Từ ngày 29/7-4/8/2019, các nhà khoa học của tổ chức EYOS Expeditions đã nhiều lần lặn thám hiểm xác tàu Titanic chìm dưới đáy đại dương và "tình cờ" đâm phải xác tàu Titanic.
Tại thời điểm đó, con tàu ngầm bị ảnh hưởng bởi "dòng chảy mạnh và hỗn loạn", "đôi lúc có va chạm với đáy biển và một lần đã va chạm với xác
tàu Titanic", báo cáo của EYOS cho biết.
"Chúng tôi đã tình cờ va chạm với tàu Titanic khi chúng tôi ở gần vỏ tàu, một mảnh lớn của thân tàu đã bung ra. Sau đó, chúng tôi quan sát thấy một vết gỉ đỏ ở bên cạnh tàu ngầm của chúng tôi", Rob McCallum, người đứng đầu đoàn thám hiểm, nói với Telegraph.
RMS Titanic Inc, công ty cứu hộ có trụ sở tại Atlanta, bên sở hữu độc quyền việc lấy
cổ vật khỏi xác tàu, phản ứng dữ dội trước báo cáo của EYOS. Tại phiên tòa hôm 28/1, công ty này yêu cầu EYOS đưa ra video bằng chứng và cho rằng EYOS phải bị phạt vì tội khai man.
RMS cáo buộc EYOS và Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia "đã không thông báo cho RMST và tòa án trong gần 5 tháng gây ra một loạt các vấn đề rắc rối".
EYOS lần đầu tiên thông báo cho Tòa án Quận phía Đông Virginia về vụ việc vào ngày 7/1.
Trong tuyên bố hôm 29/1, người phát ngôn của Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Brady Phillips đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định nhân viên của RMS trong đoàn thám hiểm đã không báo cáo về vụ việc.
Ông Phillips cho biết trong cuộc chiến pháp lý hiện tại, RMST đang xin phép tòa án để "cắt đứt thân tàu và dỡ bỏ các cổ vật từ bên trong con tàu". Phía Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia phản đối điều này.
Trước đây, các bên chỉ được phép thu thập các vật phẩm từ mảnh vỡ gần con tàu đắm, không phải từ bên trong thân tàu Titanic.
Trong khi đó, RMST muốn lấy ra một máy phát điện báo không dây Marconi khỏi một "phòng cách âm" mà trong 108 năm qua chưa có người chạm tới.
"Sự phân rã tự nhiên của xác tàu cho thấy trần tàu có thể sụp đổ trong vòng một năm, mãi mãi chôn vùi đài phát thanh này", RMST nói với Telegraph. Phiên xét xử về vụ án diễn ra vào ngày 20/2 vừa qua.
Theo Hương Ly/Zing