Đẩy mạnh đào tạo nhân lực công nghệ cao, hướng tới 50.000 kỹ sư bán dẫn vào 2030
Khi lãnh đạo khởi đầu bằng khoa học / Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đồng hành với địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 ngày 3/7, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Theo Thứ trưởng, trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng tích hợp các môn học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ngay từ bậc phổ thông, tiếp nối lên đại học và sau đại học. Đặc biệt, ngày 25/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành Đề án số 1002 về đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ, giai đoạn 2025–2035, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là căn cứ quan trọng để triển khai đồng bộ các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, khoảng 90% cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã tham gia đào tạo các ngành STEM. Riêng năm 2024, số lượng sinh viên theo học các ngành này tăng khoảng 10,6%, tương đương 60.000 sinh viên, nâng tổng số tuyển sinh mới lên 218.000 sinh viên, chiếm 36% tổng số sinh viên cả nước.
Ở bậc sau đại học, tốc độ tăng trưởng còn ấn tượng hơn. Năm 2024, số học viên trình độ thạc sĩ trong các ngành STEM tăng tới 34% (gần 20.000 người), trình độ tiến sĩ tăng 33%, đạt gần 4.000 nghiên cứu sinh, tăng gần 600 người so với năm 2023.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn cho rằng, tỷ lệ người học STEM ở Việt Nam hiện mới đạt khoảng 27–31%, thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore (46%), Malaysia (50%), Hàn Quốc (33%) hay Đức (39%).
Liên quan đến nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế số, Thứ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình 1017 từ ngày 21/9/2024 về phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu là đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030 và xây dựng đội ngũ nhân lực đủ mạnh để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu vào năm 2050.
Trong năm học 2024–2025, có khoảng 19.000 sinh viên đã nhập học các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn, chiếm 10% sinh viên học STEM. Cả nước hiện có 166 cơ sở đào tạo liên quan đến vi mạch, trong đó 97 cơ sở đào tạo trực tiếp các chuyên ngành bán dẫn. Đến nay, đã có 30 chương trình đào tạo được công bố và triển khai tại 8 trường đại học.
Về cơ chế chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị định về học bổng và miễn giảm học phí cho sinh viên, nghiên cứu sinh ngành STEM, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 7 này. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ người học tiếp cận các ngành nghề công nghệ cao, giải quyết bài toán đầu vào – đầu ra cho nguồn nhân lực tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo