Khoảng 4.700 xe tăng, 8.000 xe bọc thép các loại và 1,1 triệu binh lính đã được huy động trong trận chiến Yom Kippur, cuộc chạm trán xe tăng lớn nhất từ sau Thế chiến II.
Trong Chiến tranh Sáu Ngày năm 1967, Israel đã giáng cho liên minh Arab một đòn chí mạng. Ai Cập, Syria và Jordan tổn thất nặng nề trước cuộc phản kích chớp nhoáng của quân đội Israel. Khối Arab một lần nữa liên thủ để tấn công Israel, chiếm lại phần lãnh thổ đã mất. Ảnh: Cục lưu trữ Bộ Quốc phòng Israel.
Theo History, ngày 6/10/1973, liên quân Arab bất ngờ mở cuộc tấn công vào khu vực do Israel chiếm đóng. Cuộc tấn công diễn ra đúng vào ngày Yom Kippur (ngày chuộc lỗi), ngày linh thiêng nhất của người Do Thái, khi mà phần lớn binh sĩ quân đội Israel đang cầu nguyện. Trong ảnh, xe tăng T-62 của quân đội Ai Cập tiến về bán đảo Sinai. Ảnh: War History.
Khối Arab đã huy động lực lượng quân sự khổng lồ gồm Ai Cập với hơn 1.000 xe tăng, Syria 1.200 xe tăng. Tổng số thiết bị quân sự mà khối Arab huy động cho chiến dịch là khoảng 3.000 xe tăng, 5.000 xe bọc thép, 1.200 đơn vị pháo binh, hơn 800.000 binh sĩ. Về quân số và thiết bị, khối Arab hoàn toàn áp đảo. Ảnh: CIA.
Xe tăng T-55 và T-62 của Syria trên cao nguyên Golan. Sự kết hợp giữa yếu tố bất ngờ và vũ khí hiện đại - các xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 do Liên Xô viện trợ, quân đội Ai Cập nhanh chóng tiến sâu vào khu vực do Israel chiếm đóng ở bán đảo Sinai. Trên cao nguyên Golan, quân đội Syria cũng tạo ra sự đột phá lớn. Ảnh: CIA.
Xe tăng của Israel tập kết ở bán đảo Sinai. Israel nhanh chóng tổ chức lại lực lượng và phản kích trên quy mô lớn. Israel đã huy động khoảng 1.700 xe tăng, trong đó nòng cốt là xe tăng chiến đấu chủ lực Centurion của Anh và M60 Patton của Mỹ, 3.000 xe bọc thép và hơn 300.000 binh sĩ. Ảnh: Cục lưu trữ Bộ Quốc phòng Israel.
Vũ khí hiện đại kết hợp với chiến thuật tốt, quân đội Israel nhanh chóng lấy lại thế trận và phản công trên toàn mặt trận. Những chiếc xe tăng M60 và Centurion của Israel tỏ ra vượt trội so với T-62 và T-55 của khối Arab. Tuy vậy, các nhà sử học cho rằng, sự vượt trội của xe tăng Israel phần lớn do chiến thuật và binh sĩ Israel vận hành xe tăng rất thuần thục và chuyên nghiệp. Ảnh: Cục lưu trữ Bộ Quốc phòng Israel.
Một xe tăng T-62 của khối Arab bị phá hủy trên bán đảo Sinai. Khối Arab tuy áp đảo về quân số, nhưng chiến thuật không hợp lý cùng với sự ngờ vực lẫn nhau. Tuy có cùng mục đích là tiêu diệt Israel, nhưng mỗi nước lại có toan tính riêng, nên thiếu sự phối hợp trong chiến đấu. Israel đã khoét sâu vào điểm yếu này và bẻ gãy từng mũi tấn công một. Ảnh: Getty.
Xe tăng T-62 của Syria bị bỏ lại trên cao nguyên Golan. Ngày 25/10/1973, dưới áp lực của Mỹ và Liên Xô, Israel và Ai Cập ký hiệp định ngừng bắn, kết thúc chiến tranh, tạo tiền đề cho hiệp định hòa bình vào năm 1978 và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Điều này đã giáng một đòn chí mạng vào Syria và Liên đoàn Arab. Ảnh: CIA.
Xe tăng của Israel bị phá hủy. Việc Ai Cập bất ngờ ngừng bắn với Israel khiến Syria tổn thất thêm trầm trọng. Quân đội Israel đã chiếm giữ nhiều lãnh thổ hơn trên cao nguyên Golan so với trước chiến tranh. Năm 1979, Syria đã bỏ phiếu cùng một số nước Arab khác, trục xuất Ai Cập khỏi Liên đoàn Arab. Ảnh: CIA.
Cuộc chiến Yom Kippur, hay còn được gọi là Chiến tranh Arab - Israel lần 4, Chiến tranh Tháng Mười, kéo dài chỉ 19 ngày (6-25/10/1973), nhưng tổn thất cho các bên là rất lớn. Xét về quy mô tập trung trang thiết bị quân sự và binh sĩ, Yom Kippur là trận chiến xe tăng lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Ảnh: CIA.
Theo các số liệu không chính thức, Israel tổn thất khoảng hơn 1.000 xe tăng và xe bọc thép, khoảng 3.000 binh sĩ thiệt mạng, 102 máy bay bị bắn rơi. Về phía khối Arab, khoảng 10.000 binh sĩ thiệt mạng, hơn 2.500 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, hơn 300 máy bay bị bắn rơi. Ảnh: CIA.
Cuộc chiến Yom Kippur tiếp tục khẳng định vai trò then chốt của xe tăng trong việc quyết định cục diện chiến trường trên bộ. Sự vượt trội của xe tăng Israel đã giúp họ phản công lấy lại thế trận. Trong ảnh, xe tăng Israel chuẩn bị cho cuộc phản công ở bán đảo Sinai. Ảnh: CIA.
Xe tăng Centurion do Anh chế tạo và được quân đội Israel cải tiến đã trở thành huyền thoại trong trận chiến ở thung lũng Tears, khi 100 chiếc Centurion của Israel đã đánh bại cuộc tấn công của 500 xe tăng Syria. Ảnh: CIA.
Sau cuộc chiến Yom Kippur, các nước lớn như Mỹ, Liên Xô và Anh đều gấp rút nâng cấp xe tăng. Israel cũng bắt tay chế tạo xe tăng riêng để tránh sự phụ thuộc vào Mỹ. Kết quả là sự ra đời của xe tăng Merkava, một trong 10 xe tăng mạnh nhất thế giới. Ảnh: CIA.
Theo Trung Hiếu/Zing
Theo Trung Hiếu/Zing