Khoa học - Công nghệ

Doanh nghiệp chủ động xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở hàng hóa

DNVN - Cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khi sản xuất, sáng tạo ra sản phẩm, hàng hóa cần chủ động nắm bắt các thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm hàng hóa được lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước thuận lợi.

Chuyên gia Ấn Độ: Cho rằng biến thể Omicron lây truyền gấp 6 lần Delta là sai khoa học / Cần một khung pháp lý ổn định và lâu dài để phát triển năng lượng tái tạo

Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gắn liền với yêu cầu bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng. Qua đó nhằm đáp ứng các mục tiêu bảo vệ sức khỏe, an toàn, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, thuận lợi cho thương mại.
Cơ sở của hoạt động kiểm tra, kiểm soát an toàn, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa chính là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành và áp dụng, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là hoạt động quan trọng, xuyên suốt của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, Hiệp hội… triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và các thông lệ, cam kết quốc tế liên quan.

Việc áp dụng, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là hoạt động quan trọng, xuyên suốt của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp.
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các bên liên quan triển khai rất nhiều hoạt động trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Qua đó, mang lại những kết quả nhất định.
Về chính sách, pháp luật, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia công tác về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật… triển khai hoạt động bài bản, khoa học.
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành 67 quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cho các sản phẩm hàng hóa. Các QCVN này là cơ sở khoa học và công cụ quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an toàn, sức khỏe của người sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… thông qua việc kiểm soát các sản phẩm, hàng hóa sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu có nguy cơ gây mất an toàn, kém chất lượng.
Từ năm 2007 đến nay, từ khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được ban hành, Bộ Công Thương đã giao cho các tổ chức khoa học và công nghệcủa Bộ biên soạn một số dự thảo TCVN theo kế hoạch phê duyệt hàng năm và chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố.
Chủ động nắm bắt thông tin
Theo ông Đào Trọng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, Nhà nước đã và đang thực hiện vai trò định hướng, xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp được hoạt động sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm, hàng hóa.
Ở góc độ tuân thủ, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khi sản xuất, sáng tạo ra sản phẩm, hàng hóa cần chủ động nắm bắt các thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kết nối với cơ quan quản lý nhà nước khi cần thiết để bảo đảm hàng hóa được lưu thông trên thị trường, bao gồm tại các hệ thống siêu thị, kênh phân phối, bán lẻ được thuận lợi.
Để thực hiện được nội dung này, theo ông Cường, doanh nghiệp cần xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đề xuất, tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế thông qua các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực nhằm tận dụng lợi thế đối với sản phẩm, hàng hóa của mình và phục vụ công tác công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn.
Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, góp ý các dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến sản phẩm, hàng hóa của mình để đóng góp tiếng nói cũng như bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp sau khi QCVN được ban hành. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tuân thủ và áp dụng các quy định của QCVN tương ứng trong quá trình lưu thông hàng hóa thông qua hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục định hướng đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như thúc đẩy, hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương hướng đến hoàn thiện một cơ cấu quản lý có tư duy đổi mới, hiệu quả, thực sự đóng vai trò đầu tầu trong quản lý kinh tế và đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam từng bước phát triển, chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu trọng điểm, bảo đảm thị trường trong nước ổn định...
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm