Nhà vua hàng tháng được hưởng 90 quan và 10 cân gạo để lo việc nấu nướng. Trong khi đó, bổng lệ của mẫu hậu mỗi năm là 10.000 quan và nhiều phương gạo tốt.
Chế độ lương bổng của vua, quan, hoàng thân triều đình được ghi lại trong cuốn Bắc kỳ tạp lục ký tác giả A+B (Henri-Emmanuel Souvinet).
Bằng con mắt một giáo sĩ, nhà nghiên cứu ngoại quốc tới Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tác giả mang tới cái nhìn bao quát mọi mặt đời sống. Trong đó ông dành chương 7 “Đại Nam quan chế” để nói về hoàng tộc ở An Nam, tôn tước, những chức quan… Tác giả không quên đề cập chế độ lương bổng của vua và hoàng tộc.
Về chế độ lương bổng của vua, sách viết: “Nhà vua hàng tháng được hưởng 90 quan và 10 cân gạo để lo việc nấu nướng. Ngoài ra, ngài còn nhận thêm một khoản tương đương dành cho mua sắm trầu và thuốc”. Trong khi đó, bổng lệ của hoàng thái hậu, từ thọ cung (mẫu hậu) được hưởng một khoản trợ cấp hàng năm trị giá là 10.000 quan; ngoài ra còn nhận được nhiều phương gạo tốt nhất (mỗi phương tương đương khoảng 30 đấu gạo).
Các thân vương hay hoàng thân hạng nhất nhận 1.500 quan và 1.200 phương gạo; trong khi đó những hoàng thân hạng 20 (phụng quốc lang) được 20 quan và 24 phương gạo.
Mức bổng lệ dành cho các hoàng thân không có tước phong sẽ thay đổi theo tuổi của hoàng thân. Các hoàng tử sẽ nhận từ 150 tới 400 quan và từ 80 tới 300 phương gạo. Các hoàng nữ (con gái vua) nhận từ 200 đến 300 quan và từ 60 tới 240 phương gạo. Các công chúa (con gái vua đã lấy chồng hoặc đính hôn) được 300 quan và 200 phương gạo. Các hoàng tôn (cháu của vua) được từ 55 tới 130 quan và từ 35 tới 80 phương gạo.
Các công tử (cháu, là con của anh chị em nhà vua) được bổng từ 50 tới 120 quan và từ 30 tới 80 phương gạo. Các công tôn (con của các công tử) sẽ tùy tước phong mà nhận bổng lệ theo mức hoàng thân. Đối với các công tử, công tôn, nếu được giao một trọng trách sẽ được hưởng thêm một khoản bổng lệ gắn với trọng trách đó. Nếu không đảm nhận trọng trách gì, tùy theo tuổi sẽ nhận được từ 12 tới 36 quan và từ 12 tới 30 phương gạo.
Các quan văn và quan võ trong triều đình đều nhận được một khoản bổng hàng năm gồm tiền (từ 12 tới 400 quan), mễ (gạo, từ 12 tới 300 phương), ngoài ra các quan còn được hưởng khoản xuân phục tiền, trợ cấp quần áo, tuất tiền, dưỡng liêm tiền (khoản để khuyến khích các quan giữ đức thanh liêm).
Tác giả Henri-Emmanuel sinh ngày 25/12/1855 tại Pháp, mất ngày 19/3/1943 tại Việt Nam. Là thành viên Hội Thừa sai Hải ngoại, ông tới Bắc kỳ năm 1882, ban đầu ở Hà Nội, sau đó chuyển tới giáo phận Phủ Lý sống tới khi qua đời.
Tới Việt Nam với nhiệm vụ truyền giáo, Henri-Emmanuel Souvinet còn là một nhà nghiên cứu. Bằng sự quan sát, hấp thu nhanh thiên nhiên, con người, văn hóa An Nam, ông gắn bó với người dân và mong muốn lan tỏa tình cảm thân thiết ấy tới những người Pháp khác, giúp họ nắm bắt, thích nghi với tập tục và thiết chế của người An Nam.
Với mục đích ấy, ông xuất bản cuốn Variétés Tonkinoises năm 1903 dưới bút danh A+B. Sách được thiết kế như một cẩm nang mang lại cho người Pháp cái nhìn bao trùm về những vấn đề quan trọng nhất trong đời sống của người dân An Nam từ ngôn ngữ, giáo dục, văn học, lịch sử, tổ chức xã hội, chế độ thuế khóa, tôn giáo, tín ngưỡng, cưới xin, tang lễ, hệ thực vật...
Mới đây, cuốn sách được dịch giả Phạm Văn Tuân chuyển ngữ với tên Bắc kỳ tạp lục, phát hành bởi NXB Hội nhà văn và Nhã Nam.
Theo Tần Tần/Zing