Một nghiên cứu cho thấy niềm tin vào địa ngục...cũng làm giảm cảm giác hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống.
Trong một nghiên cứu mới được công bố tháng Một vừa rồi trên tạp chí Plos One, phó giáo sư tâm lý Azim Shariff của đại học Oregon và đồng nghiệp đã khảo sát các số liệu để xem xét liệu niềm tin vào thiên đường và địa ngục có ảnh hưởng tới trạng thái cảm xúc thường ngày cũng như sự hài lòng trong cuộc sống hay không.
Các số liệu thu thập được từ 63 quốc gia cho thấy nếu người ta tin vào thiên đường nhiều hơn địa ngục, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hơn. Khi xem xét các phản hồi của cá nhân, các nhà nghiên cứu cũng thu được kết quả tương tự.
Nhằm tìm kiếm bằng chứng, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc khảo sát mới với 422 người. Họ được yêu cầu viết về thiên đường, địa ngục hoặc những gì họ đã làm hôm trước, sau đó thì đánh giá mức độ trải nghiệm 7 cảm xúc: hạnh phúc, buồn bã, tội lỗi, an toàn, xấu hổ, sợ hãi và bình tĩnh.
Kết quả cho thấy, các đánh giá về cảm xúc của những người viết về thiên đường không có khác biệt gì so với những người viết về các hoạt động của ngày hôm trước. Điều này đặt ra giả thuyết rằng đơn thuần niềm tin vào thiên đường không làm người ta cảm thấy hạnh phúc hơn.
Trong khi đó, những người viết về địa ngục cho thấy họ cảm thấy hạnh phúc ít hơn và buồn bã nhiều hơn những người khác. Điều này đúng với cả những người không theo tôn giáo nào.
"Những người theo tôn giáo có xu hướng cảm thấy hạnh phúc hơn, hoặc ít nhất họ nói là như vậy và điều này có thể là do khía cạnh xã hội của tôn giáo," phó giáo sư Shariff cho biết. Các nghiên cứu khác lại cho rằng những lợi ích xã hội của tôn giáo lan truyền giữa các cộng đồng theo tôn giáo đó.
Mặc dù việc tin vào địa ngục...làm giảm cảm giác hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống, nhưng chỉ số hạnh phúc của người Việt vẫn được đánh giá ở mức cao.
Báo cáo về mức độ hạnh phúc thế giới 2013 do Viện Trái đất, Đại học Columbia, Mỹ, công bố hồi tháng 9/2013 cho thấy Việt Nam được xếp thứ 63, sau nhiều quốc gia khác của thế giới, nhưng vẫn ở trên Nga, cường quốc chỉ đứng thứ 68.
Trong khu vực châu Á, mức điểm trên trung bình này giúp Việt Nam vượt mặt nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hong Kong, Indonesia, Philippines hay Lào. Trung Quốc, nước đang phát triển lớn thế giới và là láng giềng của Việt Nam, kém đến 30 bậc và đứng thứ 93.
Xét trong khu vực Đông Nam Á, người dân Việt Nam có mức điểm hạnh phúc cao thứ tư, chỉ kém hạnh phúc hơn so với người Singapore ở vị trí 30, Thái Lan ở vị trí 36 và người Malaysia đứng thứ 56.
Trước đó, theo xếp hạng của Quỹ Kinh tế mới (NEF) tại Anh công bố, Việt Nam đứng thứ 2 chỉ số hành tinh hạnh phúc.
Theo nhận định của các chuyên gia, ở Việt Nam, với tinh thần lạc quan cố hữu, những yếu tố chủ quan như sự hài lòng với cuộc sống thường cao chót vót, bất chấp thực tế đời sống đầy gian nan.
Báo Đất Việt