Không còn “chú - cháu” nơi công quyền!
Khẳng định trên được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đưa ra, khi nói về chuẩn hóa văn hóa công sở - một trong những đề án được Bộ Nội vụ triển khai trong thời gian tới để ra một nghị định “cứng” về vấn đề này. Ông Trần Anh Tuấn cũng trao đổi thẳng thắn với phóng viên về một số vấn đề khác xung quanh các dự thảo thông tư, nghị định do Bộ Nội vụ xây dựng đang gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc hội thảo về “Văn hóa công sở” để có một nghị định về vấn đề này, bởi đối với công chức ở công sở, có những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là văn hóa. Ví dụ như khi phát biểu trong một cuộc họp thì phải đứng lên, không nên ngồi; bắt tay chào hỏi giữa mọi người với nhau như thế nào; xưng hô trong quan hệ công tác sao cho hợp lý, chứ cứ "chú cháu, bác cháu" nơi công sở là không phù hợp; hay phụ nữ có được mặc váy không, váy dài đến đâu... Nói chung, các hoạt động công vụ diễn ra nơi công sở được thực hiện một cách có văn hóa cũng là phản ánh chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.
PV: Cộng đồng mạng tranh cãi về việc có nên ban hành quy định cụ thể về việc ngủ trưa nơi công sở - quan điểm của ông?
- Theo tôi, khi bàn về vấn đề này cũng cần có cái nhìn mang tính khoa học, ví dụ như cần chú ý đến các yếu tố về văn hóa tập quán, khí hậu, thổ nhưỡng, tổ chức lao động ở từng ngành, từng lĩnh vực... với người làm việc trí óc, giấc ngủ trưa dù ngắn nhưng rất quan trọng, vì thế, theo tôi tùy tính chất công việc, tùy từng điều kiện cụ thể, để quy định một cách linh hoạt chứ không nên có quy định “ cứng” về điều này. Nếu định quy định thì cần nghiên cứu tình hình cụ thể của từng quốc gia, không nên bắt chước máy móc như thế, cần nghiêm túc và khoa học khi nghiên cứu về vấn đề "nghỉ trưa" cho phù hợp với con người, văn hóa, khí hậu và điều kiện làm việc ở VN.
PV: Dự thảo nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức, trong đó cấp thứ trưởng phải sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ cao cấp bậc 6 trở lên. Điều này là có “quá sức” so với mặt bằng chung hiện nay hay không thưa ông?
- Đây là dự thảo ban đầu ở cấp chuyên viên được gửi để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đưa lên website lấy ý kiến nhân dân, rồi sau đó sẽ tổng hợp để tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, trong tiêu chuẩn tuyển công chức thì cũng phải có ngoại ngữ mang tính thông dụng. Trường hợp nếu không sử dụng được ngoại ngữ mà sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ cho công tác, làm việc ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thì cũng được. Hiện nay, dự thảo vẫn đang trong quá trình xây dựng, qua thảo luận và góp ý của mọi người nếu thấy quy định là cao, chưa sát và phù hợp với thực tế, thì phải tiếp thu và hoàn thiện. Bộ Nội vụ sẽ còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo để thảo luận. Đối với tiêu chuẩn ngoại ngữ thì Bộ Nội vụ sẽ trao đổi và lấy ý kiến của Bộ GDĐT cũng như các cơ quan có liên quan khác để việc quy định tiêu chuẩn ngoại ngữ phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay cũng như yêu cầu phát triển của đất nước.
PV: Ý kiến của ông về tiêu chuẩn "phải có lòng yêu nước"của cán bộ, công chức?
- Mọi người VN đều có lòng yêu nước. Cách thể hiện lòng yêu nước của mỗi người là khác nhau. Những tiêu chuẩn liên quan đến tinh thần yêu nước, sự tận tụy phục vụ nhân dân là sự kế thừa các quy định hiện nay của Đảng và Nhà nước. Việc kiểm định lòng yêu nước của cán bộ, công chức, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đều có thể kiểm định được. Việc kiểm định đó được thực hiện thông qua các tiêu chí như: Trách nhiệm trong hoạt động công vụ; các cống hiến và kết quả đạt được trong công tác; sự tận tâm tận tụy trong giải quyết các yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân, không gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ... Lòng yêu nước thực chất cũng chính là một nội dung của đạo đức công vụ mà bất cứ một cán bộ, công chức nào cũng cần phải có.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo