhân Tông vẫn ngày đêm canh cánh vì trước đó đám thổ dân biên giới đã làm phản nhà Lý và đem dâng hai động Vật Dương, Vật Ác cho nhà Tống.
Cụ thể động Vật Ác do Nùng Tông Đản nộp cho nhà Tống năm 1057 và vua Tống cho đổi tên thành Thuận An. Năm 1064, Nùng Trí Hội đem nộp động Vật Dương, vua Tống đổi tên thành châu Quy Hóa.
Quyết tâm không để mất một tấc đất của tổ tiên, năm 1084, vua Lý Nhân Tông cho vời Lê Văn Thịnh lúc đó đang là Thị lang bộ Binh vào cung để cử đi lên biên giới đấu tranh đòi lại 2 động này. Trong cuộc gặp, nhà vua đã nói những lời rất giản dị nhưng cũng rất tâm huyết về vấn đề lãnh thổ quốc gia:
“Trẫm định cử khanh làm trưởng phái bộ, cùng Nguyễn Bồi giúp sức tiếp tục nghị bàn với Tống. Hai đất Vật Dương và Vật Ác do tổ tiên để lại, trẫm vô cùng đau lòng nếu để mất hai vùng đất ấy. Khanh hãy gắng sức thương thuyết, đòi lại đất cho trẫm”.
Sau thời gian tranh biện với lý lẽ quyết liệt và xác đáng của Lê Văn Thịnh, sau cùng nhà Tống trả lại đất cho Đại Việt gồm 6 huyện 3 động theo như ghi chép của Đại Việt sử ký.
Một tấc đất một thước núi cũng không thể bỏ
Sau Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông cũng là một vị vua rất quan tâm chủ quyền lãnh thổ. Trong thời trị vì của ông, nền quân chủ Việt Nam có bước phát triển đến đỉnh cao về mọi mặt. Do đó mặc dù ở Trung Quốc triều Minh cũng đang ở vào giai đoạn đỉnh cao nhưng vẫn phải dè chừng không dám manh động.
Vua Lê Thánh Tông cũng là ông vua rất chú trọng việc võ bị. Ngay năm đầu tiên lên ngôi (1460) ông đã ra sắc chỉ cho các vệ quân trong cả nước rằng: “Có quốc gia là phải có võ bị. Nay phải tuân theo trận đồ nhà nước đã ban, trong địa phận của vệ mình, phải chỉnh đốn đội ngũ, dạy cho quân lính phép đi, đứng, đâm, đánh, hiểu được mệnh lệnh, tiếng chuông, tiếng trống khiến cho quân lính tập quen cung tên không quên võ bị”.
Khung cảnh triều đình nhà Lê. Ảnh: Internet. |
Đã quan tâm tới võ bị thì tất yếu sẽ đề cao chủ quyền lãnh thổ. Trong đời trị vì của Lê Thánh Tông, hai lần Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại chỉ dụ của nhà vua về vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Lần đầu vào năm 1467, niên hiệu Quang Thuận thứ 8, vua sắc dụ quan trấn thủ và Phó Tổng binh các vệ ở các xứ An Bang, Lạng Sơn, Tuyên Quang rằng: “Các ngươi chức vụ đứng đầu một phương khống chế cả cõi biên thùy, phải phòng bị điều bất trắc, để ngăn ngừa giặc ngoại xâm. Cần phải khuyên bảo các tướng hiệu răn đe quân lính, không được quen thói cũ, bỏ trốn về nhà, để trống vị trí phòng thủ, kẻ nào trái lệnh thì trị tội nặng hơn luật thường”.
Lần thứ 2 vào năm 1473, vua Lê Thánh Tông dụ cho Thượng thư bộ Binh Lê Cảnh Huy khi xuất hiện tranh chấp biên giới với nhà Minh: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.
Vị vua anh minh này cũng đặc biệt cảnh giác trước bất kỳ động thái nào của quân phương bắc ở biên giới. Tháng 12/1472, khi có tin quân nhà Minh tập trung đông ở biên giới, nhà vua sắc dụ cho Thượng thư Bộ binh Lê Cảnh Huy rằng: “Nhận được tờ tâu của trấn An Bang nói là người Minh sai quân lính đi theo quan hội khám của Quảng Tây sao đông thế. Người phải hỏa tốc sai người đi thăm dò tình hình. Nếu thấy sự thế khác nhiều thì phải lập tức gửi công văn cho các xứ tập hợp binh mã phòng giữ”.
Lời nói của 2 vị vua triều Lý và triều Lê đã nói lên ý chí giữ gìn độc lập quốc gia và chủ quyền lãnh thổ luôn là ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của các vị quân vương Việt Nam thời trước. Sự ưu tiên đó ngày nay Nhà nước vẫn đang kế thừa và phát triển. Đó là chính sách làm bạn thân thiện với mọi quốc gia nhưng giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'