Khoa học - Công nghệ

Chuyên gia chỉ ra "chìa khóa" giúp nông sản Việt mở đường vào thị trường Anh

DNVN - Trong thư chào hàng, nếu doanh nghiệp cho biết có chứng nhận GLOBAL GAP thì khách hàng tại Anh, các thị trường "khó tính" khác mới quan tâm và hứng thú đọc thông tin về sản phẩm.

Doanh nghiệp mong muốn được nới lỏng phương án “3 tại chỗ” sau ngày 15/9 / Nghệ An: Đầu tư hạ tầng logistics giúp doanh nghiệp xuất khẩu vượt đại dịch

Tại Hội thảo tư vấn trực tuyến xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh do Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức mới đây, các chuyên gia đã tập trung tư vấn cho doanh nghiệp về sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP.
Từ lâu, GLOBAL GAP (Good Agricultural Practice) được biết đến là một bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốtvới mục tiêu tiên quyết tạo nên nền nông nghiệp an toàn và bền vững toàn cầu.
Hiện có hơn 125 quốc gia đã và đang áp dụng tiêu chuẩn GLOBAL GAP. Với Việt Nam, tiêu chuẩn về GLOBAL G.A.P không phải là mới. Chứng nhận này được các tổ chức đánh giá từ năm 2010 và hiện tập trung ở ngành nông nghiệp nhiều hơn ngành thủy sản.
Ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại tại Anh nhận định, Hiệp định thương mại tự do UKVFTA được Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh ký kết kịp thời vào cuối năm 2020 đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh. Trong khi đó, nhu cầu tìm những nguồn cung ứng ngoài EU sau BREXIT của các doanh nghiệp (DN) Anh đã khiến hai bên cùng có cơ duyên hợp tác.
Cũng theo ông Cường, trong các sản phẩm nông nghiệp, chứng chỉ đầu tiên và quan trọng nhất mà các DN không được quên đó là phải giới thiệu DN có sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP. Châu Âu chỉ quan tâm khi sản phẩm có chứng chỉ này. Nếu không có GLOBAL GAP hoặc DN giới thiệu VietGAP thì họ không đọc thư và DN mất đi cơ hội.

Ảnh minh họa.
Trước thực tế đó, ông Cường khuyến nghị các DN cần thực hành sản xuất theo GLOBAL GAP vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường cao cấp như Anh quốc.
Cũng nhấn mạnh về yêu cầu chứng nhận GLOBAL GAP để sản phẩm thâm nhập được thị trường Anh, ông Nguyễn Huy - đại diện Tập đoàn Eurofins Assurance Việt Nam chia sẻ, trong thư chào hàng, DN khẳng định sản phẩm có chứng nhận GLOBAL GAP thì khách hàng mới quan tâm và hứng thú đọc thông tin về sản phẩm.
"Tất nhiên, GLOBAL GAP không phải là yếu tố để thành công 100% nhưng là "cửa vào""", ông Huy - người có 15 năm kinh nghiệm về GLOBAL GAP nhấn mạnh.
Ông Huy khuyến nghị, DN cần bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn trong quy trình canh tác, bón phân, thời điểm thu hoạch để không còn dư lượng thuốc trừ sâu. Chỉ như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng Anh nói riêng và Châu Âu nói chung.
"Ngoài ra, quy trình canh tác phải được chuẩn hóa và phải tuân thủ quy định của địa phương và các quốc gia DN định xuất khẩu. Luật pháp mỗi nước khác nhau nên khi DN xuất khẩu sản phẩm sang nước nào thì cần nắm được quy định của nước đó", ông Huy nói.
Chia sẻ về quy trình đánh giá tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P, tiến sĩ nông nghiệp Hán Văn Hạnh, nghiên cứu sinh Đại học Glasgow cho biết, đầu tiên phải tìm hiểu sản phẩm có nằm trong danh mục đánh giá tiêu chuẩn GLOBAL GAP hay không. Nếu nằm trong danh mục, cơ sở đăng ký với tổ chức đánh giá tiêu chuẩn GLOBAL GAP; tìm hiểu các tài liệu, các đầu mục mà quy chuẩn yêu cầu.
Sau khi áp dụng các quy trình đánh giá tiêu chuẩn, cơ sở sẽ tiến hành tự đánh giá (quy trình đánh giá nội bộ) xem quy trình đã bảo đảm quy chuẩn hay chưa. Bước tiếp theo, cơ sở tự cải tiến và bắt đầu lựa chọn đăng ký ký hợp đồng với đơn vị đánh giá trung gian, trả phí cho đơn vị trung gian.
Theo chuyên gia Hán Văn Hạnh, sau khi cơ sở đăng ký sẽ có chuyên gia đến đánh giá tiêu chuẩn. Nếu bảo đảm 100% yêu cầu bắt buộc và trên 95% yêu cầu nhỏ (yêu cầu thứ yếu), sản phẩm của cơ sở sẽ được cấp chứng chỉ và chứng chỉ có giá trị trong vòng 1 năm. Hàng năm sẽ có đánh giá lại về GLOBAL G.A.P. Nếu có điểm nào chưa đạt yêu cầu, cơ sở phải sửa đổi các điểm đó, sau đó báo cáo đánh giá lại. Nếu đạt yêu cầu, sản phẩm mới được cấp chứng chỉ.
Ngoài GLOBAL GAP, các chuyên gia cho rằng, DN cần lưu ý thư chào hàng cần viết bằng tiếng Anh và dùng mail gắn tên DN thay vì tên cá nhân. Không nên gửi thư chào hàng vào thời điểm mùa hè, dịp Giáng sinh và năm mới - thời điểm tần suất làm việc của người Anh giảm tới 90%. Gửi thư vào thời điểm này, DN sẽ không nhận được phản hồi từ đối tác. DN cũng cần lưu ý không chào hàng vào thời điểm Châu Âu thu hoạch nhiều trái cây, nguồn cung tại chỗ dồi dào...
Bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận thành công thị trường Anh nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thành công mặc dù có sản phẩm tốt.
Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Anh sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Anh, trong đó có Chương trình quảng bá đặc sản nhiệt đới từ Việt Nam tại Luân Đôn vào ngày 28/9/2021. Các doanh nghiệp có thể gửi hàng mẫu và tài liệu quảng bá sản phẩm cho Thương vụ để trưng bày tại sự kiện.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm