Khoa học - Công nghệ

Doanh nghiệp thương mại điện tử đối diện nhiều thách thức để bứt phá trên đường đua số

DNVN - Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển thị trường cho doanh nghiệp Thương mại điện tử (TMĐT) trong bối cảnh chuyển đổi số”, sáng 17/11, Giám đốc phát triển đối tác kinh doanh của Lazada Việt Nam cho rằng còn nhiều thách thức về tư duy kinh doanh, khả năng tiếp cận kế hoạch và chi phí vận hành mà doanh nghiệp TMĐT phải vượt qua.

Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam tới 2025 sẽ đứng thứ 3 Đông Nam Á / TMĐT Việt Nam quý II: Lượng truy cập website Tiki, Lazada, Sendo giảm, Shopee tăng mạnh

TMĐT tăng trưởng ấn tượng
Khai mạc Hội thảo “Phát triển thị trường cho doanh nghiệp TMĐT trong bối cảnh chuyển đổi số”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân- Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sự ứng dụng sâu sắc thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang tìm kiếm mô hình hoạt động phù hợp, linh hoạt hơn, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua những khó khăn.
Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về tỷ lệ người sử dụng Internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến làm doanh thu TMĐT liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua.
Nếu như năm 2016 doanh thu đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019 mức doanh thu đã tăng gần gấp đôi, đạt gần 10 tỷ và năm 2020 là 11,8 tỷ, với mức tăng trưởng là 18% so với từng năm.
Thị trường TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ.

Thị trường TMĐT toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Đây là nhận định đã nhấn mạnh trong Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2021 vừa được Cục TMĐT và Kinh tế số công bố.
Theo Báo cáo thống kê từ eMaketer, doanh thu TMĐT toàn cầu năm 2020 là hơn 4.200 tỷ USD, dự báo năm 2021: trên 4.900 tỷ USD. Và năm 2024 con số này dự kiến là gần 6.800 tỷ USD.
Công bố của e-Conomy SEA 2021 cũng cho biết, nền kinh tế Internet của Việt Nam dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD về Tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 51% trong số họ không phải từ thành phố lớn, 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiêu dùng kỹ thuật số trong tương lai.
Việt Nam tiếp tục là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào, hoạt động đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021, đạt mức độ cao kỷ lục, đạt 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp đầu tư vào kỹ thuật số trong lĩnh vực TMĐT, tài chính, sức khỏe và giáo dục.
“Kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu đưa TMĐT trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ứng dụng rộng rãi để tăng thu nhập, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển trong nước và xuất khẩu. Kế hoạch này gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch về chuyển đổi số quốc gia”, ông Tân nói.
Cần đầu tư dài hạn vào công nghệ và logistics
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Hoàng- Giám đốc phát triển đối tác kinh doanh của Lazada Việt Nam cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi mới, với xu hướng mới và vận hội mới.
Ông Nguyễn Huy Hoàng- Giám đốc phát triển đối tác kinh doanh của Lazada Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Trong thời gian bình thường mới, có 3 xu hướng mới diễn ra liên quan đến sức khỏe, thận trọng về tài chính, kết nối và cộng đồng. Đặc biệt, COVID-19 đã và đang đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế số. Đại dịch đã tái định hình hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức để bứt phá trên đường đua số. Đó là chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số; thiếu dữ liệu vận hành trên nền tảng số; khả năng tiếp cận kế hoạch trong bối cảnh người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” và khó khăn liên quan đến bài toán đầu tư chi phí vận hành.
Đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp gỡ được nút thắt nhờ hệ sinh thái TMĐT, ông Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, những sàn TMĐT lớn ở Việt Nam như Lazada luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công.
Hướng tới phục vụ 300 triệu khách hàng vào năm 2030, Lazada cố gắng “chắp cánh” cho 8 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực Đông Nam Á có thể phát triển một cách thịnh vượng. Cùng với đó là cố gắng tạo hàng triệu việc làm trong hệ sinh thái TMĐT khu vực.
Lazada đẩy mạnh như xu hướng kinh doanh mới nhất, trong đó, hình thức thanh toán không tiền mặt đã thúc đẩy rất mạnh mẽ trên nền tảng Lazada trong thời gian dài. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, sàn TMĐT này đã cung cấp rất nhiều hình thức thanh toán đáp ứng yêu cầu mua sắm không tiếp xúc, bảo đảm an toàn.
“Chúng tôi hướng đến xây dựng một hệ sinh thái TMĐT bền vững thông qua đầu tư dài hạn vào công nghệ và logistics. Trong đó, khách hàng được ưu tiên hàng đầu, kết hợp sự am hiểu địa phương và tư duy toàn cầu để tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng”, Giám đốc phát triển đối tác kinh doanh của Lazada Việt Nam nói.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm