Khám phá

Vua Thiệu Trị với thế đất phong thủy Xương Lăng

Vua Thiệu Trị lên ngôi tháng Giêng năm Tân Sửu 1841 và mất 6 năm sau đó – chưa kịp tự tìm cho mình một cuộc đất tốt để xây lăng….

Những tác phẩm điêu khắc độc đáo nhất thế giới / Mê mẩn trước vẻ đẹp của váy kết tinh thể muối ở biển Chết

Đối chứng với địa lý gia truyền của cụ Tả Ao

Định mệnh đã đem tới những điều không vui cho vua Thiệu Trị vào hai thời điểm lớn trong đời: lúc sinh ra và khi mất đi. Ông sinh ngày 11/5 Đinh Mão (nhằm 16/6/1807) ở nhà ông ngoại của mình là Hồ Văn Bôi nằm phía đông kinh thành – chỉ 13 ngày sau đó, mẹ ông là bà Hồ Thị Hoa qua đời ở độ tuổi 17.

Vua Thiệu Trị.

Sau này ông đã cho xây ngôi quốc tự Diệu Đế tọa lạc tại địa điểm đầy nỗi niềm trên. Ông là con trưởng đứng đầu trong số 78 hoàng tử của vua Minh Mạng và là vị vua thuần hòa, yêu chuộng văn chương và dùng nhiều thuật ngữ địa lý phong thủy trong các sáng tác của mình. Như bài tựa cuốn “Ngự đề đồ họa thi tập” ông viết đại ý: “Nhìn lên trời cao để xem thiên văn, ngó xuống đất rộng để xét địa cuộc, ngẫm về thế đất cát hung và cảnh chim muông tụ tán, lấy chứng cứ gần gũi nơi mình cũng như đưa tầm mắt để quán sát vạn vật từ xa, thấy rõ trăm dòng sông cuộn chảy như lụa là và núi đồi trùng điệp vươn cao như ngàn xanh đúc sẵn. Đất ấy, trời ấy, vật ấy, sông ấy, núi ấy vốn từ một nguyên khí tản mác, có duyên tụ lại nơi ngòi bút để thành đồ họa dưới tay người”.

Ông nhắc đến vùng đất xưng vương của họ Nguyễn với linh mạch trào lên thành dòng nước ấm ở huyện Hương Trà bên nguồn tả trạch (doanh doanh linh mạch triều phiên nhất hoằng ôn thủy), ca ngợi đồi Hà Khê có thế rồng quay đầu nhìn lại (long bàn hồi thủ) và hổ rống trên cao (hổ khiếu cao tôn) cũng như núi Ngự Bình làm nơi chầu về của muôn núi (quần phong triều củng) hoặc sông Hương với trăm dòng đổ về (bách xuyên hợp phái)…

Lúc vua cha mất, ông điều động cả vạn dân binh để tiếp tục hoàn tất lăng Minh Mạng theo đề án để lại. Nhưng đến lượt ông, thì ngay cả việc tự tìm một cuộc đất cát tường vừa ý mình để xây lăng cũng không kịp.

Lăng vua Thiệu Trị, thuộc huyện Hương Thủy, thành phố Huế.

Ông lâm bệnh mất lúc mới 41 tuổi, để lại hơn 30 người vợ, với 64 người con gồm 29 hoàng tử và 35 hoàng nữ. Giờ hấp hối, ông gọi hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm (bấy giờ mới 19 tuổi, tức vua Tự Đức sau này) đến dặn dò việc xây lăng cho ông. Tự Đức lập tức triệu tập các thầy địa lý đi khảo sát quanh vùng Phú Xuân tìm ra một cuộc đất tốt cách kinh thành không xa lắm, thuộc địa bàn làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, trên một vùng núi thấp (Thuận Đạo).

 

Đến đây, để tìm hiểu thêm về địa thế phong thủy nơi các lăng vua Nguyễn, trong đó có lăng Thiệu Trị (gọi Xương Lăng), được xây ở các vùng đồi núi ngoài kinh thành, thiết tưởng cần tham khảo Địa lý gia truyền nổi danh của cụ Tả Ao. Theo đó, trên núi đá thường không có huyệt (phàm thạch sơn bản vô huyệt), song nếu phát hiện thấy núi đá nào có những vụng đất mềm tức chỗ ấy có thể được (nhược kiến oa hình, thổ nhuận nghi điểm chi, giác thư vi quý). Còn nếu trên núi đá không thấy có khí mạch lưu thông hãy tìm xuống phía dưới, thấy chỗ nào có đất mềm mới điểm (nhược vô thạch mạch tụ, tựu hạ ư thổ xứ điểm chi).

Cụ Tả Ao bảo núi đá cũng như xương người, phàm thô cứng không có huyệt, song nếu thấy hai bên tả hữu, phía trước hoặc phía sau núi đều phân minh và có khí lành chung tụ, thì có thể xem kỹ để chọn.

Nếu thấy trước mặt toàn là đá mà không có đất ắt phải cẩn thận không nên dùng búa hoặc các vật dụng cứng như đinh, như đục để đào khoét xuống sâu làm huyệt, vì như thế sẽ không tốt.

Mà phải dùng phép đặt quan tài trên mặt đá, xong lấy đất chỗ khác chở về đắp cao độ năm thước ta, như thế có thể biến nơi ấy thành phúc địa (Bất nghi phủ đinh quật chi – kỳ pháp, trí quan ư thạch thượng, dĩ khách thổ bồi chi – cao hậu ngũ xích diệc phát phúc dã). Đến lúc điểm huyệt, cụ Tả Ao nhắc nhở: “long bản quý khí tại tỵ – Nghi điểm chỉ Quy bản huyệt tại kiên, vật dụng ư sát dã – long điểm ư thần, tận khí dã”, được nhà nghiên cứu địa lý và phong thủy học Cao Trung luận: “Rồng vốn quý ở nơi mũi (chỗ thở ra thở vào tức là nơi khí chung tụ) nên phải điểm vào mũi, chứ đừng điểm thấp xuống miệng rồng (là chỗ tận khí, không tốt). Rùa, nếu huyệt ở vai hãy nên điểm vào vai, chứ đừng điểm cao lên chỗ mai rùa (là chỗ không tốt)”…

 

Đưa quan tài đến Xương Lăng

Chọn đất xong, vua Tự Đức sai đại thần Vũ Văn Giải đôn đốc dân binh bắt tay xây gấp lăng Thiệu Trị vào giữa tháng 2.1848. Đến đầu tháng 5 năm ấy, một số công trình chủ yếu trong lăng đã xong và không xây La thành bọc ngoài (như lăng Minh Mạng) mà lấy những dãy đồi nhấp nhô quanh vùng làm thế vây bọc tự nhiên. Mặt trước nhìn ra một vùng đất rộng thoáng đãng về hướng Tây Bắc, xa xa đồi Vọng Cảnh hiện lên phía hữu và núi Ngọc Trản nằm phía tả – hình thành thế “tả long hữu hổ” hộ lăng.

Mặt sau dựa vào núi Thuận Đạo. Trong lăng đào các hồ Nhuận Trạch, hồ Ngưng Thúy, hồ Điện, trổ dòng nước chảy thông ra ngoài bằng những đường cống ngầm dưới đất, xây lầu Đức Hinh, điện Biểu Đức, cầu Chánh Trung, cầu Đông Hòa, cầu Tây Định bên trên… Xem xét cuộc đất và thế phong thủy của lăng Thiệu Trị, các nhà nghiên cứu nhận định lăng này ở vào vị thế “sơn chỉ thủy giao” với ngọn núi Chằm làm tiền án nhô lên cách đó chưa đầy 10 cây số, núi Kim Ngọc từ xa và mô đất lớn được đắp đàng sau làm hậu chẩm.

Vì đợi xây lăng xong mới đưa đi an táng nên quan tài của vua Thiệu Trị phải quàn tại điện Long An (cung Bảo Định) ròng rã trong 8 tháng trời, tức hơn 200 ngày kể từ khi mất (vào 4/11/1847 đến 21/6/1848).

 

Theo tài liệu của R. Orband trên tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué số ra năm 1916, Đặng Như Tùng dịch, thì chương trình thọ tang và chôn cất do quan Thiên giám triều Nguyễn chọn các ngày tốt để làm đám, dân chúng không được làm lễ cưới, lễ hỏi và không được mặc áo đỏ trong suốt thời hạn tang lễ. Đúng 10 giờ sáng (giờ Tỵ) ngày 21/6 làm lễ cúng đầu tiên (khải điện).

Đến giờ Ngọ (mặt trời đứng bóng) dâng lễ lên các tiên vương tức lễ cúng các hoàng đế nhà Nguyễn đã qua đời gồm 5 trâu, 5 dê, 5 lợn, 5 mâm nếp, 5 mâm thức ăn, 1 mâm cơm, 1 mâm bánh, 10 mâm hoa quả, 15 bầu rượu gạo, hương, đèn, vàng bạc giấy, trầu, trà…

Ngày 22/6 vào 6 giờ sáng (giờ Dần) bắt đầu lễ rước quan tài (thiên tử cung), xế chiều đưa xuống thuyền rồng Long Châu để theo sông Hương di chuyển chầm chậm trong 3 ngày mới đến Xương Lăng.

Một tài liệu cho biết đoàn thuyền tổng cộng có đến hơn 30 chiếc lớn với nhiều đò nhỏ hộ tống. Có chiếc chở tượng Phật A-di-đà và tượng Địa tạng vương Bồ tát, chiếc chở mô hình điện Cần Chánh, chiếc chở mũ áo thêu rồng và mũ áo tế lễ Nam Giao, cùng sách vàng ấn ngọc, kiệu và xe song mã của vua… Đến chỗ huyệt chôn (huyền cung), người ta làm lễ chuyển quan vào giờ tý ngày 24/6. Mãi 4 giờ chiều hôm sau 25/6, mới hạ huyệt (an huyền cung).

Nhà truyền giáo Pellerin, đang có mặt tại miền Trung lúc bấy giờ, tường thuật theo lời kể của những người Huế tận mắt chứng kiến tang lễ rằng thuyền chở quan tài của vua được che kín, không thể nhìn thấy bên trong.

 

Ngót mấy chục chiếc thuyền khác đi theo, có chiếc chở các nhà sư tụng kinh vãng sanh, chiếc chở đoàn người rước linh với gương mặt sơn đủ màu xanh, đỏ, vàng, đen, luôn nhảy múa với tay cầm kiếm hoặc chùy bằng gỗ, một số cầm đuốc quơ lên thành các vòng lửa xua đuổi ma quỷ và tà khí để chúng không đến gần quấy nhiễu. Đến gần lăng, từ dưới sông thoáng thấy một ngôi nhà khá xinh hiện ra trong tầm mắt ở lưng chừng núi làm nơi trú ngụ của những người giữ mộ và cúng cơm hàng ngày cho linh hồn nhà vua.

Ở vị trí quanh ngôi nhà đó người ta đào một cái hầm chạy ngầm dưới mặt đất đến chỗ đặt quan tài vua Thiệu Trị. Rời thuyền lên bờ, con đường dẫn tới Xương Lăng được lót sẵn chiếu hoa để đón đám tang đi qua.

Tang lễ kết thúc, chiếc thuyền sơn son thếp vàng vua Thiệu Trị đã dùng khi còn sống cũng như một chiếc thuyền khác dùng để chở quan tài nhà vua được đem đốt cháy phừng phực dưới sông. Ngọn lửa bừng lên, những vệ sĩ hộ tang lại một lần nữa múa kiếm gỗ và thắp đuốc đỏ rực trời. Lửa tàn, vua Tự Đức cùng các quan cận thần quay về kinh thành, còn một số cung phi mỹ nữ và những người được giao trách nhiệm hộ lăng phải ở lại trên ngọn đồi giữa lúc chiều vơi…

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm