Hỗ trợ doanh nghiệp

ĐBSCL: Cần tháo gỡ điểm nghẽn logistics để tăng sức cạnh tranh cho nông sản

DNVN - Điểm nghẽn lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hạ tầng giao thông kết nối và hệ thống cảng biển quy mô lớn. Nếu hạ tầng phát triển thì logistics phát triển theo, còn hiện tại thì logistics lại chờ hạ tầng. Đó là vòng luẩn quẩn của vùng này trong 3 thập niên qua.

Festival quốc tế nông nghiệp ĐBSCL mở cơ hội mới cho doanh nghiệp / ĐBSCL kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển du lịch với 78 dự án

Theo định hướng đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 2 trung tâm logistics hạng II tại tỉnh Long An và TP Cần Thơ.

Đối với Trung tâm hạng II ở tiểu vùng kinh tế các tỉnh Tây Nam TP Hồ Chí Minh có quy mô tối thiểu đến năm 2020 là 20 ha, đến năm 2030 là trên 50 ha, với phạm vi hoạt động tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Bến Tre. Đồng thời, kết nối với các cảng cạn, cảng biển (cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, Mỹ Tho), cảng hàng không, bến xe, nhà ga, các khu công nghiệp, các cửa khẩu thuộc tỉnh Long An, Đồng Tháp.

Còn Tiểu vùng kinh tế trung tâm vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ quy mô đến năm 2020 là 30 ha, đến năm 2030 là trên 70 ha, với phạm vi hoạt động tại các tỉnh, thành: TP Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang.

Trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã làm “gãy” rất nhiều chuỗi sản xuất và cung ứng, nhất là nông sản tại ĐBSCL. Một trong những nguyên nhân cốt yếu là thiếu các trung tâm logistics đầu tư ở các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Điều này không chỉ làm chi phí doanh nghiệp đội lên cao mà còn giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Giải pháp gỡ điểm nghẽn logistics chính là đầu tư có trọng điểm và có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, vùng.

Điểm nghẽn lớn nhất của ĐBSCL được nói đến nhiều là hạ tầng giao thông kết nối và hệ thống cảng biển quy mô lớn.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp chi nhánh Cần Thơ, ngày nay năng lực cạnh tranh của quốc gia, địa phương hay của ngành đều dựa trên năng lực logistics, bởi các lợi thế so sánh dường như không còn quá quan trọng tại mỗi địa phương.

“Tại ĐBSCL, logistics là ngành mới, nên chưa có một trung tâm logistics đúng nghĩa, có quy mô, mà chỉ mới được quy hoạch. Các trung tâm nhỏ lẻ nằm ở khu công nghiệp hay các kho lạnh của doanh nghiệp tự đầu tư thì chỉ ở chừng mực, chưa đồng bộ. Điểm nghẽn lớn nhất của ĐBSCL được nói đến nhiều là hạ tầng giao thông kết nối và hệ thống cảng biển quy mô lớn. Điều này quyết định đến phát triển ngành logistics. Nếu hạ tầng phát triển thì logistics phát triển theo, còn hiện tại thì logistics lại chờ hạ tầng. Đó là vòng luẩn quẩn của vùng ĐBSCL trong 3 thập niên qua”, ông Lâm phân tích.

Còn theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL: Theo quy hoạch, ĐBSCL có 2 trung tâm logistics hạng II, nhưng việc đầu tư để phát triển nó còn nhiều vấn đề phải bàn. Hơn 20 năm trước, hạ tầng giao thông được xác định là một trong 3 khâu đột phá để phát triển ĐBSCL.

Trong 20 năm qua, hạ tầng giao thông của vùng đã có các trục dọc, đường ngang, cầu vượt sông lớn, đường bộ, hàng hải, hàng không nhưng so với yêu cầu phát triển, nhất là kết nối với TP Hồ Chí Minh, kết nối vùng thì vẫn còn là điểm nghẽn. Điều đó làm ảnh hưởng đến đầu tư logistics.

Cũng theo ông Hiệp, chi phí logistics của các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 25-30% giá thành trong khi thế giới chi phí này chỉ chiếm chiếm từ 9-12% trong giá thành. Hiện nay, tại ĐBSCL chưa có thống kê riêng chi phí logistics nhưng chắc chắn là cao, vì hầu hết nông sản đều chuyển lên TP Hồ Chí Minh xuất khẩu, do tàu lớn không thể vào được các cảng của vùng. Bên cạnh đó, tại đây chưa hình thành chuỗi kết nối logistics. Chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư logistics, có chăng đi nữa chỉ xuất hiện của các doanh nghiệp đến từ nơi khác. Nếu không giải quyết được bài toán hạ tầng, dịch vụ, chi phí thì logistics không giải quyết được. Và nó làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.

Cụ thể, gần đây đã xuất hiện những “đứt gãy” trong chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản do thực hiện giãn cách xã hội, nhất là hàng thiết yếu và nông sản. ĐBSCL kết nối TP Hồ Chí Minh và vẫn thực hiện “mục tiêu kép”. Vì vậy, nhu cầu nguyên liệu cho doanh nghiệp duy trì sản xuất rất lớn, nhưng chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống dân sinh, tiêu thụ nông sản và nguyên liệu cho sản xuất đã có sự đứt gãy.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây tại TP Cần Thơ cho biết, chi phí logistics hiện chiếm tới 30% giá thành nông sản xuất khẩu. Logistics là nút thắt lớn của doanh nghiệp hiện nay, nhiều đơn vị không đủ năng lực đầu tư hậu cần cho nông sản. Vì vậy, rất cần nhà nước quan tâm, có chính sách cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản trong xu thế hiện nay.

Cũng theo doanh nghiệp này, hiện trái cây xuất khẩu của công ty (nhãn, xoài, sầu riêng, dưa lưới…) đều gửi ở kho logistics ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Khi có dịch vụ hậu cần tốt cho nông sản, không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cạnh tranh mà còn giúp tăng khả năng mua hàng, tạo tâm lý thoải mái cho nhà mua, giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng giá trị vì mẫu mã đẹp hơn, nhất là sản phẩm tươi.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Phương Lam cho rằng, đại dịch COVID- 19 ảnh hưởng hầu hết các ngành, lĩnh vực. Riêng ĐBSCL logistics vẫn là mắc xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất. Nếu mắc xích này được đầu tư tốt ngay từ đầu thì sẽ giảm thiểu nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Hệ thống logistics tốt, doanh nghiệp có thể sản xuất cầm chừng với nguồn nguyên liệu sẵn có, tồn trữ, tránh dồn ứ nguyên liệu và tránh thiếu hụt trong cung ứng.

Cũng theo ông Lam, thậm chí khủng hoảng kéo dài thì logistics sẽ là tổng kho lưu trữ hàng hóa cho doanh nghiệp. Vì vậy, với những gì đang diễn ra, các tỉnh ĐBSCL cần tính toán ngay đến khuyến khích doanh nghiệp đầu tư logistics kết nối với các cảng biển, ga hàng không, kết nối vận tải giữa trung tâm và các vệ tinh. Chính phủ đã có những ưu tiên đầu tư hạ tầng giai đoạn 2021-2025 cho ĐBSCL tốt hơn và logistics sẽ phát triển mạnh hơn.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm