Khống chế chất cấm, 'siết' việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra ngày 3/3, tại Hà Nội.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, sau khi Bộ này mở đợt cao điểm tấn công vào các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc, đến nay, vấn nạn đã giảm hẳn. Tuy nhiên, hiện tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản trở lại nhức nhối.
Cụ thể, triển khai đợt cao điểm từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016, Bộ NN&PTNT đã cùng các Bộ ngành liên quan phối hợp cơ quan chức năng phát hiện xử phạt nhiều trường hợp sử dụng các loại chất cấm như: Salbutamol, Vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi với số lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn, thu nộp ngân sách khoảng 1,3 tỷ đồng.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện 1.663 mẫu rau, quả, thịt, cá có chứa chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh vượt quá mức cho phép…
Theo Bộ NN&PTNT, công tác thanh tra đột xuất và điều tra nguồn tin từ đường dây nóng và cơ sở đã tạo sự chuyển biến lớn trong kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, đến cuối đợt cao điểm, lực lượng liên ngành đã lấy 207 mẫu thức ăn chăn nuôi của 32 công ty sản xuất tại 10 tỉnh, thành phố để phân tích chất cấm, kết quả cho thấy không phát hiện mẫu nào dương tính với các loại chất cấm.
Cùng với đó là việc chỉnh sửa kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật như: bổ sung danh mục một số chất cấm sử dụng trong lĩnh vực chăn nuôi, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 cũng đã bổ sung quy định xử lý hình sự đối với các đối tượng có sử chất cấm…
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai nhiều đại biểu đề xuất, mặc dù đạt nhiều kết quả trong chấn chỉnh tình trạng mất an toàn thực phẩm trong nông nghiệp nói chung, kiểm soát chất cấm nói riêng nhưng nếu cơ quan chức năng lơ là, tình trạng tái sử dụng có thể xảy ra. Vì vậy, các trang trại và lò mổ tiếp tục sẽ là tâm điểm để cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện chất cấm.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, an toàn thực phẩm nông sản là nhiệm vụ ưu tiên số 1 của ngành trong năm 2016. Do đó, phải có kế hoạch hành động tương xứng. Rút kinh nghiệm qua đợt cao điểm, phải chọn ra lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo xử lý.
Vị tư lệnh ngành NN&PTNT cũng cho biết, trong vòng 2 tháng tới, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt và Tổng cục Thủy sản phải hoàn thành sửa đổi Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt - VietGAP để khuyến khích nông dân sản xuất nông sản có xác nhận an toàn. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến mức tồn dư tối thiểu các loại kháng sinh để từ đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như địa phương có cơ sở để giám sát và xử lý vi phạm…
Bên cạnh đó, trong 4 tháng tới, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, vấn đề này phức tạp nhưng với kinh nghiệm trong xử lý chất cấm nếu cùng phối hợp tập trung chỉ đạo có thể làm được. Tiếp đến là xử lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả. Bộ sẽ cùng với các địa phương hành động quyết liệt thuốc bảo vệ thực vật, thuốc giả, kém chất lượng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo