Khó hiểu doanh thu bán hàng giảm, Petrolimex vẫn lãi gấp đôi
Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn gộp ở tất cả các lĩnh vực gồm xăng dầu, gas, vận chuyển, tài chính… của Petrolimex đã tăng 97,2% so với năm 2012 nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ lại giảm. So với năm 2012, doanh thu năm 2013 chỉ bằng 97,75% so với năm 2012.
Tính riêng khoản lợi nhuận kinh doanh xăng dầu Petrolimex đạt 768 tỷ đồng. Trong khi năm 2012, Petrolimex công bố mảng kinh doanh mặt hàng xăng dầu, tập đoàn này bị lỗ khoảng 125 tỷ đồng.
Định hướng kinh doanh 2014 ở lĩnh vực xăng dầu, Petrolimex sẽ ưu tiên đầu tư có chọn lọc vào những vùng thị trường cạnh tranh, nơi có nhu cầu, năng suất lao động cao, đường vận chuyển ngắn, chi phí thấp và lợi nhuận cao. Petrolimex sẽ loại bỏ các khâu trung gian kém hiệu quả, chỉ chấp nhận đường vận chuyển ngắn nhất và giữ mức tồn kho hợp lý.
Xăng, dầu, gas tăng phi mã
Lợi nhuận của Petrolimex đến từ đâu là câu hỏi được nhiều người đặt ra bởi trong năm vừa qua. Giá xăng được điều hành theo kiểu tăng giảm rất nhiều lần, nhưng đã có thời điểm giá xăng A92 lên đến mức kỷ lục 24.570 đồng/lít, quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng có thời điểm trích lên đến 2.000 đồng/lít xăng A92.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mức lợi nhuận mà Petrolimex có được phần nhiều do tăng giá và trong một số thời điểm, tiền lời của doanh nghiệp còn đến từ việc xả quỹ bình ổn giá.
Cuối tháng 3/2013, Bộ Tài chính duy trì phương án cho doanh nghiệp đầu mối được sử dụng 2.000 đồng/lít xăng dầu từ quỹ bình ổn giá để bù đắp phần lỗ do giá thế giới tăng cao nhưng giá trong nước được giữ nguyên nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù giá thế giới đã giảm lại.
Hoặc có thời điểm trong tháng 8/2013, so giá cơ sở với giá bán lẻ của Petrolimex, doanh nghiệp đã có lời 140 đồng/lít xăng A92 nhưng Bộ Tài chính vẫn cho xả quỹ bình ổn giá thêm 300 đồng/lít. Cộng với 100 đồng/lít lợi nhuận định mức doanh nghiệp được hưởng, doanh nghiệp có lời 540 đồng/lít.
Thực tế, giá xăng trong năm vừa qua đã được điều chỉnh 4 lần tăng, 6 lần giảm và chốt lại ở mức tăng 4,48%. Giá gas cũng tăng 8 lần và mức tăng kỷ lục là 70.000-80.000 đồng vào ngày 1/12/2013 đưa giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng lên 475.000 - 485.000 đồng/bình 12 kg.
TS Nguyễn Đình Cung từng cho biết, nếu lãi nhờ tăng giá thì không được coi là nỗ lực của doanh nghiệp, nhưng chúng ta vẫn đang coi đó là sự nỗ lực của doanh nghiệp thì tội gì các doanh nghiệp không làm vì tăng giá là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận dễ nhất.
"Đáng lẽ, tăng lợi nhuận phải là do tăng năng suất, tăng hiệu quả, chứ không phải nhờ tăng giá. Đối với các nước trên thế giới, họ không bao giờ chấp nhận những doanh nghiệp công ích có giá năm sau cao hơn năm trước", TS Nguyễn Đình Cung nói.
Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, khi yêu cầu tăng lợi nhuận là phải tăng năng suất, tăng hiệu quả chứ không phải nhờ độc quyền, tăng giá đó không phải công lao của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam không có áp lực buộc doanh nghiệp phải tăng năng suất.
"Như vậy nghĩa là về quản lý doanh nghiệp chúng ta phải thay đổi nhiều, cơ chế quản lý hiện nay không còn hiệu quả nữa, không phù hợp nữa. Thay đổi đầu tiên là các chủ sở hữu, chính là các Bộ chủ quản phải xác định được mình muốn gì ở các doanh nghiệp.
Điều đó sẽ dẫn đến sự thay đổi của các doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn phát triển được, muốn có lãi suất thì phải nâng cao năng suất, nâng cao hiệu quả, lấy các chỉ tiêu về chất để đo lường hiệu quả kinh doanh chứ không thể lấy giá, thậm chí cũng không thể lấy lợi nhuận để đo lường trong bối cảnh các doanh nghiệp còn độc quyền như hiện nay", TS Cung nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo