Khám phá

Vương quốc Bhutan - thung lũng Shangri La cuối cùng của thế giới

Ở rìa phía đông của dãy Himalaya, nép mình giữa Ấn Độ và Tây Tạng, là quốc gia nhỏ bé Druk Yul, hay còn được gọi là Bhutan. Trong tiếng Bhutan, cái tên này có nghĩa là 'Vùng đất của Rồng Sấm'.

Người ngoài hành tinh có thể đã “kiểm tra” Trái Đất trong quá khứ / Người ngoài hành tinh cử UFO theo dõi Trái đất

Luôn tự hào và muốn bảo vệ truyền thống của mình, Bhutan gần như sống tách biệt với thế giới bên ngoài trong nhiều thế kỷ. Quốc gia này chỉ mở cửa cho khách du lịch vào những năm 1970 và đã quyết định thực hiện một cách tiếp cận độc đáo để hiện đại hóa đất nước, tạo ra một khái niệm được gọi là "Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia" (GNH).

'Vùng đất của Rồng Sấm'

'Vùng đất của Rồng Sấm'

Đây không chỉ là thước đo mức độ người dân vui vẻ mà còn là một cách tiếp cận toàn diện để phát triển bền vững, mang lại sức nặng cho sự hưng thịnh của con người.

Vuong quoc Bhutan - thung lung Shangri La cuoi cung cua the gioi-Hinh-2
Văn phòng làm việc của Thủ tướng Lotay Tshering.

"Bhutan rất độc đáo. Chúng tôi thấu hiểu giá trị của mình. Ở đây, chúng tôi không đặt lợi ích cá nhân lên trước lợi ích quốc gia", theo Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering.

"Khi nói về GNH, chúng tôi không ám chỉ những niềm vui trong ngày ở đất nước của mình", ông Lotay giải thích. "Nó chỉ có nghĩa là sự thỏa mãn, kiểm soát tâm trí và những mong muốn trong cuộc sống của bạn. Đừng ghen tị với người khác, hãy hạnh phúc với những gì bạn có, hãy trở nên từ bi và là một phần của xã hội nơi khi chia sẻ sẽ làm bạn hạnh phúc hơn".

 

"Quốc vương của chúng tôi coi GNH là sự phát triển đi kèm với các giá trị", Thủ tướng Lotay nói tiếp. "Nếu chính sách không bao gồm các chỉ số hạnh phúc, nếu chính sách không thân thiện với môi trường, nếu chính sách không thể đảm bảo rằng nó sẽ mang lại hạnh phúc cho người Bhutan, chính sách đó sẽ không bao giờ được phê duyệt".

Chỉ số hạnh phúc

Trung tâm Nghiên cứu về Bhutan và GNH chịu trách nhiệm điều hành các cuộc điều tra về chỉ số GNH của đất nước. Họ sẽ đặt các câu hỏi như: "Hôm qua bạn cảm thấy hạnh phúc như thế nào?" và "Bạn có thường xuyên thiền không?"

Họ đo lường 9 lĩnh vực chính của hạnh phúc cứ mỗi 5 năm - hạnh phúc tâm lý, sức khỏe, giáo dục, quản trị tốt, sinh thái, sử dụng thời gian, sức sống cộng đồng, văn hóa và mức sống. Hai cuộc khảo sát đã được thực hiện cho đến nay, vào năm 2010 và 2015, với một cuộc điều tra khác vào năm tới.

Cuộc khảo sát năm 2015 đã thu thập dữ liệu từ hơn 7.000 người Bhutan trên khắp đất nước. Nó mang lại một số kết quả thú vị.

 

Tshoki Zangmo, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm cho biết: "Các lĩnh vực như mức sống, sức khỏe, tiếp cận với y tế hoặc giáo dục đều đang được cải thiện".

"Nhưng các lĩnh vực như sức khỏe tâm lý hoặc chỉ số tin cậy đang dần xấu đi, nhất là tại các khu vực đô thị" Zangmo nói thêm.

Vuong quoc Bhutan - thung lung Shangri La cuoi cung cua the gioi-Hinh-3
Người dân Bhutan phần lớn hài lòng với cuộc sống của mình.

Bhutan không phải là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Quốc gia này thực sự đứng thứ 95 trong số 156 quốc gia trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2019. Phần lớn trong số đó liên quan đến tình trạng nghèo đói và những thách thức kinh tế, trong bối cảnh xã hội Bhutan vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Phần lớn dân số nông thôn sống dựa vào hoạt động nông nghiệp trong môi trường núi cao dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Địa hình gồ ghề, lũ lụt thường xuyên và lở đất cản trở sự phát triển, kết nối đô thị-nông thôn kém. Truyền hình mới chỉ xuất hiện vào năm 1999 và vẫn không có đèn giao thông ở thủ đô Thimphu.

 

"Có một sự hiểu lầm rằng chúng tôi đã tuyên bố rằng Bhutan là quốc gia hạnh phúc nhất", Tshoki nói.

"Nhưng điều khiến Bhutan khác biệt so với các quốc gia khác là tầm nhìn của chúng tôi rất rõ ràng", cô nói thêm. "Tầm nhìn của Bhutan là đạt đến một trạng thái nơi các xã hội có tất cả các điều kiện thuận lợi, không chỉ các khía cạnh kinh tế mà cả các khía cạnh khác, như môi trường, cộng đồng, tiếp cận với y tế và giáo dục, v.v."

Bác sĩ kiêm Thủ tướng

Người ta chỉ cần theo dõi vị Thủ tướng 50 tuổi Lotay để hiểu cách sống và làm việc của người Bhutan. Ông tập thể dục hằng ngày, vào mỗi thứ Năm, ông Lotay đều đặn đạp xe lên một ngọn đồi dốc ở ngoại ô Thimphu - nơi đặt bức tượng Phật Dordenma cao hơn 51 m và là một trong những bức tượng Phật lớn nhất thế giới. Thông qua hoạt động này, ông có thể vừa kết hợp tập thể dục để tăng cường sức khỏe, vừa kết hợp cầu nguyện và thiền định để củng cố tâm trí.

"Khi chúng tôi nói khỏe mạnh hơn, điều đó không có nghĩa là sức mạnh cơ bắp", ông Lotay nói. "Nó có nghĩa là sức mạnh tinh thần, sức mạnh của các tế bào thần kinh của bạn".

 

Sau khi đạp xe, Thủ tướng Bhutan lên đường tới bệnh viện để gặp các bệnh nhân. Là một bác sĩ tiết niệu trong hơn 20 năm, nghề nghiệp này là một phần không thể thiếu khiến ông Lotay hạnh phúc. Do đó, ông đặt lịch cố định tới bệnh viện vào thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần.

"Xuất thân từ một gia đình truyền thống, tôi luôn nghĩ chúng ta nên giúp đỡ người khác", ông Lotay hồi tưởng. "Tôi từng có ý định trở thành một nhà sư, thế nhưng mẹ tôi nói rằng: 'Sao con không trở thành một bác sĩ để giúp đỡ được mọi người nhiều hơn', từ đó tôi quyết định đi theo ngành y".

Khi đi vòng quanh bệnh viện thăm các bệnh nhân cũng như các thực tập sinh, ông Lotay cố gắng truyền đạt những giá trị mà mình theo đuổi, những giá trị mà ông cho rằng mình cố gắng đem tới cho mọi người: Chăm sóc sức khỏe và giáo dục phổ quát.

"Sức khỏe và giáo dục là những yếu tố giúp nâng cấp xã hội mạnh mẽ nhất", Thủ tướng Bhutan nói. "Vì vậy, dựa trên điều đó, chúng tôi có hệ thống y tế cũng như giáo dục miễn phí. Mặc dù miễn phí, nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để tiếp cận".

 

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo ở nông thôn. Tôi tham gia chính trị để xem liệu mình có thể giúp thêm một tay nhằm cải cách các chính sách hay không", ông nói thêm.

"Cũng với đôi bàn tay này, tôi vừa có thể cầm dao mổ để cứu giúp một mạng người, vừa cầm bút giúp cải cách một quốc gia", ông Lotay chia sẻ.

Tương lai của Bhutan

Đất nước này có thể không xếp hạng cao nhất về chỉ số hạnh phúc, nhưng nó đã đạt được những thành tựu lớn. Hàng ngàn km đường đã được xây dựng và đi kèm là đường dây điện thoại. Thủy điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế của quốc gia này.

Ngân hàng Thế giới gọi Bhutan là một câu chuyện thành công về phát triển, khi tốc độ giảm nghèo đói được đẩy nhanh, cùng với đó là cải thiện bình đẳng giới, cũng như môi trường chính trị và kinh tế ổn định.

 

"Chỉ trong ba đến bốn thập kỷ qua, tuổi thọ của chúng tôi đã tăng từ gần 50 lên hơn 70", Thủ tướng Lotay nói. "Với sự hiện đại hóa, cùng khả năng tiếp cận để chăm sóc sức khỏe tốt, thực phẩm bổ dưỡng hơn và nhận thức về sức khỏe tốt hơn từng ngày, vì vậy nhiều người Bhutan hiện sống thọ hơn".

Nhờ vẻ đẹp được thiên nhiên ưu ái và văn hóa bản địa độc đáo, tiềm năng phát triển ngành du lịch sinh thái tại Bhutan là rất lớn. Chính phủ Bhutan áp dụng thuế du lịch sinh thái 250 USD/ngày/người, và sử dụng khoản thu để cải tạo môi trường. Chính sách này đã thành công đến mức Bhutan không chỉ trung tính với khí carbon, mà còn là âm tính.

Bhutan được mệnh danh là "Shangri-La cuối cùng" - một quốc gia xa xôi hẻo lánh, giàu có về vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa Phật giáo, nơi hạnh phúc của quốc gia được ưu tiên hơn so với tăng trưởng kinh tế.

Đất nước này từ lâu đã hợp tác với Quỹ Động vật hoang dã Thế giới để bảo vệ động vật hoang dã bản địa ở nhiều công viên. Túi nhựa đã bị cấm từ năm 1999. Thuốc lá đã bị cấm từ năm 2005, khiến Bhutan trở thành quốc gia không khói thuốc đầu tiên trên thế giới. Hiến pháp của Bhutan quy định rằng ít nhất 60% đất nước được phủ xanh và hiện tại là 70%, theo Thủ tướng Lotay.

Vuong quoc Bhutan - thung lung Shangri La cuoi cung cua the gioi-Hinh-4
Bất chấp nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng tin chắc rằng những ưu tiên đó sẽ không thay đổi đối với người dân Bhutan.

 

"Khi chúng tôi biết rằng sự giàu có về của cải vật chất sẽ không chuyển thành những gì chúng tôi thực sự muốn trong cuộc sống của mình - sự an tâm và hạnh phúc, thì tại sao chúng tôi phải coi những thứ đó là mục tiêu chính để phát triển?

Chúng tôi phải suy nghĩ về các thế hệ tiếp theo sắp tới. Vì vậy, đây là những giá trị của GNH mà chúng tôi hướng tới. Dù không có nền kinh tế phát triển nhưng chúng tôi muốn đảm bảo rằng bất cứ điều gì chúng tôi khởi xướng sẽ bền vững cho các thế hệ tiếp theo", Thủ tướng Lotay kết luận.

Theo Huy Vũ/Ngày nay
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm