Khoa học - Công nghệ

Doanh nghiệp cần cú hích công nghệ để sản xuất xanh

DNVN - Sản xuất xanh đang là xu hướng tất yếu và công nghệ được xem là “chìa khóa” mở ra cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất xanh. Tuy nhiên, nhiều nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn gặp khó vì thiếu công nghệ phù hợp và chi phí đầu tư cao...

Hai rào cản doanh nghiệp cần khắc phục khi tuân thủ Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân / Chủ nhân Giải Nobel Vật lý 2016: Khoa học không bắt đầu từ giải thưởng mà từ đam mê

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, việc "xanh hóa" sản xuất và tiêu dùng không còn là một lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu. Các chiến dịch trồng hàng trăm nghìn cây xanh, chuyển đổi năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa... thể hiện cho nỗ lực của doanh nghiệp trên hành trình phát triển bền vững.

Tuy nhiên, sản xuất xanh đang đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp. Chi phí đầu tư ban đầu khổng lồ, cùng với quy trình sản xuất khắt khe và yêu cầu cao về nguyên liệu, khiến nhiều đơn vị còn e ngại. Do đó, không ít doanh nghiệp chỉ dám thử nghiệm sản phẩm xanh ở quy mô nhỏ, dù đây là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi hướng tới thị trường xuất khẩu. Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh với chi phí phù hợp vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đây cũng là nội dung được các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp tập trung thảo luận tại diễn đàn “Tiêu dùng bền vững hướng đến Kỷ nguyên xanh 2025” diễn ra ngày 2/7 tại Hà Nội.

Công nghệ được coi là chìa khoá để doanh nghiệp sản xuất xanh và phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường – Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, dù Việt Nam đã tham gia Chương trình Phát triển bền vững của Liên hợp quốc hơn 10 năm, nhưng phần lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn lúng túng, thậm chí chưa hiểu rõ ESG là gì. Bộ tiêu chí phát triển bền vững hiện hành chủ yếu dành cho doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa lại thiếu công cụ, nguồn lực để tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm xanh một cách hiệu quả.

“Chúng tôi đang xây dựng bộ tiêu chí ESG riêng cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, với kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ tiếp cận tiêu dùng bền vững một cách thực chất”, bà Hường nói.

Theo bà Hường, công nghệ chính là chìa khoá để hiện thực hóa mục tiêu ESG. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ cần ứng dụng hiệu quả những thành tựu khoa học – công nghệ đã đủ tạo ra hiệu quả kinh doanh. Nghị quyết 57 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng sẽ tạo hành lang thuận lợi, nhưng cần thêm cơ chế hỗ trợ phù hợp với năng lực thực tiễn của doanh nghiệp nhỏ.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Anh Tuấn – Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, khoa học – công nghệ xanh chính là “chìa khóa” mở ra cánh cửa cho doanh nghiệp bước vào kỷ nguyên xanh.

“Công nghệ không chỉ giúp tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm tác động môi trường, mà còn nâng cao năng suất, khả năng truy xuất nguồn gốc, tiết kiệm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, vấn đề lớn hiện nay là làm thế nào để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ xanh với chi phí hợp lý. Điều này đòi hỏi những giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ chính sách đến tài chính và kết nối công nghệ.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hồng Nhi – Phó Tổng giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ, Unilever đã và đang tích cực cải tiến bao bì sản phẩm để tăng khả năng tái chế. Hiện hơn 70% bao bì của doanh nghiệp này có thể tái chế, nhiều nhãn hàng như Sunlight đã sử dụng 100% nhựa tái chế để sản xuất bao bì.

Mỗi năm, Unilever thu gom và tái chế từ 13.000 đến 15.000 tấn rác thải nhựa, đưa trở lại vào sản xuất. Tuy nhiên, bà Nhi cho rằng, một trong những trở ngại lớn là công nghệ tái chế tại Việt Nam còn chưa phát triển, số lượng nhà cung cấp nguyên liệu tái chế đạt chuẩn quốc tế hiện “đếm trên đầu ngón tay”.

Thêm vào đó, giá nhựa tái chế hiện cao hơn khoảng 20% so với nhựa nguyên sinh do nguồn cung không ổn định và chi phí sản xuất lớn. Do vậy, Unilever kỳ vọng Nhà nước sẽ sử dụng quỹ môi trường để đầu tư cho công nghệ tái chế hiện đại, đồng thời có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong sản phẩm, bao bì.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm