Khi phụ huynh có nhiều yêu sách
Đòi hỏi…. “con vua”
Bà Phan Thúy Trang - hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) kể, thầy cô và học sinh trong trường từng được phen hú hồn khi một bà mẹ quậy tưng và chửi bới um xùm giữa sân trường. Người mẹ chỉ trỏ vào mặt giáo viên, lãnh đạo đe dọa nếu con trai của bà có chuyện gì không hay, nhà trường phải chịu trách nhiệm. Nguyên nhân xuất phát từ việc… vệ sinh cá nhân tại trường học của cậu con.
Khăng khăng cho rằng con trai cưng không thể tự đi vệ sinh một mình như bạn bè nên bà mẹ này đòi yêu cầu đặc biệt: hàng ngày vào giữa buổi bà sẽ vào trường để đưa cháu đi vệ sinh. Không được đồng ý, người mẹ này vẫn lao vào trường, bế cậu con vào nhà vệ sinh để… xi tè. Đến khi nhà trường kiên quyết không cho vì muốn giúp cháu thích nghi, bà mẹ nổi đóa.
Tại trường, cũng từng gặp các đòi hỏi lạ lùng khác như phụ huynh nhất quyết đòi con mình phải được ngồi bàn đầu cho dù cháu cao lớn nhất lớp, đòi hỏi con mình phải có suất ăn riêng đặc biệt ngay tại trường…
“Có nhiều trường hợp trường thuyết phục, lý giải nhưng phụ huynh không nghe thì trường phải kiên quyết nếu phụ huynh hợp tác có thể chuyển con sang trường khác thì họ mới chịu”, bà Trang nói.
Theo bà Trang, nguyên nhân phụ huynh lúc nào cũng đòi hỏi con mình phải được “ưu tiên” do hội chứng con cưng và xuất phát từ việc họ thiếu tin tưởng ở con, luôn nghĩ con mình chưa thể làm được những việc đó.
Đối với các trẻ nhỏ ở bậc mầm non, tiểu học, việc hợp tác nhằm thống nhất việc giáo dục giữa nhà trường và gia đình cực kỳ quan trọng nhưng không ít phụ huynh phớt lờ điều này. Khi con không như mong muốn của mình thì họ đổ hết lỗi về phía nhà trường.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở Quận 5 cho biết để khi nhà trường tổ chức buổi nói chuyện, tuyên truyền để phụ huynh ở nhà tạo điều kiện tự phục vụ những việc trong khả năng như mặc quần áo, đi giày dép, tự xúc ăn… không ít có phụ huynh phản ứng: “Nhà tôi có người giúp việc, cháu chẳng phải động tay động chân việc gì hết”.
Chưa kể, có phụ huynh còn thường xuyên đến trường “giám sát” việc dạy học của giáo viên, nhắc các cô phải làm thế này, thế nọ. Khi thấy con mình làm những việc như xếp dọn đồ chơi, tự xúc ăn, chị ta chỉ tay yêu cầu… giáo viên phải làm. Giáo viên giải thích, người mẹ vẫn khăng khăng: “Con người khác tôi không quan tâm, miễn sao con tôi được phục vụ tốt nhất, nhà tôi không thiếu tiền”.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, phụ trách bậc học mầm non Phòng Giáo dục - Đào tạo Quận 3, TP.Hồ Chí Minh tâm sự, điều bà đau lòng nhất là nhiều phụ huynh sau khi có tiền bồi dưỡng cho giáo viên thì hồn nhiên để con biết mình với ý rất sai lệch là bố mẹ đã “mua chuộc” cô. Điều này không chỉ làm tổn thương giáo viên mà rất nguy hại đến cách suy nghĩ của trẻ nhỏ có thể dùng tiền để điều khiển người khác.
Biến con thành “cá biệt”
Tình huống không ít trường gặp phải là phụ huynh xử sự theo kiểu xem con mình là nhất, con thiên hạ như… cỏ rác. Một giáo viên mầm non ở Quận 8 thở dài kể, có phụ huynh ngày nào cũng đến đón con rất sớm và ở lại chơi cùng con đến cuối giờ. Có mẹ bên cạnh nên cháu mè nheo, bạn cầm đồ chơi nào là cháu đòi món đó vậy là người mẹ thản nhiên giật đồ chơi của trẻ khác đưa cho con mình. Thậm chí, chị ta còn trợn mắt quát tháo, hù dọa hay hất ngã các trẻ khác để giành đồ chơi cho con mình.
Nhiều lần nhắc nhở không thành, giáo viên yêu cầu phụ huynh đến đón con không nên ở lớp làm ảnh hưởng các trẻ thì phụ huynh này làm ầm ĩ cho rằng “giáo viên chăm sóc trẻ không tốt, bạo hành với trẻ nên sợ phụ huynh dòm ngó”.
Hay khi con mình đánh bạn thì phụ huynh cười rất xởi lởi bảo rằng trẻ con nó hiếu động, nghịch ngợm. Nhưng chỉ cần con mình bị bạn bè giật cây viết, đùa nghịch là có phụ huynh đến bạt tai con người khác ngay tại chỗ.
“Cách hành xử bạo lực của bố mẹ, cho dù đối với bất kỳ ai đều tác động không tốt đến con mình. Các em ở trong môi trường bạo lực thì khi lớn lên có xu hướng hành xử bạo lực hoặc quen với việc bị bạo lực. Vì thế, để giáo dục con trước hết bố mẹ phải có lối sống từ chối bạo lực không chỉ với con mình mà với tất cả mọi người”. - chuyên gia tư vấn Trần Thị Ái Liên.
Một giáo viên dạy THCS ở Tân Bình kể, có phụ huynh sau khi đến trường bạt tay một học sinh khác để giải quyết mâu thuẫn bạn bè cho con, còn dặn dò con ngay trước mặt giáo viên: “Từ nay đứa nào dám động đến mày, mày cứ tát tai cho bố. Mọi việc bố chịu trách nhiệm”. Có “bệ đỡ” nên cậu học trò này chẳng “ngán” điều gì, có rắc rối gì là giơ nắm đấm ngay.
Theo các chuyên gia, các hành xử của phụ huynh không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách của con mà còn tác động rất nhiều đến thái độ của bạn bè, thầy cô đối với đứa trẻ đó. Nhiều giáo viên thừa nhận rằng, họ rất e ngại việc giáo dục, va chạm, thậm chí mất thiện cảm đối với những học trò có phụ huynh hành xử như thể kiểu mình là “con vua”.
Những đứa trẻ có bố mẹ thường có hành vi “làm quá” này cũng rất ít bạn bè vì ai cũng sợ chơi, sợ tiếp xúc sẽ mang họa vào thân. Vì hành vi của mình, vô tình có những phụ huynh biến con trở thành đứa trẻ cá biệt trong mắt người khác.
Hải Yến (Theo Dân trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cây gỗ quý 4.300 năm tuổi dài 11m từng bị sét đánh được gia chủ bán 2 căn nhà để lấy, thương gia trả hơn 870 tỷ cũng không bán
Ngôi nhà cổ đẹp nhất quận 9 bên trong toàn gỗ quý, ẩn giấu bí ẩn đến nay chưa có lời giải
Việt Nam có khúc gỗ quý niên đại hàng triệu năm, cứng ngang mã não, từng có cây được trả hơn 600 tỷ đồng
CLIP: Màn săn mồi tinh vi, cá sấu bắt gọn kền kền nhờ kỹ năng ngụy trang điêu luyện
Lý giải nguyên nhân vua chúa Trung Quốc cổ đại sử dụng áo quan bằng ngọc bích
Bộ tộc có tục tệ kinh hãi: Con trai phải uống tinh trùng mới được công nhận là người trưởng thành, bị tách ra khỏi mẹ từ 7 tuổi