Khám phá

Khẳng định trình độ nghiên cứu của đất nước

Những công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ đã khẳng định trình độ nghiên cứu của các nhà khoa học ở nước ta hiện nay.

 Dù đánh giá cao các công trình, cụm công trình được trao giải lần này, song nhiều độc giả đã gửi câu hỏi đến buổi tọa đàm “Gặp gỡ các tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH-CN” do Báo Đất Việt tổ chức ngày 21/2 với những băn khoăn về tầm ảnh hưởng của chúng.

KH&CN Việt Nam ngày càng phát triển 

Theo độc giả Văn Bách (Đà Nẵng), tầm ảnh hưởng của các công trình và cụm công trình được giải thưởng cao nhất của Việt Nam về KH-CN lần này vẫn chỉ ở tầm ảnh hưởng trong nước. Trả lời câu hỏi này, TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch VUSTA thừa nhận, các công trình tham gia giải thưởng trong mỗi thời kỳ đều đánh dấu bước phát triển của KH-CN nước nhà.

 

Qua các giải thưởng qua các thời kỳ có thể thấy phát triển KH-CN của nước ta ngày càng đi lên.TS Trần Việt Hùng khẳng định, trong các công trình, cụm công trình được giải Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước lần này, nhiều công trình đã có tác động hoặc đã khẳng định giá trị trình độ KH-CN của nước ta trong khu vực và trên thế giới.

 

Ví dụ như công trình tìm kiếm phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam của các tác giả thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.

 

Cụm công trình này đã làm thay đổi các luận điểm khoa học địa chất, dầu khí, và tạo thành tiền lệ với việc ứng dụng trong khai thác dầu khí. Hay như công trình “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử” do GS Văn Tạo chủ biên, GS.TS Furuta Motoo (đồng chủ biên) đã thực sự được cả giới khoa học công nhận.

 

Tuy nhiên, điều mà không chỉ cộng đồng khoa học, các độc giả mà các nhà quản lý KH-CN cũng thừa nhận, hiện việc thu hút lực lượng KH-CN trẻ tham gia vào nghiên cứu khoa học và đóng góp cho sự phát triển nền KH-CN của nước nhà chưa được như mong muốn. “Việc thu hút những đóng góp tích cực của lực lượng công nghệ trẻ đối với sự phát triển của đất nước vẫn còn hạn chế so với tiềm năng đang có trong đội ngũ này”, TS Hùng nói.



GS Hà Minh Đức cũng chia sẻ điều này và cho rằng, thế hệ trẻ hôm nay thực sự có nhiều điều kiện nghiên cứu, bởi lẽ ngày nay, các mối giao lưu quốc tế tạo điều kiện bổ sung nguồn tư liệu phong phú về các chủ đề nghiên cứu, nhưng cần phải có kế hoạch cho việc này, bởi hiện nay có nhiều vấn đề đang buông trôi.



Đưa nghiên cứu vào thực tế 


Kể lại những ngày tháng nghiên cứu, TS.DS Ngọc Trâm cho biết, khi nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng viên thuốc Crila, có một nữ giáo sư (giờ đã mất), từng nói, nếu Crila chữa được ung thư tử cung, thì đây chắc sẽ là... loại thuốc tiên!

 

Điều đó cho thấy nhiều người còn chưa tin tưởng vào nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở khoa học chắc chắn, TS Trâm đã nghiên cứu thành công và viên thuốc đã được qua thử nghiệm lâm sàng, chữa u xơ thành công với tỷ lệ 89,18%, rất cao so với các loại thuốc trên thế giới. 



Ngoài kiên định về mặt khoa học, TS Trâm cũng chia sẻ: “Tôi vẫn về nhà nấu cơm mỗi chiều. Nhưng trong khi nấu cơm, rửa rau, tay vẫn làm nhưng đầu tôi vẫn nghĩ về công trình của mình. Theo tôi, một nhà khoa học thành công là người luôn đam mê, biết tập trung cao độ”.



Nhìn ở góc độ khác, TS Trần Việt Hùng hy vọng, Nhà nước có thể hỗ trợ các đề tài nghiên cứu cho tới khi thành công và đưa vào ứng dụng trong sản xuất, đời sống”. Thứ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho biết, Quỹ phát triển KH-CN đã hỗ trợ cho Tập đoàn dầu khí đóng giàn khoan tự nâng 90m nước. Từ nay đến năm 2015, nước ta có thể đạt mức doanh thu hàng năm 4 tỷ USD trên cơ sở các giàn khoan dầu khí.


Theo Đất Việt

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo